Hỡi những người có đức tin, việc nhịn chay đã được sắc lệnh cho các ngươi giống như nó đã được sắc lệnh cho các thế hệ trước các ngươi, mong rằng các ngươi trở thành những người có Taqwa.

» Video: 7 Bài học từ nhịn chay Ramadan

Chương 11: Jihaad

 Jihaad muốn nói ở đây là sự đấu tranh của một con người với chính bản thân mình trong việc nỗ lực tìm kiếm điều hữu ích.

Một số học giả nói: Jihaad với bản thân (tức chiến đấu với bản thân) là Jihaad lớn lao nhất, còn Jihaad với kẻ thù (tức đi chiến đấu với kẻ thù) là Jihaad nhỏ.

Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Và những ai chiến đấu cho chính nghĩa của TA thì chắc chắn sẽ được hướng dẫn họ đến những con đường của TA. Và quả thật, Allah luôn bên cạnh những ai làm tốt.} (Chương 29 – Al-Ankabut, câu 69).

{Chiến đấu cho chính nghĩa của Allah} trong câu Kinh là sự chiến đấu với bản thân, chiến đấu với Shaytan, với lòng ham muốn và chiến đấu với kẻ thù vì làm hài lòng Allah (swt). {Những con đường của TA} có nghĩa là các con đường thuận tiện và dễ dàng để đến với Allah (swt), đến với Thiên Đàng ở nơi Ngài, và những con đường đó chính là sự tuân phục và chấp hành theo mệnh lệnh của Ngài. {Và quả thật, Allah luôn bên cạnh những ai làm tốt} có nghĩa là Allah (swt) sẽ luôn phù hộ và giúp đỡ những ai ngoan đạo luôn sống theo ý chỉ và sự hài lòng của Ngài.

Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Hãy thờ phượng Thượng Đế của Ngươi cho đến khi sự kiên định đến với ngươi.} (Chương 15 – Al-Hijr, câu 99).

Sự kiên định được nói trong câu Kinh có nghĩa là cái chết. Allah (swt) gọi cái chết là sự kiên định bởi vì cái chết là điều chắc chắn xảy ra, là điều kiên định không thể chối cãi, không có bất cứ linh hồn nào phủ nhận cái chết cả và cũng không có bất cứ linh hồn nào có thể chạy trốn khỏi cái chết một khi nó đến. Cho nên cái chết là điều kiên định xảy đến cho mỗi linh hồn, như Allah đã phán:

{Mỗi linh hồn đều phải nếm cái chết.} (Chương 3 – Ali ‘Imaran, câu 185).

{Hãy thờ phượng Thượng Đế của Ngươi cho đến khi sự kiên định đến với ngươi}có nghĩa là Allah (swt) ra lệnh cho vị Nabi của Ngài Muhammad (saw) phải nỗ lực đấu tranh trọn cả cuộc đời cho con đường thờ phượng Ngài, phải đấu tranh với bản thân, với lòng ham muốn để thờ phượng Ngài cho đến khi từ biệt cõi trần.

Đây là thông điệp chung cho các tín đồ của Nabi Muhammad (saw) chứ không phải dành riêng cho mỗi mình Người.

Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Và hãy luôn tụng niệm đại danh Thượng Đế của Ngươi và dốc lòng phụng sự Ngài.}(Chương 73 – Al-Muzammil, câu 8).

Allah (swt) bảo Thiên sứ Muhammad (saw) và tất cả các tín đồ của Người phải thường xuyên tụng niệm Allah thật nhiều để nhớ luôn nhớ đến Ngài và phải hết lòng phục tùng và thờ phượng Ngài.

Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Do đó, người nào làm một việc thiện tốt cho dù nhỏ như hạt bụi cũng sẽ thấy nó.} (Chương 99 – Al-Zilzilah, câu 6 – 8).

Hạt bụi ở đây là hạt bụi li ti được nhìn thấy khi có ánh sáng mặt trời lọt qua từ khe cửa, mang ý nghĩa cực nhỏ.

Allah (swt) thông điệp cho biết rằng tất cả mọi việc làm thiện tốt và ngoan đạo dù nhỏ như thế nào cũng đều được Ngài ban cho ân phước tương ứng, Ngài không bỏ sót bất cứ một điều gì dù điều đó có nhỏ như hạt bụi. Câu Kinh này kêu gọi người bề tôi phải quan tâm hết mình về các việc làm thiện tốt và ngoan đạo dù to hay nhỏ vì Allah (swt) muốn nhìn thấy sự tận tâm và hết lòng ở nời người bề tôi.

Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Và điều thiện nào mà các ngươi gởi đi trước cho bản thân các ngươi thì các ngươi sẽ tìm thấy nó ở nơi Allah, nó sẽ trở thành phần thưởng tốt và vô cùng vĩ đại.} (Chương 73 – Al-Muzzammil).

Allah (swt) thông điệp đến các bề tôi của Ngài rằng bất cứ điều thiện tốt và ngoan đạo nào họ làm vì Ngài thì đều được ghi rõ ở nơi Ngài không sót một điều gì; và phần thưởng mà Ngài ban cho to lớn và vĩ đại hơn những điều họ làm.

Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Và bất cứ vật tốt nào mà các ngươi tiêu ra làm từ thiện thì quả thật Allah đều biết rõ.} (Chương 2 – Al-Baqarah, câu 273).

Trong Qur’an còn rất nhiều câu Kinh mang ý nghĩa tương tự các câu Kinh này.

Hadith 95:Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah nói:

 “Quả thật Allah phán: Ai lấy vị Wali của TA làm kẻ thù thì TA tuyên bố giao chiến với người đó. Không có điều gì mà người bề tôi của TA dâng lên cho TA làm TA yêu thích hơn những điều mà TA sắc lệnh cho y; và người bề tôi của TA vẫn mãi dâng lên TA những việc làm ngoan đạo mang tính tự nguyện cho tới khi TA yêu thương y, và khi nào TA đã yêu thương y thì TA sẽ giúp y chỉ thích nghe những điều TA hài lòng, TA sẽ giúp y chỉ nhìnnhững điều tốt đẹp, TA sẽ giúp đôi tay y làm điều tốt đẹp và chân của y bước đi trên con đường tốt đẹp, và nếu y cầu xin TA thì chắc chắn TA sẽ ban cho y bất cừ điều gì y muốn, và nếu y cầu xin TA che chở thì chắc chắn TA sẽ che chở cho y.”(Albukhari).

