Hỡi những người có đức tin, việc nhịn chay đã được sắc lệnh cho các ngươi giống như nó đã được sắc lệnh cho các thế hệ trước các ngươi, mong rằng các ngươi trở thành những người có Taqwa.

» Video: 7 Bài học từ nhịn chay Ramadan

Allah mang những tên gọi tốt đẹp nhất – “Al-Asma Al-Husna”

Trụ cột đầu tiên của Iman (đức tin) trong Islam là niềm tin vào Allah. Và trong niềm tin vào Allah, người Muslim phải tin vào những tên gọi và thuộc tính đẹp đẽ của Ngài.

Trong Qur’an, Allah đã tiết lộ một số tên gọi của Ngài chủ yếu để đám bề tôi của Ngài hiểu Ngài là ai; và trong Sunnah, Thiên Sứ của Allah(ﷺ) cũng cho chúng ta biết một số tên gọi của Allah để chúng ta biết và nhận thức về Ngài một cách đúng đắn.

Việc học và ghi nhớ tên của Allah sẽ giúp người Muslim khẳng định cách chính xác để tin vào Ngài. Không có gì thiêng liêng và may mắn hơn là hiểu được các tên của Allah và hướng về Ngài thông qua các tên tốt đẹp của Ngài.

Một người làm sao có thể thờ phượng, yêu mến, kính sợ và tin cậy Allah, Thượng Đế của anh ta, nếu như anh ta không biết Ngài là ai?

{Allah có các tên gọi tốt đẹp nhất, bởi thế, các ngươi hãy cầu nguyện Ngài với những tên gọi đó.} (Chương 7 – Al-A’raf, câu 180)

{Allah là Đấng mà Không có Thượng Đế đích thực nào khác ngoài Ngài. Ngài mang những tên gọi tốt đẹp nhất.} (Chương 20 - Taha, câu 8)

{Ngài là Allah, Đấng Tạo Hóa, Đấng Khởi Sự, Đấng Ban Hình Thể, Ngài có những tên gọi tốt đẹp nhất.} (Chương 59 – Al-Hashr, câu 24)

Thiên Sứ của Allah (ﷺ) nói:

“Allah có chín mươi chín cái tên, tức là một trăm trừ một, và ai biết chúng sẽ vào Thiên Đàng.” (Al-Bukhari)

Và trong Sahih Muslim, Thiên Sứ của Allah (ﷺ) nói:

“Allah có chín mươi chín tên gọi; ai ghi nhớ chúng sẽ vào Thiên Đàng. Quả thật, Allah là Witr (một số lẻ, tức Ngài là độc nhất) và Ngài yêu số lẻ.”

Các học giả nói rằng ý nghĩa của việc biết và ghi nhớ các tên gọi của Allah là học và suy ngẫm về ý nghĩa của chúng rồi hành động theo. Và họ nói rằng các tên gọi của Allah sẽ trở thành một trong những phương tiện để một người thờ phượng Allah một cách đúng đắn, đểtôn cao Ngài, tuân theo mệnh lệnh của Ngài, vâng lời Thiên Sứ của Ngài (ﷺ), và để có sự thận trọng đối với những gì Ngài và Sứ giả của Ngài đã ngăn cấm. Đó là ý nghĩa của việc biết và ghi nhớ các tên gọi của Allah mà Thiên Sứ của Allah (ﷺ) đã nói trong hai Hadith nêu trên.

Và từ hai Hadith nêu trên, một câu hỏi được đặt ra là, các tên của Allah chỉ giới hạn trong chín mươi chín tên được đề cập trong hai Hadith đó, có phải vậy không?

Câu trả lời là, các tên gọi của Allah không chỉ giới hạn trong số lượng chín mươi chín tên như đã được đề cập trong Hadith mà các tên của Ngài nhiều hơn con số đó. Bằng chứng cho điều này là Hadith do Ahmad, Ibnu Hibban và Al-Hakim ghi lại và đại học giả chuyên về Hadith Al-Albani xác nhận là Hadith Sahih, rằng Thiên Sứ của Allah (ﷺ) đã nói:

“Bất cứ khi gặp chuyện lo lắng và buồn phiền, y nói:

‘Ol lo hum in ni ab đu ka, ib nu ab đu ka, ib nu a ma ti ka, na si da ti bi da đi ka, ma đhin fi da huk mu ka, ađ lun fi da qo đho u ka, as a lu ka bi kul li is min hu wa la ka sâm mây ta bi hi naf sa ka, âu al lâm ta hu a ha đan min khol qi ka, âu an zal ta hu fi ki ta bi ka, âu is ta’ thar ta bi hi fi il mil ghoi bi in đa ka, an taj a lal qur’an ro bi a qol bị, wa nu ro sođ ri, wa ji la a huz ni, wa zda ha ba hâm mi’, chắc chắn Allah sẽ xua tan sự lo lắng và buồn phiên của y và thay thế nó bằng niềm vui.” Có lời nói: Thưa Thiên Sứ của Allah, chúng tôi phải học lời Du’a này. Thiên Sứ của Allah nói: “Đúng vậy, những ai nghe được lời Du’a này nên học lấy nó.”