*Wali có nghĩa người cận kề, Wali của Allah I có nghĩa la người luôn chấp hành đúng theo mệnh lệnh và chỉ thị của Allah, tránh xa những điều Ngài nghiêm cấm và làm nhiều điều ngoan đạo và thiện tốt một cách tự nguyện.

Như vậy, Wali của Allah (swt) không phải là thần thánh, không phải là siêu nhân mang những khả năng siêu phàm như một số người thiếu hiểu biết đã lầm tưởng mà thật ra Wali của Allah (swt) chỉ là người bề tôi có đức tin trung thực nơi Allah (swt) và nơi Thiên sứ của Ngài (saw), là người tín đồ Muslim ngoan đạo và ngay chính trên tôn giáo Islam. Ý nghĩa này được Allah (swt) phán trong câu Kinh:

{Chẳng phải những vị Wali của Allah sẽ không lo sợ cũng sẽ không buồn phiền. Họ là những người tin tưởng nơi Ngài và ngoan đạo. Họ sẽ được báo tin mừng ở đời này và ở Đời Sau. Không có gì thay đổi trong các lời phán của Allah, đó là một sự thành tựu vĩ đại.} (Chương 10 – Yunus, câu 62 – 64).

Còn khi nói đến một từ duy nhất “Wali” thì đó có nghĩa là Đấng Bảo Hộ, Đấng Che Chở, Đấng Bảo Vệ. Và đó chính là Allah, Đấng Tối Cao và Toàn Năng. Về ý nghĩa này Allah (swt) có phán trong câu Kinh:

{Allah là Đấng Bảo Hộ của những người có đức tin. Ngài đưa họ từ nơi tăm tối ra ngoài ánh sáng. Ngược lại, các chủ nhân của những kẻ không có đức tin là những tên tà thần. Chúng dắt họ từ nơi ánh sáng đến nơi u tối mù mịt. Tất cả bọn chúng sẽ phải làm bạn với Hỏa Ngục, nơi mà chúng sẽ cư ngụ đời đời kiếp kiếp.} (Chương 2 – Albaqarah, câu 257).

* Bài học từ Hadith:

- Hadith là lời hứa trừng phạt nghiêm khắc đối với ai thù hằn với người Wali của Allah (swt), tức thù hằn và chống đối với người có kiến giáo lý, ngoan đạo và làm đúng theo giáo lý của Ngài.

- Ai tìm kiếm sự che chở nơi Allah (swt) bằng sự kính sợ và tuân phục Ngài thì Ngài sẽ che chở và bảo vệ người đó.

- Thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc là những việc làm phải luôn được quan tâm hàng đầu, và đó là việc làm yêu thích nhất ở nơi Ngài. Và ai sau khi đã hoàn thành chu đáo các nghĩa vụ bắt buộc rồi tình nguyện làm thêm nhiều việc làm Sunnah thì người đó sẽ được Allah (swt) yêu thương; và một khi Allah (swt) yêu thương y thì Ngài sẽ luôn bảo vệ y, phù hộ y và sẽ luôn đáp lại lời nguyện cầu và khấn vái của y, và Ngài sẽ luôn giúp y giữ vững đức tin Iman và tạo điều kiện cho y đạt đến cảnh giới cao nhất của đức tin, đó là Ihsaan, y sẽ không nói những điều làm Allah (swt) giận dữ và phẫn nộ và sẽ không hành động trái lệnh của Ngài.

Hadith 96: Ông Anas bin Malik thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói: Allah (swt) phán rằng:

 “Nếu người bề tôi tiến đến gần TA một gang tay thì TA sẽ tiến đến gần y một khuỷu tay, nếu y tiến đến gần TA một khuỷu tay thì TA sẽ tiến đến gần y một dang tay, và nếu y đi bộ đến với TA thì TA sẽ chạy đến với y.”(Albukhari).

* Bài học từ Hadith:

- Hadith cho thấy sự rộng lượng và tấm lòng quảng đại của Allah (swt) đối với các bề tôi của Ngài. Ngài luôn ban cho nhiều hơn so với việc làm của người bề tôi.

- Hadith kêu gọi người bề tôi làm nhiều việc ngoan đạo và thiện tốt, bởi vì mỗi khi người bề tôi làm điều ngoan đạo và thiện tốt càng nhiều thì Allah (swt) càng ban cho nhiều ân phước và Ngài sẽ thương yêu y và ban phúc lành cho y.

Hadith 97: Ông Ibnu Abbas thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Hai ân huệ mà đa số người thường bán rẻ: sức khỏe và sự rảnh rỗi” (Albukhari).

*Bán rẻ ở đây có nghĩa là thiếu quan tâm hoặc không biết cách tận dụng để mang lại nhiều lợi ích.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith lấy hình ảnh người chủ thể chịu trách nhiệm cho hành vi của mình trước Allah (swt) làm hình ảnh thí dụ, y giống như là người kinh doanh, sức khỏe và thời gian rảnh rỗi của y là vốn liếng. Nếu y biết tận dụng và khai thác nguồn vốn này một cách đúng đắn và tốt thì y sẽ đạt được lợi nhuận, còn nếu y không biết cách tận dụng nguồn vốn này hợp lý thì y sẽ thua lỗ và hối tiếc.

- Hadith kêu gọi người bề tôi phải luôn biết quí trọng sức khỏe và thời gian. Phải biết tận dụng hai ân huệ đó để đến gần Allah (swt), phải tranh thủ làm điều thiện tốt và ngoan đạo trước khi hai ân huệ đó không còn nữa.