Lời Du’a bằng tiếng Arab:

اللَّهُمَّ إِنِّي عَبْدُكَ، ابْنُ عَبْدِكَ، ابْنُ أَمَتِكَ، نَاصِيَتِي بِيَدِكَ، مَاضٍ فِيَّ حُكْمُكَ، عَدْلٌ فِيَّ قَضَاؤُكَ، أَسْأَلُكَ بِكُلِّ اسْمٍ هُوَ لَكَ سَمَّيْتَ بِهِ نَفْسَكَ، أَوْ عَلَّمْتَهُ أَحَدًا مِنْ خَلْقِكَ، أَوْ أَنْزَلْتَهُ فِي كِتَابِكَ، أَوْ اسْتَأْثَرْتَ بِهِ فِي عِلْمِ الْغَيْبِ عِنْدَكَ، أَنْ تَجْعَلَ الْقُرْآنَ رَبِيعَ قَلْبِي، وَنُورَ صَدْرِي، وَجِلَاءَ حُزْنِي، وَذَهَابَ هَمِّي{alertSuccess}


Và nội dung của lời Du’a này là: “Lạy Allah, bề tôi là tôi tớ của Ngài, con của tôi tớ của Ngài, con của người hầu gái của Ngài, chùm tóc trên trán của bề tôi ở trong tay của Ngài, những gì xảy ra cho bề tôi đều là định đoạt của Ngài, và những gì Ngài an bài cho bề tôi đều là công lý của Ngài, với mọi tên gọi mà Ngài đã đặt tên cho chính mình, hoặc đã dạy nó cho bất kỳ tạo vật nào của Ngài, hoặc tiết lộ nó trong Kinh Sách của Ngài, hoặc bảo tồn nó trong kiến ​​thức về những điều vô hình ở nơi Ngài, bề tôi cầu xin Ngài làm cho Qur'an thành mùa xuân trong trái tim của bề tôi, thành ánh sáng trong lồng ngực của bề tôi, thành điều xua tan nỗi buồn của bề tôi, và thành thứ giải tỏa lo lắng của bề tôi.”

Giảng giải ngắn gọn nội dung của lời Du’a này như sau:

- “Bề tôi là tôi tớ của Ngài, con của tôi tớ của Ngài, con của người hầu gái của Ngài”, có nghĩa là, người Du’a thừa nhận với Allah rằng mình là tạo vật của Ngài, y và cha mẹ của y cũng như con người nói chung đều cần đến Ngài và lệ thuộc vào Ngài.

- “Chùm tóc trên trán của bề tôi ở trong tay của Ngài”, có nghĩa là, nó thuộc về quyền chi phối của Ngài, Ngài muốn chi phối bề tôi theo cách nào và như thế nào là tùy ý Ngài, nó thuộc quyền của Ngài và chỉ có Ngài mới có thẩm quyền.

- “Những gì xảy ra cho bề tôi đều là định đoạt của Ngài”, có nghĩa là, những gì Ngài đã định sẵn cho bề tôi sẽ bao giờ thay đổi, vì đó là phán quyết và định đoạt của Ngài.

- “Và những gì Ngài an bài cho bề tôi đều là công lý của Ngài”, có nghĩa là, bất cứ điều gì Ngài an bài cho bề tôi về sức khỏe, bệnh tật, sự giàu nghèo, cuộc sống thuận lợi hay khó khăn, đều là công lý của Ngài, không có sự bất công.

- “Với mọi tên gọi mà Ngài đã đặt tên cho chính mình”, có nghĩa là, với mỗi một trong những cái tên đẹp nhất của Ngài mà Ngài đã đặt tên cho chính Ngài.

- “Hoặc đã dạy nó cho bất kỳ tạo vật nào của Ngài”, có nghĩa là, hoặc với mỗi tên gọi mà Ngài đã dạy nó cho ai đó trong số tạo vật của Ngài, chẳng hạn như các vị Nabi, các Thiên Thần.

- “Hoặc tiết lộ nó trong Kinh Sách của Ngài”, có nghĩa là, hoặc với mỗi tên gọi mà Ngài tiết lộ nó trong các Kinh Sách được bạn xuống cho các vị Thiên Sứ của Ngài.

- “Hoặc bảo tồn nó trong kiến ​​thức về những điều vô hình ở nơi Ngài”, có nghĩa là, hoặc với mỗi tên gọi mà nó thuộc về kiến thức riêng biệt về những điều vô hình ở nơi Ngài, và Ngài đã không tiết lộ nó cho bất kỳ ai. Và điều này cho thấy rằng những cái tên đẹp nhất của Allah không giới hạn trong một con số cụ thể nào.

- “Bề tôi cầu xin Ngài làm cho Qur'an thành mùa xuân trong trái tim của bề tôi”, có nghĩa là, bề tôi cầu xin Ngài biến Qur’an thành niềm vui và hạnh phúc trong lòng của bề tôi, tức hãy làm cho bề tôi yêu thích đọc, nghe và làm theo Qur’an.

- “Thành ánh sáng trong lồng ngực của bề tôi”, có nghĩa là, bề tôi cầu xin Ngài biến Qur’an thành ánh sáng trong lòng bề tôi để bề tôi có thể phân biết đúng sai và phúc tội.