- Hadith như một lời nhắc nhở con người, đặc biệt là những người có đức tin phải biết quí trọng đến sức khỏe và thời gian và phải khai thác nó một cách triệt để, bởi lẽ, có rất nhiều người trong nhân loại đã tiêu xài và sử dụng sức khỏe và thời gian của họ vào chỗ không có lợi mà chỉ có hại.

- Hadith cho thấy rằng tôn giáo Islam luôn quan tâm đến thời gian và sức khỏe.

Hadith 98: Bà A’ishah thuật lại: Quả thật Nabi (saw) đã thường dâng lễ nguyện Salah trong đêm lâu đến nỗi sưng tấy và nứt cả bàn chân. Tôi đã nói với Người: Thưa Thiên sứ của Allah, tại sao Người lại phải làm đến mức như vậy, chẳng phải  là Allah đã tha thứ cho Người những tội lỗi đã qua và những tội lỗi sắp tới rồi đó sao?! Người (saw) nói:

 “Thế chẳng phải Ta nên là người bề tôi biết ơn Ngài”(Albukhari và Muslim ghi lại và lời là của Albukhari).

*Giải thích sơ lược:Bà A’ishah thường thấy Thiên sư của Allah (saw) thức thâu đêm để dâng lễ nguyện Salah, Người thường đứng dâng lễ nguyện Salah lâu trong đêm nên bàn chân của Người sưng lên và nứt nẻ. Thương và lo cho Thiên sứ của Allah (saw) nên bà A’ishah nói với Người: “Thưa Thiên sứ của Allah, tại sao Người lại phải làm đến mức như vậy, chẳng phải  là Allah đã tha thứ cho Người những tội lỗi đã qua và những tội lỗi sắp tới rồi đó sao?!” có nghĩa là tại sao Người lại làm khổ bản thân mình như vậy trong khi Allah (swt) đã tha thứ tất cả tội lỗi cho Người, dù đó là tội lỗi trong tương lai và tội lỗi trong quá khứ.

Đúng vậy, Allah (swt) đã cấm Hỏa Ngục chạm đến Người, và Người là người đầu tiên bước vào Thiên Đàng, không những thế, Người còn được ở nơi cao nhất của Thiên Đàng chỉ dưới Ngài vương Arsh của Allah – tầng Firdaws nơi bắt nguồn của các dòng sông Thiên Đàng. Allah (swt) đã hứa cho Người như thế sao Người lại phải vất vả, nhọc nhằn, khổ cực trong việc thường xuyên dâng lễ nguyện Salah thâu đêm và đến nỗi phải đau cả thân xác như thế kia?

Dĩ nhiên, Thiên sứ của Allah (saw) thừa biết điều đó, Người biết đó là ân huệ vô cùng to lớn, là đặc ân mà Allah (swt) dành riêng cho Người nên Người muốn tạ ơn Ngài, Người cố gắng hành đạo và làm điều thiện tốt dù có khổ cực thế nào để trả ơn cho Đấng đã yêu thương và ban biết bao ân huệ cho mình. Bởi lẽ đó, khi bà A’ishah nói với Người về điều đó thì Người bảo:

 “Thế chẳng phải Ta nên là người bề tôi biết ơn Ngài”. Có nghĩa là:Này A’ishah, với những đặc ân mà Allah ban cho Ta to lớn như thế không đáng để Ta là người bề tôi luôn phải tạ ơn Ngài thường xuyên hay sao?

*Bài học từ Hadith:

- Người bề tôi cần phải tạ ơn Allah (swt) thật nhiều và thường xuyên vì Ngài đã ban cho họ không biết bao ân huệ.

- Thiên sứ của Allah (saw) là người được Allah (swt) bảo đảm cho Thiên Đàng và được tha thứ hết mọi tội lỗi mà Người còn cố gắng nỗ lực trong việc hành đạo và làm điều thiện thì chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

- Thờ phượng Allah (swt) bằng lòng biết ơn tốt hơn bằng lòng kính sợ bởi vì trong sự biết ơn có sự yêu thương dành cho Ngài, và khi một người yêu thương Ngài thì y sẽ thực hiện tốt hơn mệnh lệnh của Ngài còn khi thờ phượng Ngài bằng sự kính sợ Ngài thì y chỉ làm vừa đủ theo mệnh lệnh của Ngài để thoát khỏi sự trừng phạt và giận dữ của Ngài mà thôi.

- Lòng tri ân Allah tức sự biết ơn và thành tâm tạ ơn Ngài sẽ được Ngài gia tăng thêm ân huệ như Ngài đã phán:

{Và (hãy nhớ) khi Thượng Đế (Allah) của các ngươi đã công bố: “Nếu các ngươi biết ơn, TA sẽ ban thêm ân huệ cho các ngươi; còn nếu các ngươi phụ ơn thì quả thật hình phạt của TA sẽ rất khủng khiếp và dữ dội.} (Chương 14 – Ibrahim, câu 7).

- Sự tạ ơn không phải chỉ bằng lời nói mà còn phải thể hiện bằng hành động. Do đó, người bề tôi hãy tạ ơn Allah và cố gắng nỗ lực hành đạo và làm nhiều việc thiện tốt vì Allah. Và hãy luôn ghi nhớ rằng làm ít nhưng thường xuyên và bền tốt hơn làm nhiều rồi ngưng hẳn; như Thiên sứ của Allah đã chỉ dạy:

 “Các ngươi chọn lấy việc làm nào trong khả năng của các ngươi, bởi quả thật Allah không nản lòng cho tới khi nào các ngươi đã nản lòng, và quả thật việc làm yêu thích nhất đối với Allah là những gì được làm thường xuyên cho dù có ít đi chăng nữa” (Albukhari, Muslim).

Hadith 99:Bà A’ishah thuật lại, nói:

 “Mỗi khi vào mười đêm cuối (của tháng Ramadan) thì Thiên sứ của Allah (saw) thường đánh thức người nhà, Người chăm hơn và không gần gũi vợ” (Albukhari và Muslim).