- “Thành điều xua tan nỗi buồn của bề tôi, và thành thứ giải tỏa lo lắng của bề tôi”, có nghĩa là, xin Ngài biến Qur’an thành phương tiện giải tỏa sự buồn phiền và lo lắng của bề tôi, bởi vì Qur'an là một phương thuốc chữa bệnhvà giải tỏa sự lo lắng tốt nhất.

Đó là nội dung ý nghĩa của lời Du’a mà Thiên Sứ của Allah (ﷺ) đã dạy chúng ta đọc nó khi tâm trạng của chúng ta buồn phiền và lo lắng. Và thông qua nội dung ý nghĩa của lời Du’a này, Thiên Sứ của Allah ()đã khẳng định với chúng ta rằng các tên gọi của Allah không giới hạn trong một con số cụ thể nào như đã được giảng giải ở trên.

Sheikh Al-Islam Ibn Taymiyah đã nói về Hadith này trong Majmu’a Al-Fatawa (6/374):“Điều này cho thấy rằng Allah có hơn chín mươi chín cái tên.”

Imam Al-Bayhaqi đã nói: [Chương giải thích rằng Allah có những tên khác, và câu nói của Nabi (ﷺ) ‘Allah có chín mươi chín tên gọi’ không phủ nhận những tên khác.] (Al-Asma Wa Assifat:27/1)

Imam Annawawi nói: [Các học giả đều đồng thuần rằng Hadith này - tức là Hadith mà Thiên Sứ của Allah đã nói ‘Allah có chín mươi chín tên gọi – không mang ý nghĩa rằng các tên gọi của Allah chỉ giới hạn trong số lượng này, vì vậy điều đó không có nghĩa là Allah không có tên nào khác ngoài chín mươi chín cái tên này. Ý nghĩa của Hadith chỉ muốn nói rằng chín mươi chín cái tên này, bất cứ ai biết và ghi nhớ chúng sẽ vào Thiên Đàng. Và vì lý do này, trong Hadith khác (tức Hadith được trình bày ở trên), Thiên Sứ của Allah(ﷺ) nói: “... với mọi tên gọi mà Ngài đã đặt tên cho chính mình, hoặc đã dạy nó cho bất kỳ tạo vật nào của Ngài, hoặc tiết lộ nó trong Kinh Sách của Ngài, hoặc bảo tồn nó trong kiến ​​thức về những điều vô hình ở nơi Ngài ...”. Học giả Al-Qurtubi cũng đã nói tương tự như vậy trong “Al-Mufhim”.

Học giả Ibn Battal đã trích dẫn lời của Al-Qadi Abi Bakr Ibn Attayyib, người đã nói: “Hadith không phải là bằng chứng khẳng định rằng Allah không có bất cứ tên gọi nào khác ngoại trừ con số này, mà thật ra ý nghĩa của Hadith là ai biết và ghi nhớ được chúng sẽ được vào Thiên Đàng, và điều đó cho thấy rằng hầu hết chúng là thuộc tính và thuộc tính của Allah vô tận ...” (Fath Al-Bari 9/263-264.)

Khi được hỏi về một người đã cho rằng không được phép cầu xin Allah ngoại trừ chín mươi chín cái tên của Ngài và anh ta không nói “Ôi Đấng Hannan! Ôi Đấng Manan!” và anh ta cũng không nói “Hỡi Đấng hướng dẫn cho những người mất phương hướng!”, Sheikh Islam Ibn Taymiyah trả lời: “Alhamdulillah,  câu nói này mặc dù được nói bởi một nhóm học giả sau này như Abu Muhammad Ibn Hazm và những người khác, nhưng phần lớn các học giả đều chống lại nó, và đây là quan điểm của những học giả và Imam Salaf.

Al-Khattabi nói: “Điều này (lời của Thiên Sứ trong Du’a được đề cập trong Hadith khi Người nói ‘hoặc bảo tồn nó trong kiến ​​thức về những điều vô hình ở nơi Ngài’) cho thấy rằng Allah có những cái tên mà Ngài đã lưu giữ bên mình, và điều đó cho thấy rằng những gì từ Hadith “Allah có chín mươi chín cái tên, ai ghi nhớ được chúng (tức học và suy ngẫm rồi hành động theo) sẽ được vào Thiên Đàng” có nghĩa là có chín mươi chín cái tên của Ngài mà bất cứ ai học được chúng sẽ bước vào Thiên Đàng. Điều này giống như nói, ‘Tôi có một nghìn dirham mà tôi đã chuẩn bị để làm từ thiện,’ ngay cả khi tài sản của anh ta lớn hơn thế. Và trong Kinh Qur'an, ở câu 180 của chương 7 – Al-A’raf, Allah đã phán cho chúng ta biết rằng Ngài có các tên gọi tốt đẹp nhất, và Ngài đã ra lệnh cho chúng ta cầu nguyện Ngài bằng các tên gọi của Ngài một cách chung chung chứ Ngài không nói rằng Ngài chỉ có chín mươi chín tên.”