*Bài học từ Hadith:

- Hadith khuyến khích tận dụng các thời điểm ân phúc để tích cực hành đạo và làm điều thiện tốt.

- Khuyến khích làm tràn đầy sức sống bởi những các việc làm ngoan đạo trong những đêm Ramadan, đặc biệt là nỗ lực tích cực trong mười đêm cuối, bởi lẽ trong mười đêm cuối của có một đêm Qadr (định mệnh) tốt hơn một ngàn tháng.

Hadith 100: Ông Abu Huroiroh  thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Người có đức tin mạnh mẽ tốt và được yêu thích đối với Allah hơn người có đức tin mềm yếu, và người có đức tin mạnh mẽ tốt hơn trong mọi sự việc. Hãy cố gắng tích cực vào những gì có lợi cho ngươi, hãy cầu xin Allah phù hộ và chớ đừng yếu đuối. Nếu ngươi gặp phải một điều gì đó thì chớ đừng nói ‘phải chi (giá như, nếu) mình làm thế này thì sự việc sẽ như thế này thế nọ’ mà ngươi hãy nói ‘Allah đã an bài và Ngài làm những gì Ngài muốn’; quả thật cái từ ‘phải chi, giá như, nếu’ sẽ mở cửa cho hoạt động của Shaytan.” (Muslim).

* Giải thích:

- Người có đức tin mạnh mẽ: mạnh mẽ ở đây mang ý nghĩa bao hàm, đó là mạnh về thể chất, trí tuệ, tinh thần, lý trí và đức tin Iman. Người có đức tin có được những điều mạnh mẽ này tốt hơn và được Allah (swt) yêu thích hơn người có đức tin yếu tức yếu về thể chất, trí tuệ, tinh thần, lý trí và đức tin Iman. 

- Người có đức tin mạnh mẽ tốt hơn trong mọi sự việc: Thiên sứ của Allah (saw) khẳng định rằng người có đức tin có được sự mạnh mẽ về thể lực, trí lực, và đức tin thì y sẽ luôn đạt được mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống thế tục và cuộc sống ở cõi Đời Sau.

* Bài học từ Hadith

- Người có đức tin nếu mạnh mẽ về thể chất thì y sẽ hoàn thành tốt nghĩa vụ và bổn phận mà Allah sắc lệnh cho y một cách dễ dàng; nếu mạnh mẽ về trí tuệ thì y sẽ sáng suốt, khôn ngoan và thờ phượng Allah một cách đúng đắn; nếu mạnh mẽ về tinh thần, lý trí và đức tin Iman thì y sẽ từ bỏ những điều bị nghiêm cấm, vượt qua dục vọng của bản thân để tìm sự hài lòng nơi Allah, và y sẽ kiên nhẫn trong việc chấp hành mệnh lệnh của Ngài.

- Người bề tôi khi có kiến thức, sức khỏe, thời gian thì hãy tận dụng nó mà mau mau làm điều thiện tốt và ngoan đạo, hay cố gắng tích lũy những gì có lợi cho bản thân mình ở đời này và ở cõi Đời Sau, đồng thời luôn cầu xin Allah (swt) phù hộ cho mọi hành động và việc làm.

- Chớ đừng yếu đuối tức chớ tuyệt vọng trong việc tìm kiếm ân phúc nơi Allah (swt). Nếu có gặp phải một điều gì đó không may thì chớ đừng nói phải chi mình làm thế này, giá như mình làm thế kia, nếu mình làm thế nọ thì sự việc đã thế này thế này; bởi vì việc làm đó biểu hiệ sự thiếu đức tin Iman nơi sự an bài và định đoạt của Allah (swt), phủ nhận một trụ cột trong sáu trụ cột của đức tin Iman, đó là đức tin nơi sự tiền định của Allah (swt).

Người có đức tin mỗi khi gặp chuyện buồn, chuyện xấu thì y nên nói: đó là sự tiền định của Allah (swt), đó là điều Allah đã an bài. Y sẽ không dùng đến cái từ “phải chi, giá như, nếu,..” bởi điều đó chẳng thay đổi được gì, ngược lại nó còn tạo điều kiện cho Shaytan có cơ hội dẫn đến sự lạc lối.

Hadith 101: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw)  nói:

 “Bao quanh Hỏa Ngục là những điều mà dục vọng của bản thân yêu thích còn bao quanh Thiên Đàng là những điều mà dục vọng của bản thân chán ghét”(Albukhari, Muslim).

*Bài học từ Hadith:

-  Con đường đến Thiên Đàng toàn là những điều mà bản thân con người không ưa thích còn con đường đến Hỏa Ngục toàn là những điều bản thân con người ưa thích, cho nên muốn đến được Thiên Đàng thì con người phải từ bỏ dục vọng của bản thân và kiên nhẫn với những điều không ưa thích.

- Đường đến Hỏa Ngục đầy cám dỗ, con người dễ sa vào Hỏa Ngục nếu như không biết từ bỏ những ham muốn của bản thân. Hadith như muốn nhắc nhở người bề tôi rằng một người bề tôi muốn vào được Thiên Đàng của Allah (swt) thì phải dùng lý trí của đức tin Iman đánh ngã lòng ham muốn của dục vọng, còn không thì khó có thể thoát khỏi cảnh bì sa vào Hỏa Ngục. Cầu xin Allah (swt) phù hộ và hướng dẫn trên bước đường đi!!

Hadith 102:Ông Abu Abdullah Huzdaifah bin Al-Yamaan thuật lại: Có một đêm nọ, tôi dâng lễ nguyện Salah cùng với Thiên sứ của Allah (saw) (Salah Tahajjud). Người đã mở đầu bằng chương Al-Baqarah. Tôi nói với lòng, chắc Người sẽ Ruku’a tại câu thứ một trăm nhưng không Người vẫn cứ đọc. Tôi với lòng chắc Người sẽ Ruku’a khi hết chương nhưng sau đó Người lại đọc tiếp tục chương Annisa’, rồi đến chương Ali-Imran. Người đọc một cách từ tốn và từng câu chữ một, khi Người đọc đến câu có sự tán dương thì Người tán dương Allah, khi đọc đến câu có sự cầu xin thì Người cầu xin Allah, và khi Người đọc đến câu có sự cầu xin Allah che chở và cứu rỗi khỏi những điều xấu thì Người cầu xin Ngài che chở và cứu rỗi. Sau đó, Người Ruku’a, trong Ruku’a Người nói: “Subha-narabbiyal-azhi-m”. Và Người Ruku’a cũng lâu ngang bằng với lúc đứng. Sau đó, Người nói: Sami’ollo-hu liman hamidah rabana wa lakal-hamdu rồi đứng dậy, Người đứng cũng khá lâu như Ruku’a. Sau đó, Người Sujud và nói: “Subha-narabbiyal-‘ala”, và sự Sujud của Người lâu như lúc đứng. (Muslim).

* Bài học từ Hadith

- Hadith cho thấy cách Thiên sứ của Allah (saw) dâng lễ nguyện Salah Tahajjud trong đêm.

- Lễ nguyện Salah Tahajjud, sunnah là đọc dài và các động tác phải lâu.

- Đọc các chương Qur’an không theo trình tự các chương không phải là Makruh; (một số học giả nói Makruh).

- Lời nói trong Ruku’a và Sujud, nói một lần là Wajib còn nói ba lần là hoàn hảo, và nhiều nhất là nên nói mười một lần, còn nói nhiều hơn thế thì Nabi (saw) rất ít làm.

- Được phép dâng lễ nguyện Salah Tahajjud cùng với tập thể, tuy nhiên, tốt nhất nên dâng lễ nguyện  Salah một mình.

- Ân phúc của việc dâng lễ nguyện Salah với lễ nguyện Salah dài trong đêm. Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Phải chăng một người thức đêm dốc lòng cung kính (Allah), lúc thì phủ phục (Sujud) , lúc thì đứng thẳng, luôn luôn lưu tâm đến Đời Sau và hy vọng sự thương xót của Thượng Đế của y. Hãy nói đi (Muhammad): Phải chăng những người hiểu biết và những người thiếu hiểu biết lại ngang bằng nhau ư? Quả thật, chỉ có những người thông hiểu mới thấu hiểu được (lời khuyến cáo này).} (Chương 39 – Azzumar, câu 9).

Hadith 103:Ông Ibnu Mas’ud  thuật lại nói: Có một đêm tôi dâng cùng với Thiên sứ của Allah (saw). Người đã đứng rất lâu, lâu đến nỗi tôi đã nghĩ đến chuyến xấu. Có người hỏi chuyện xấu đó là gì? Ibnu Mas’ud nói: Tôi đã nghĩ đến chuyện ngồi xuống và bỏ qua lễ nguyện Salah đó. (Albukhari, Muslim).

*Bài học từ Hadith

- Việc làm khác Imam trong một số việc làm được các vị Sahabah coi là việc xấu.

- Nên hỏi khi vấn đề chưa được rõ.

- Hadith là bằng chứng: được phép dâng lễ Salah Tahajjud trong đêm một cách tập thể và nên dâng dọc Qur’an càng dài càng tốt.

Hadith 104: Ông Anas bin Malik thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Có ba thứ theo người chết đến mộ nhưng hai thứ quay trở về còn một thứ duy nhất ở lại cùng với y. Ba thứ theo người chết chính là người thân của y, tài sản của y và việc làm của y; người thân và tài sản của y sẽ quay trở lại, chỉ còn việc làm của y sẽ ở cùng với y” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith:

Hadith nhắc nhở chúng ta về khoảnh khắc mà mỗi con người phải đi qua. Đó là khoảnh khắc con người sẽ hiểu được lời phán của Allah (swt):

{Của cải, tài sản của tôi chẳng giúp ích được gì cho tôi. Quyền lực của tôi đã rời bỏ tôi.} (Chương 69 – Al-Haqqah, câu 25 – 29).

Hadith 105: Ông Ibnu Mas’ud t thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Thiên Đàng ở gần bất cứ ai đó trong các ngươi hơn cả sợi dây giày của y, và Hỏa Ngục cũng tương tự như vậy.” (Albukhari).

* Giải thích đại ý:

Thiên sứ của Allah (saw) muốn nói rằng Thiên Đàng và Hỏa Ngục luôn ở rất gần con người. Với một điều nhỏ nhặt có thể khiến một người bề tôi vào Hỏa Ngục, ngược lại, với một điều nhỏ nhặt có thể đưa một người bề tôi vào Thiên Đàng.

* Bài học từ Hadith:

- Hadith khẳng định rằng sau cái chết, người bề tôi chỉ có hai nơi để trú ngụ, hoặc là nơi Thiên Đàng hoặc là nơi Hỏa Ngục.

- Hadith như muốn nói rằng còn đường đến Thiên Đàng không có gì là quá khó khăn, không có gì là chuyện xa vời và không tưởng đối với ai muốn đến với nó; một người muốn vào Thiên Đàng thì chỉ cần làm một việc làm không hề khó, đó là tuân lệnh Allah (swt) và tuân lệnh Thiên sứ của Ngài (saw). Tương tự, con đường đến Hỏa Ngục cũng vô cùng dễ dàng, chẳng có gì là khó khăn; một người muốn vào Hỏa Ngục chỉ cần bất tuân Allah (swt) và Thiên sứ của Ngài (saw) là sẽ tìm thấy chỗ ở của mình nơi Hỏa Ngục.