Và khi được hỏi về 99 tên của Allah thì Sheikh Ibn ‘Uthaimin trả lời: “Tên của Allah không giới hạn ở một số lượng nhất định. Bằng chứng cho điều đó là những lời của Nabi trong Hadith Sahih ‘Lạy Allah,bề tôi là tôi tớ của Ngài, con của tôi tớ của Ngài, con của người hầu gái của Ngài, chùm tóc trên trán của bề tôi ở trong tay của Ngài, những gì xảy ra cho bề tôi đều là định đoạt của Ngài, và những gì Ngài an bài cho bề tôi đều là công lý của Ngài, với mọi tên gọi mà Ngài đã đặt tên cho chính mình, hoặc đã dạy nó cho bất kỳ tạo vật nào của Ngài, hoặc tiết lộ nó trong Kinh Sách của Ngài, hoặc bảo tồn nó trong kiến ​​thức về những điều vô hình ở nơi Ngài...’ Những gì Allah đã bảo tồn nó trong kiến ​​thức thành những điều vô hình ở nơi Ngài không thể được biết và những gì không được biết là không giới hạn.Liên quan đến những lời của Nabi khi Người nói  ‘Allah có chín mươi chín cái tên, tức là một trăm trừ một, và ai biết chúng sẽ vào Thiên Đàng’ không có nghĩa là Allah không có bất kỳ tên nào ngoài những tên này, mà nó có nghĩa là bất cứ ai học chín mươi chín tên này của Ngài sẽ vào Thiên Đàng. Điều này giống như khi người Ả Rập nói ‘Tôi có một trăm con ngựa mà tôi đã chuẩn bị cho cuộc chiến vì con đường Allah’ không có nghĩa là người nói chỉ có một trăm con ngựa này, mà thật ra người đó muốn nói rằng một trăm con này được chuẩn bị cho mục đích đó.” (Majmu’a Al-Fatawa Ibn ‘Uthaymin, 1/122)

Còn về Hadith do Tirmizdi ghi lại đã liệt kê ra chín mươi chín tên gọi cụ thể của Allah và được phổ biến rộng rãi trong thế giới người Muslim, là Hadith yếu. Và chín mươi chín tên gọi của Allah được đề cập trong Hadith là: Allah, Arrahman, Arrahim, Al-Malik, Al-Quddus, Assalam, Al-Mu’min, Al-Muhaymin, Al-Aziz, Al-Jabbar, Al-Mutakabbir, Al-Khaliq, Al-Bari, Al-Musauwir, Al-Ghaffar, Al-Qahhar, Al-Wahab, Arrazzaq, Al-Fattah, Al-Alim, Al-Qabidh, Al-Basit, Al-Khafidh, Arrafi’a, Al-Mu’iz, Al-Muzdil, Assami’a, Al-Basir, Al-Hakam, Al-Adl, Al-Latif, Al-Khabir, Al-Halim, Al-Azhim, Al-Ghafur, Ashshakur, Al-Ali, Al-Kabir, Al-Hafizh, Al-Muqit, Al-Hasib, Al-Jalil, Al-Karim, Arraqib, Al-Mujib, Al-Wasi’a, Al-Hakim, Al-Wadud, Al-Majid, Al-Ba’ith, Ashshahid, Al-Haq, Al-Wakil, Al-Qawi, Al-Matin, Al-Wali, Al-Hamid, Al-Muhsi, Al-Mubdi, Al-Mu’id, Al-Muhyi, Al-Mumit, Al-Hay, Al-Qaiyum, Al-Wajid, Al-Ma-jid, Al-Ahad (Al-Wahid), Assamad, Al-Qadir, Al-Muqtadir, Al-Muqaddim, Al-Mu-akhkhir, Al-Auwal, Al-Akhir, Azdzdahir, Al-Batin, Al-Wa-li, Al-Muta’ali, Al-Barr, Attauwab, Al-Muntaqim, Al’afu, Arra-uf, Malikul-Mulk, Zdul Jalal Wal-ikram, Al-Muqsit, Al-Jami’a, Al-Ghani, Al-Mughni, Al-Mu’ti, Al-Ma-ni’a, Adhdhar, Annafi’a, Annur, Al-Hadi, Al-Badi’a, Al-Baqi, Al-Warith, Arrashid, Assabur.

Và dĩ nhiên, ngoài 99 tên này còn có nhiều tên gọi khác của Allah được đề cập trong nhiều Hadith Sahih cũng như trong Qur’an, chẳng hạn như Subbuh Quddus, Ashshafi, Rab Al’Alamin, Maliki Yau Middin, Khair Al-Ghafirin, Muqallib Al-Qulub, Arhamu Arrahimin, Jami’u Annas Li Yaumil la raiba fih, ...

Tóm lại, những cái tên đẹp đẽ của Allah không giới hạn trong con số 99 như nhiều người Muslim đã ngộ nhận, đặc biệt là 99 cái tên được đề cập trong Hadith do Tirmizdi ghi lại, mà các tên gọi của Allah nhiều hơn có số đó như đã được trình bày. Và đây chính là bằng chứng giáo lý mà đại đa số học giả nói rằng những cái tên đẹp nhất của Allah không giới hạn ở 99 cái tên như đã được đề cập ở một số Hadith. Và đây là học thuyết giáo lý của trường phái Ahlus Sunnah và Jama’ah.