- Hadith nhắc nhở người tín đồ nên phấn đấu tìm ân phước dù chỉ là việc rất nhỏ nhặt và cảnh báo người tín đồ tránh xa những điều trái lệnh Allah (swt) dù chỉ là một việc nhỏ. Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Ngày đó, nhân loại sẽ đi rời rạc thành từng đoàn để đến chứng kiến các việc làm của họ. Do đó, người nào làm một việc thiện tốt cho dù nhỏ như hạt bụi cũng sẽ thấy nó, còn người nào làm một việc xấu cho dù nhỏ như hạt bụi thì cũng sẽ thấy nó.} (Chương 99 – Al-Zilzilah, câu 6 – 8).

Hadith 106: Ông Abu Firaas Rabi’ah bin Ka’ab Al-Aslami, người sai vặt cho Thiên sứ của Allah (saw), thuộc dân Suffah, thuật lại: Có lần tôi ngủ cùng với Thiên sứ của Allah. Rồi tôi mang nước đến cho Người làm Wudu’ và vệ sinh. Người bảo tôi: Hãy xin Ta một điều gì đó đi!”. Tôi nói: Tôi xin được ở cùng với Người nơi Thiên Đàng. Thiên sứ của Allah (saw) nói:

“Còn gì khác nữa không?”

Tôi nói: Chỉ vậy thôi.

Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Cậu hãy giúp Ta cho bản thân cậu bằng nhiều Sujud”(Muslim).

* Giải thích một số điều liên quan:

Dân Suffah là một nhóm cư dân nghèo vô gia cư, họ thượng trọ qua đêm trong Masjid của Nabi (saw).

* Bài học từ Hadith

- Hadith cho thấy việc đến được với Thiên Đàng là cần sự nỗ lực bản thân trong việc tuân lệnh Allah (swt) và nỗ lực trong việc tránh xa điều trái lệnh Ngài.

- Trong các việc làm ngoan đạo thì việc dâng lễ nguyện  Salah là việc làm ngoan đạo tốt nhất, bởi Thiên sứ của Allah (saw) đã bảo Rabi’ah bin Ka’ab Sujud thật nhiều để được ở cùng với Ngài nơi Thiên Đàng. Càng nhiều Sujud sẽ càng đến gần Allah như Ngài đã phán:

{Hãy cúi đầu quỳ lại phủ phục và hãy đến gần Allah.}.

Có nghĩa là muốn đến gần Allah (swt) thì hãy cùi đầu quỳ lạy Ngài tức hãy dâng lễ nguyện Salah cho thật nhiều.

- Hadith như lời kêu gọi người tín đồ hãy phấn đấu thật tốt trong việc tuân lệnh Allah (swt) và Thiên sứ của Ngài (saw) bởi vì điều đó sẽ đưa người tín đồ cùng hội cùng thuyền với các vị Nabi của Allah như Allah đã phán:

{Và ai vâng lệnh Allah và Sứ giả (của Allah) thì sẽ là người cùng hội cùng thuyền với những người đã được Allah ban cho Ân huệ trong hàng ngủ của các vị Nabi, những người trung thực, các anh hùng hy sinh vì chính nghĩa của Allah và những người hiền lương và ngoan đạo. Thật tốt thay cho hội đoàn gồm những người đó!} (Chương 4 – Annisa’, câu 69).

- Hadith cho thấy tình yêu thương của các vị Sahabah dành cho Thiên Sứ của Allah (saw) nó lớn lao như thế nào. Họ lúc nào cũng muốn tìm cách để được ở cùng bên Người trong Thiên Đàng.

Hadith 107: Ông Abu Abdullah – có người gọi ông là Abu Abdurrahman – Thawbaan, người đã được Thiên sứ của Allah chuộc ông khỏi ách nô lệ. Ông nói: Tôi đã nghe Thiên sứ của Allah (saw) nói:

 “Ngươi phải Sujud Allah cho thật nhiều, bởi quả thật mỗi một lần ngươi Sujud Allah thì Ngài sẽ nâng ngươi lên một bậc và xóa cho ngươi một tội lỗi.” (Muslim).

* Giải thích đại ý:

Nguyên văn Hadith này là do ông Mi’daan bin Abu Talhah thuật lại. Ông nói rằng ông đến gặp ông Thawbaan người được Thiên sứ của Allah (saw) chuộc khỏi ách nô lệ. Ông Mi’daan nói: Tôi đã hỏi ông Thawbaan rằng hãy cho tôi biết việc làm nào có thể đưa tôi vào Thiên Đàng? Tôi hỏi ông lần thứ nhất, ông im lặng. Tôi hỏi ông lần thứ hai ông vẫn im lặng, và tôi đã hỏi ông lần thứ ba thì ông nói: Tôi đã nghe Thiên sứ của Allah (saw) nói:

“Ngươi phải Sujud Allah cho thật nhiều, bởi quả thật mỗi một lần ngươi Sujud Allah thì Ngài sẽ nâng ngươi lên một bậc và xóa cho ngươi một tội lỗi.” (Muslim).

* Bài học từ Hadith:

- Hadith là bằng chứng rằng các việc làm ngoan đạo sẽ bôi xóa tội lỗi.

- Hadith kêu gọi người Muslim nên dâng lễ nguyện Salah Sunnah cho thật nhiều, bởi đó là cách tốt nhất để được vào Thiên Đàng.

Hadith 108: Ông Abu Safwaan bin Abdullah bin Busr Al-Aslami  thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói:

“Người tốt nhất trong nhân loại là người có tuổi thọ dài và có hành vi tốt”(Tirmizdi ghi lại và ông nói Hadith tốt).

*Hành vi tốt ở đây mang hàm ý: các việc làm ngoan đạo, thiện tốt theo con đường của Allah (swt) và Thiên sứ của Ngài (saw) cùng với phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Islam.

*Bài học từ Hadith:

- Người được phúc lành nhất là người được ban cho tuổi thọ cao và sống đời sống ngoan đạo, thiện tốt theo tôn chỉ của Allah trong suốt tuổi thọ của mình; bởi lẽ người sống thọ sẽ có nhiều thời gian hơn trong việc tích ân phước và công đức, và người có tuổi thọ dài chắc chắn sẽ tích ân phước và công đức nhiều hơn người có tuổi thọ ngắn nếu như cả hai đều sống đời sống ngoan đạo và thiện tốt trong suốt tuổi đời của mình.

- Hadith nhắc chúng ta một bài học ngược lại với nội dung của nó: người xấu nhất trong nhân loại tức người vô phúc là người có tuổi thọ dài nhưng lại sống đời sống với hành vi tội lỗi và trái với tôn chỉ của Allah trong suốt tuổi đời của mình.

 “Người xấu nhất trong nhân loại là người có tuổi thọ dài nhưng lại có hành vi xấu”(Tirmizdi).

Hadith 109: Ông Anas bin Malik t thuật lại:

“Chú (bác) tôi Anas bin Al-Nadhr đã vắng mặt trong trận chiến Badr, ông nói với Thiên sứ của Allah: Thưa Thiên sứ của Allah, tôi đã không có mặt trong trận chiến đầu tiên mà Người đã đánh chiến với những kẻ thờ đa thần. Nếu Allah cho tôi cơ hội được chiến đấu với những kẻ thờ đa thần thì chắc chắn Allah sẽ thấy những gì tôi làm (quyết liệt chiến đấu để đánh kẻ thù của Ngài). Thế là vào ngày Uhud (trận chiến Uhud), khi những người Muslim rời bỏ vị trí chiến đấu của họ thì ông nói: ‘Lạy Allah, bề tôi xin Ngài tha thứ về những gì mà những người này (các vị Sahabah đã bỏ vị trí của họ) đã làm (tháo chạy) và bề tôi xin vô can với những người này (những người thờ đa thần)’. Nói xong, ông xông lên về phía địch, lúc đó, ông gặp Sa’ad bin Mu’azd, ông nói với Sa’ad: Này Sa’ad, Thiên Đàng .. tôi thề với Thượng Đế của ngôi đền Ka’bah, tôi thực sự ngửi thấy mùi của nó từ phía gần núi Uhud.

Ông Sa’ad nói với Thiên sứ của Allah: Thưa Thiên sứ của Allah, tôi không có khả năng làm những điều mà ông ấy (Anas bin Al-Nadhr) đã làm! Quả thật, chúng tôi đã tìm thấy trên cơ thể của ông ấy tám mươi mấy vết chém từ đao và những vết đâm từ giáo và tên. Chúng tôi tìm thấy ông ấy đã hy sinh và những người thờ đa thần cũng chết như hình ảnh của ông. Và không ai nhận ra đó là xác của ông trừ chị (em gái) của ông qua các ngón tay của ông”.

Ông Anas bin Malik nói tiếp:

{Và trong số những người có đức tin, có những người giữ đúng lời giao ước của mình với Allah. Bởi thế trong họ, có người đã hoàn tất lời thề (bằng sự tử đạo) và có người còn chờ (đến phiên của họ) và họ đã không thay đổi (lời giao ước) một chút nào.} (Chương 33 – Al-Ahzab, câu 23).

Chúng tôi luôn nghĩ rằng câu Kinh này được mặc khải xuống là nói về ông ấy và những người như ông ấy.

(Hadith do Albukhari và Muslim ghi lại).

*Bài học từ Hadith:

- Được phép hứa về những điều tốt đẹp, và phải thực hiện những điều tốt đẹp môt khi đã hứa.

- Hadith cho thấy sự trung thực của các vị Sahabah trong việc tìm kiếm sự hy sinh cho con đường chính nghĩa của Allah (swt) cũng như sự khao khát mãnh liệt của họ về Thiên Đàng của Ngài.

Hadith 110: Ông Abu Mas’ud Uqbah bin Amru Al-Ansaari t thuật lại: Khi câu Kinh nói về Sadaqah được mặc khải xuống thì chúng tôi ai nấy đều vác trên lưng của mình để làm Sadaqah. Khi có người mang đến Sadaqah nhiều thì họ (những người Muna-fiq) nói: đó là sự phô trương. Khi có người mang đến một giỏ chà là khô làm Sadaqah thì họ lại nói: quả thật, Allah là Đấng giàu có cần chi đến cái giỏ này. Thế là Allah mặc khải xuống câu Kinh:

{Những kẻ nói xấu những người ngoan đạo có đức tin về việc bố thí, chỉ trích những người bố thí tùy khả năng của họ và chê cười họ thì sẽ bị Allah ném trả lại giọng điệu chê cười của chúng và sẽ bị trừng phạt đau đớn.} (Chương 9 – Attawbah, câu 79).

(Hadith do Albukhari và Muslim ghi lại).

*Giải thích một số nội dung:

Câu Kinh nói về Sadaqah chính là câu Kinh 103 chương 9 – Attawbah:

{Hỡi Sứ giả!) Hãy nhận lấy của bố thí từ tài sản của họ để tẩy sạch và thanh lọc họ; và hãy cầu nguyện cho họ. Quả thật, sự cầu nguyện của Ngươi (Muhammad) là một sự bảo đảm yên bình cho họ. Và Allah là Đấng Hằng Nghe, Đấng Hằng Biết.} (Chương 9 – Attawbah, câu 103).

*Bài học từ Hadith:

- Người bề tôi phải tuân lệnh Thượng Đế của y theo khả năng của mình và nên làm Sadaqah theo khả năng cho dù chỉ rất ít.

- Người có đức tin một khi quyết làm việc tốt vì con đường chính nghĩa của Allah (swt) thì không nên đếm xỉa tới những lời nói vô nghĩa của những người đạo đức giả cũng như những lời nói của những kẻ chỉ trích và gièm pha.

- Hadith kêu gọi người bề tôi nên làm nhiều Sadaqah cho dù chỉ với những thứ ít ỏi và không đáng kể.