Sau đây là phần giải thích ngắn gọn về một số tên gọi tốt đẹp của Allah, mong rằng người Muslim chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về Thượng Đế Toàn Năng của chúng ta để chúng ta có thể thờ phượng Ngài và hướng về Ngài một cách đúng đắn nhất và tốt nhất.

- اللهُ – “Allah”, có nghĩa là Thượng Đế Toàn Năng, Tối Cao, Ngài là Đấng duy nhất xứng đáng được thờ phượng.

الرَّحْمَنُ” – “Arrahaman”, có nghĩa là Đấng Độ Lượng. Allah ban phát bổng lộc và sức khỏe cho những ai vâng lời Ngài và cả những kẻ không vâng lời Ngài trong cuộc sống thế gian này. Chúng ta thấy người Muslim và những người không phải Muslim, người ngoan đạo và những người không ngoan đạo đều được Allah ban bổng lộc, sức khỏe và những điều tốt đẹp của thế gian. Những kẻ vô đức tin, bất tuân vẫn được Allah ban cho bổng lộc, sức khỏe, và những điều tốt đẹp trong thế giới này, thậm chí, đôi khi chúng ta thấy Ngài bạn cho họ còn nhiều hơn những người có đức tin và vâng lời Ngài. Sở dĩ như vậy là vì Allah là Arrahman – Đấng Độ Lượng.

- الرَّحِيْمُ – “Arrahim”, có nghĩa là Đấng Khoan Dung, Đấng Nhân Từ.Vào Đời Sau, Allah sẽ chỉ khoan dung đối với những ai có đức tin và vâng lời Ngài.

Arrahman và Arrahim là hai đại danh bắt nguồn từ thuộc tính “رحمة” – “Rahmah” của Allah tức lòng thương xót và nhân từ của Ngài. Vì vậy, Arrahman và Arrahim đều thể hiện lòng thương xót và nhân từ của Allah, tuy nhiên, Arrahman thể hiện lòng thương xót và nhân từ của Allah đối với toàn bộ chúng sinh trong thế giới này, còn Arrahim thể hiện lòng thương xót và nhân từ của Allah chỉ đối với những người có đức tin và vâng lời Ngài ở thế giới này và Đời Sau.

- المَلِكُ– “Al-Malik”, có nghĩa là Đức Vua của Ngày Phán Xét, tức Ngài toàn quyền trong ngày hôm đó.

- القُدُّوْسُ– “Al-Quddus”, có nghĩa là Đấng Linh Thiêng, Đấng Trong Sạch, tức Đấng được ca ngợi, được tôn cao khỏi mọi thứ không phù hợp với Ngài.

- السَّلَامُ – “Assalam”, có nghĩa là Đấng Bằng An, tức không có gì có thể hại được Ngài và mọi sự bình an đều đến từ nơi Ngài và chính Ngài ban sự bình an cho tất cả chúng sinh.

- المُؤْمِنُ – “Al-Mu’min”, có nghĩa là Đấng ban cho đức tin, sự yên bình trong trái tim đám bề tôi của Ngài.

-المُهَيْمِنُ – “Al-Muhaymin”, có nghĩa là Đấng ban sự an ninh và trật tự.  Đó là Ngài giám sát, bảo tồn, ban phát, ngăn chặn, và chi phối công việc của toàn vũ trụ.

- العَزِيْزُ– “Al-Aziz”, có nghĩa là Đấng Quyền Năng.

- الجَبَّارُ– “Al-Jabbar”, có nghĩa là Đấng không cưỡng lại được. Khi Ngài quyết định hoặc hành động thì khôngai, vật gì trong tạo vật của Ngài có thể cưỡng lại, mọi vật đều phải khuất phục và tuân theo quy luật của Ngài.

- المُتَكَبِّرُ – “Al-Mutakabbir”, có nghĩa là Đấng Tự Hào. Allah tự hàovề sự tối cao, vĩ đại và quyền lực của mình. Ngài không phục tung và vạn vật phải phục tùng Ngài. Vì vậy, ai không phục tùng Ngài thì đó là kẻ tự cao tự đại và kiêu ngạo.

- الخَالِقُ– “Al-Khaliq”, có nghĩa là Đấng Tạo Hóa. Vũ trụ và vạn vật đều là tạo vật của Ngài.

- البَارِئُ– “Al-Bari”, có nghĩa là Đấng Khởi Sự. Mọi sự sống, mọi sự tồn tại của vạn vật và vũ trụ đều do Allah tạo ra từ hư không. Ngài là bắt nguồn của mọi thứ.

- المُصَوِّرُ – “Al-Musauwir”, có nghĩa là Đấng ban hình thể. Mọi hình thể và dạng thức của vạn vật đều do Allah thiết kế và thiết lập.

- الغَفَّارُ– “Al-Ghaffar”, có nghĩa là Đấng Hằng Tha Thứ. Allah sẽ tha thứ tội lỗi cho những ai quay về với Ngài.