- Hadith như muốn nhắc nhở người có đức tin chớ đừng xem thường và coi khinh những việc làm thiện tốt và ngoan đạo dù việc thiện tốt và ngoan đạo đó ít ỏi như thế nào hoặc chẳng đáng là gì; bởi lẽ những thứ ít ỏi và chẳng đáng là gì nếu thành tâm vì Allah thì đều được Ngài ghi nhận ở nơi Ngài và Ngài sẽ ban thưởng với phần thưởng vô cùng to lớn.

{Ngày đó, nhân loại sẽ đi rời rạc thành từng đoàn để đến chứng kiến các việc làm của họ. Do đó, người nào làm một việc thiện tốt cho dù nhỏ như hạt bụi cũng sẽ thấy nó, còn người nào làm một việc xấu cho dù nhỏ như hạt bụi thì cũng sẽ thấy nó.} (Chương 99 – Al-Zilzilah, câu 6 – 8).

Hadith 111:Ông Sa’eed bin Abdul-Aziz thuật lại từ Rabi’ah bin Yazid, ông Yazid thuật lại từ ông Abu Idris Al-Khawla-ni, ông Abu Idris thuật lại từ ông Abu Zdar Jundub bin Juna-dah, ông Abu Zdar Jundub bin Juna-dah thuật lại rằng Thiên sứ của Allah (saw) nói: Allah, Đấng Tối Cao phán:

 “Này hỡi các bề tôi của TA, quả thật TA đã nghiêm cấm bản thân TA làm điều bất công, và TA sắc lệnh qui định nó (sự bất công) là điều Haram đối với các ngươi; bởi thế, các các ngươi chớ làm điều bất công với nhau.

Này hỡi các bề tôi của TA, tất cả các ngươi đều lầm lạc trừ những ai mà TA đã hướng dẫn; bởi thế, các ngươi hãy tìm sự hướng dẫn nơi TA, TA sẽ hướng dẫn các ngươi.

Này hỡi các bề tôi của TA, tất cả các ngươi đều là những kẻ đót khát trừ những ai TA đã cho ăn và cho uống; bởi thế, các người cầu xin TA nuôi ăn TA sẽ nuôi ăn các ngươi.

Này hỡi các bề tôi của TA, tất cả các ngươi đều trần truồng trừ những ai TA đã mặc y phục cho họ; bởi thế, hãy cầu xin TA ban cho y phục TA sẽ ban y phục cho các ngươi.

Này hỡi các bề tôi của TA, tất cả các ngươi đều làm lỗi ngày đêm nhưng TA sẽ tha thứ cho tất cả mọi tội lỗi; bởi thế, các ngươi hãy cầu xin TA tha thứ tội lỗi TA sẽ tha thứ tội lỗi cho các ngươi.

Này hỡi các bề tôi của TA, các người sẽ không bao giờ làm hại được TA cho dù các ngươi muốn làm hại TA và các ngươi cũng không bao giờ mang lại lợi ích gì cho TA cho dù các ngươi có muốn mang lại lợi ích cho TA.

Này hỡi các bề tôi của TA, cho dù người đầu tiên của ngươi cho đến người cuối cùng của các ngươi, dù là loài người hay là loài Jinn tập hợp lại để làm cho trái tim của một ai đó trong các ngươi trở nên ngoan đạo thì điều đó chẳng hề gia tăng thêm cho vương quyền của TA bất cứ một điều gì.

Này các bề tôi của TA, cho dù người đầu tiên của ngươi cho đến người cuối cùng của các ngươi, dù là loài người hay là loài Jinn tập hợp lại để làm cho trái tim của một ai đó trong các ngươi trở nên bất tuân TA thì điều đó chẳng hề làm giảm vương quyền của TA bất cứ điều gì.

Này hỡi các bề tôi của TA, cho dù người đầu tiên của ngươi cho đến người cuối cùng của các ngươi, dù là loài người hay là loài Jinn tập hợp lại cùng đứng trên một ngọn đồi để đồng loạt cầu xin TA rồi TA ban cho tất cả các ngươi bất cứ điều gì các ngươi cầu xin thì điều đó cũng chẳng làm giảm đi những gì ở nơi TA mà thất ra điều đó chỉ giống như một chiếc kim may được bỏ vảo trong biển cả.

Này hơi các bề tôi của TA, quả thật các việc làm của các ngươi là do chính các ngươi rồi chính TA định đoạt cho các ngươi trong các việc làm đó. Bởi thế, ai tìm thấy điều tốt lành thì hãy ca ngợi và tán dương Allah và nếu ai gặp phải điều ngược lại thì y chớ khiến trách ai ngoài chính bản thây của y.” (Muslim).

*Bài học từ Hadith:

- Sự hướng dẫn và phù hộ là ở nơi một mình Allah (swt), Ngài muốn hướng dẫn ai Ngài muốn. Cho nên người bề tôi phải luôn cầu xin Ngài sự chỉ dẫn.

- Tất cả mọi tạo vật từ bậc thấp đến bậc cao như con người và loài Jinn, tất cả đều là những bề tôi của Allah (swt), tất cả đều cần đến nuôi dưỡng, che chở và hồng phúc từ nơi Ngài.

- Ai làm tốt theo mệnh lệnh của Allah (swt) thì người đó chỉ mang lại điều lợi cho bản thân mình chứ chẳng gia tăng thêm lợi ích cho Ngài bất cứ điều gì, ngược lại, ai nghịch lại ý chỉ của Ngài thì người đó chỉ làm hại cho chính mình chứ chẳng là hại được gì đến Ngài.

- Hồng phúc và điều tốt đẹp ở nơi Allah (swt) là vô tận.

- Allah (swt) là Đấng tha thứ tất cả mọi tội lỗi và Ngài luôn muốn tha thứ cho tất cả các bề tôi của Ngài, cho nên dù ai đó có làm lỗi như thế nào chỉ cần quay về sám hối với Ngài và xin Ngài tha thứ thì Ngài sẽ tha thứ cho họ.

 

Đăng nhận xét

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Mới hơn Cũ hơn
Hãy chia sẽ bài viết đến mọi người⭒♡⭒
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TRANG WEB