- القَهَّارُ – “Al-Qahhar”, có nghĩa là Đấng được khuất phục, Đấng luôn thống tri. Vũ trụ và vạn vật đều phải khuất phục Allah và tất cả đều nằm trong sự thống trị và chi phối của Ngài.

- الوَهَّابُ – “Al-Wahhab”, có nghĩa là Đấng Ban Phát, Đấng Ban Tặng. Allah luôn ban phát và ban tặng cho con người ngay cả khi họ không hỏi xin Ngài hoặc ngay cả khi họ không vâng lời Ngài.

- الرَّزَّاقُ – “Al-Razzaq”, có nghĩa là Đấng Cung Dưỡng, Đấng Ban Bổng lộc. Mọi bổng lộc của con người và mọi sinh vật đều do Allah ban cấp. Chính Ngài nuôi dưỡng tất cả.

- الفَتَّاحُ – “Al-Fattah”, có nghĩa là ĐấngThẩm Phán, Đấng Phân Xử như trong lời phán của Allah: {Lạy Thượng Đế của bầy tôi, xin Ngài hãy phân xử giữa bầy tôi và đám dân của bầy tôi bằng công lý, bởi Ngài là Đấng phân xử ưu việt nhất.(Qur’an:7:89), Đấng Mở Đường như trong lời phán của Allah: {Nuh cầu nguyện: “Lạy Thượng Đế của bề tôi, đám dân của bề tôi đã phủ nhận bề tôi.Xin Ngài mở lối giữa bề tôi và họ, xin Ngài giải cứu bề tôi và những người có đức tin đã đi theo bề tôi.”(Qur’an:26:117,118)

- العَلِيْمُ – “Al-Alim”, có nghĩa là Đấng Biết Tất Cả, Đấng Toàn Tri. Kiến thức của Allah bao quát tất cả mọi thứ, Ngài biết những điều hữu hình và vô hình, Ngài biết những gì đã, đang và sẽ xảy ra. Ngài thông toàn tất cả mọi thứ, không có gì có thể che giấu được Ngài.

- القَابِضُ – “Al-Qabidh”, có nghĩa là ĐấngThu Hẹp bổng lộc như trong lời phán của Allah: {Quả thật, Allah muốn thu hẹp hoặc nới rộng bổng lộc là tùy ý Ngài.}(Qur’an:2:245)

- البَاسِطُ – “Al-Basit”, có nghĩa là Đấng Nới Rộng bổng lộc.

- السَّمِيْعُ – “Assami’a”, có nghĩa là Đấng Hằng Nghe. Allah nghe thấy mọi thứ, không có âm thanh nào có thể che giấu được Ngài.

- البَصِيْرُ- “Al-Basir” có nghĩa là Đấng Hằng Thấy. Allah nhìn thấy tất cả mọi thứ, không có bất cứ thứ gì trong tạo vật của Ngài nằm ngoài tầm nhìn của Ngài.

- الحَكَمُ – “Al-Hakam” có nghĩa là Đấng Thẩm phán, Đấng ban hành và qui định công lý.

- العَدْلُ – “Al-Adl” có nghĩa là Đấng Công Bằng, Ngài không bất công với bất cứ tạo vật nào của Ngài.

- اللَّطِيْفُ – “Al-Latif”, có nghĩa là Đấng Tinh Tế.

- الخَبِيْرُ – “Al-Khabir”, có nghĩa là Đấng Thông Toàn.

- الحَلِيْمُ– “Al-Halim”, có nghĩa là Đấng Hằng Chịu Đựng.

- العَظِيْمُ – “Al-Azhim”, có nghĩa là Đấng Vĩ Đại.Ngài vĩ đại về mọi thứ, vĩ đại về Bản chất, tên tuổi và thuộc tính của Ngài, vĩ đại về lòng thương xót của Ngài, vĩ đại về quyền năng của Ngài, vĩ đại về sự khôn ngoan của Ngài, vĩ đại về quyền năng và niềm tự hào của Ngài, vĩ đại về món quà và sự ban cho của Ngài, vĩ đại về kinh nghiệm và lòng nhân từ của Ngài , vĩ đại trong sự công chính và nhân từ của Ngài, vĩ đại trong vinh quang, công lý và ca ngợi của Ngài, Ngài là Đấng Vĩ đại Tuyệt đối, không ai bằng Ngài, và không vĩ nhân nào có thể so sánh với Ngài.

- الغَفُوْرُ – “Al-Ghafur”, có nghĩa là Đấng Tha Thứ.

- الشَكُوْرُ – “Ash Shakur”, có nghĩa là ĐấngCảm Kích, Ngài ca ngợi một vài việc làm của những người bề tôi, và nhân thêm phần thưởng cho họ.

- العَلِيُّ – “Al-Ali”, có nghĩa là Đấng Tối Cao.

- الكَبِيْرُ – “Al-Kabir”, có nghĩa là Đấng Vĩ đại, Đấng Uy Phong, Đấng sở hữu niềm tự hào về các thuộc tính và hành động của Ngài, vì vậy Ngài không cần bất cứ thứ gì và không có gì làm Ngài bất lực (không có gì giống như Ngài).

- الحَفِيْظُ – “Al-Hafizh”, có nghĩa là Đấng Bảo Vệ, Đấng Lưu Giữ, và có nghĩa là Đâng Ghi Nhớ Siêu Việt. Ngài là Đấng mà không có bất cứ thứ gì nằm ngoài sự ghi nhớ của Ngài, Ngài không quên bất cứ điều gì, ngay cả trọng lượng của một nguyên tử.

- المُقِيْتُ – “Al-Muqit”, có nghĩa là Đấng Duy Trì, Đấng Bảo Tồn Sự Sống. Ngài cung cấp các loại lương thực cho các tạo vật của Ngài.

- الحَسِيْبُ – “Al-Hasib”, có nghĩa là Đấng đầy đủ cho các tôi tớ. Một mình Ngài đã đủ cho các tôi tớ trông cậy.

- الجَلِيْلُ – “Al-Jalil”, có nghĩa là Đấng Tối Cao Tuyệt Đối mang tất cả các thuộc tính hoàn hảo, Ngài không có bất cứ khuyết điểm nào.

- الكَرِيْمُ – “Al-Karim”, có nghĩa là Đấng Quảng Đại, Đấng Hào Phóng, Đấng Rộng Lượng. Ngài là Đấng tốt lành dư dật, Đấng Ban Phát, sự ban cho của Ngài không bao giờ cạn kiệt, và Ngài là Đấng hội tụ tất cả những điều tốt lành, danh dự và đức hạnh, Ngài xứng đáng được ca ngợi vì những hành động ban bố của Ngài.

- الرَقِيْبُ – “Arraqib”, có nghĩa là Đấng Quan Sát và Theo Dõi,  Allah quan sát theo dõi tình trạng của đám bề tôi của Ngài, Ngài biết rõ những câu nói và những việc làm của họ, và không có bất cứ thứ gì nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngài.

- المُجِيْبُ – “Al-Mujib”, có nghĩa là Đấng đáp lại lời cầu xin của những ai cầu xin Ngài.

- الوَاسِعُ – “Al-Wasi’a”, có nghĩa  là Đấng có nguồn sống bao trùm tất cả những gì Ngài đã tạo, và lòng thương xót của Ngài bao trùm mọi thứ, bao quát mọi thứ.

- الحَكِيْمُ – “Al-Hakim”, có nghĩa làĐấng đúng đắn và tinh tế trong kế hoạch của Ngài, trong sự đánh giá của Ngài, Ngài là chuyên gia về sự thật của các vấn đề, Ngài toàn tri và thông thái trong mệnh lệnh của Ngài, vì vậy tất cả sự tạo hóa và mệnh lệnh của Ngài đều tốt lành, khôn ngoan và công bằng.

- الوَدُوْدُ– “Al-Wadud”, có nghĩa là Đấng Tràn Đầy Tình Yêu Thương, Ngài hết mực yêu thương của các tôi tớ Ngài, đặc biệt đối với các Wali (những người có đức tin ngoan đạo) của Ngài.

- المَجِيْدُ– “Al-Maji-d”, có nghĩa là Đấng Vinh Quang, Đấng Đáng Kính Nhất. Allahđược tôn vinh bởi hành động của Ngài, sự sáng tạo vĩ đại của Ngài đã tôn vinh Ngài; sự rộng lượng bao la, sự dư dật của lòng tốt và sự trường tồn của Ngài đã tôn vinh Ngài. Ngài đáng được tôn vinh vì lòng nhân từ dồi dào, sự ban phát và sự công bình vĩ đại của Ngài.

- الشَّهِيْدُ – “Ash-Shahi-d”, có nghĩa là Đấng Làm Chứng cho tất cả và mãi mãi, Ngài luôn hiện diện và không có gì nằm ngoài sự chứng giám của Ngài, Ngài biết mọi thứ, mọi sự vât và mọi sự việc một cách chi tiết.

- الحَقُّ – “Al-Haqq”, có nghĩa là Đấng Chân Lý. Ngài thiết lập sự thật bằng lời nói của Ngài và hỗ trợ những Wali của Ngài, và việc Ngài đáng được tôn thờ là chân lý.

- الوَكِيْلُ – “Al-Waqil”, có nghĩa là Đấng được Phó Thác, Đấng xử lý công việc, Đấng Bảo Hộ. Ngài phụ trách công việc của tạo vật, vì vậy, ai trông cậy vào Ngài thì Ngài sẽ lo liệu cho người đó và một mình Ngài đã đủ cho y, và ai tin cậy và phó thác cho Ngài thì Ngài sẽ làm cho người đó giàu có và hài lòng.

- القَوِيُّ – “Al-Qawi”, có nghĩa là Đấng Hùng Mạnh, Đấng Toàn Lực. Sức mạnh của Ngài vô biên, toàn diện và hoàn hảo tuyệt đối, không có sức mạnh nào có thể cưỡng lại được sức mạnh của Ngài.

- المَتِيْنُ – “Al-Matin”, có nghĩa là Đấng Vững Chắc, Đấng Mạnh Mẽ, Ngài không cần binh lính và hay bất cứ thứ gì. Bản thân Ngài đủ lực, đủ sức mạnh một cách siêu việt của riêng Ngài.

- الوَلِيُّ – “Al-Wali”, có nghĩa làĐấng Bảo Vệ, Ngài hỗ trợ những ai tuân lệnh Ngài,chăm sóc mọi vụ việc của các sinh vật và bảo vệ chúng.

- الحَمِيْدُ – “Al-Hami-d”, có nghĩa là Đấng Đáng được ca ngợi và tán dương. Mọi lời khen ngợi và tán dương tốt đẹp đều thuộc về Ngài.

- المُحْيِيُّ” – “Al-Muhyi”, có nghĩa là Đấng tạo ra sự sống và ban sự sống cho bất cứ ai Ngài muốn.

- الحَيُّ” – “Al-Hayy”, có nghĩa là ĐấngHằng Sống, Đấng Bất Diệt, Ngài là Đấng  Vĩnh Cửu.

- القَيُّوْمُ” – “Al-Qayyum”, có nghĩa là Đấng tự cung tự cấp, độc lập với những gì khác ngoài Ngài, và Ngài quản lý các công việc sáng tạo của Ngài và duy trì chúng.

- الوَاحِدُ” – “Al-Wa-hid”, có nghĩa là Đấng Duy Nhất về bản chất, sự thuần khiết, sự tối cao, sự vĩ đại, sự hoàn hảo, sự ưu việt và hành động; không ai, vật gì trong tạo vật của Ngài có thể sánh với Ngài.

- الصَمَدُ” – “Assamad”, có nghĩa là ĐấngĐấng Tự Hữu, Ngài không cần ai, vật gì trong tạo vật của Ngài nhưng tất cả đều cần Ngài.

- القَادِرُ” – “Al-Qa-dir”, có nghĩa là Đấng có khả năng tạo ra vạn vật từ cái không và biến mọi thứ thành hư vô theo sự thông thái và ý muốn của Ngài.

- القَدِيْرُ” – “Al-Qadi-r”, có nghĩa là Đấng Quyền Năng, Ngài toàn năng trên tất cả mọi thứ, không có điều gì có thể làm khó Ngài, không quyền lực và sức mạnh nào có thể cản trở Ngài, Ngài không bất lực trước bất cứ điều gì.

- المُقْتَدِرُ” – “Al-Muqtadir”, có nghĩa làĐấng có thể cải tạo các sinh vật theo cách mà không ai khác có thể làm được.

- المُقَدِّمُ” – “Al-Muqaddim”, có nghĩa là Đấng đẩy mọi thứ đi lên phía trước và đặt chúng vào đúng vị trí của chúng.

- المُؤَخِّرُ” – Al-Mu-akhkhir”, có nghĩa là Đấng đẩy lùi mọi thứ và đặt chúng vàođúng vị trí của chúng.Sự đẩy lùi của Ngài dành cho bất cứ ai Ngài muốn.

- الأَوَّلُ” – “Al-Auwal”, có nghĩa là Đấng Đầu Tiên, Đấng mà không bất cứ thứ gì tồn tại trước Ngài, vì vậy Ngài là Đấng đầu tiên trong sự tồn tại, không có gì tồn tại trước Ngài.

- الآخِرُ” – “Al-Akhir”, có nghĩa là Đấng Sau Cùng, Ngài còn lại sau khi mọi tạo vật của Ngài bị hủy diệt. Vào Ngày Tận Thế, Ngài hủy diệt toàn bộ tạo vật của Ngài, lúc đó sẽ không có bất cứ sự tồn tại nào ngoại trừ sự tồn tại của Ngài.

- الظَاهِرُ” – “Azh-Zha-hir”, có nghĩa là Đấng xuất hiện bên trên tất cả mọi thứ, Ngài tồn tại rõ ràng thông qua vô số bằng chứng và đấu hiệu của Ngài.

- البَاطِنُ” – “Al-Ba-tin”, có nghĩa là Đấng biết mọi thứ ẩn giấu, và Ngài ở gần chúng ta hơn là tĩnh mạch cổ.

- المُتَعَالُ” – “Al-Muta’al”, có nghĩa là ĐấngTự Tôn, sự tối cao và uy nghiêm của Ngài vượt xa khỏi sự dối trá của những kẻ vu khống và những lời thì thầm của những kẻ hoang mang.

- البَرُّ” – “Al-Barr”, có nghĩa là Đấng thông cảm với các tôi tớ của Ngài qua sự công bình và nhân từ của Ngài, và Ngài ban cho những ai cầu xin Ngài, và Ngài trung thực trong những gì Ngài đã hứa.

- التَّوَّابُ” – “Attauwab”, có nghĩa là Đấng hướng dẫn đám bề tôi của Ngài ăn năn và Ngài chấp nhận sự ăn năn của họ vàtha thứ tội lỗi cho họ.

- المُنْتَقِمُ” – “Al-Muntaqim”, có nghĩa làĐấng trừng trị nghiêm khắc kẻ bất tuân, sau những lời hướng dẫn và cảnh báo.

- العَفُوُّ” –“Al’Afu”, có nghĩa là Đấng xí xóa và bỏ qua tội lỗi.

- الرَّؤُوْفُ” – “Arra-uf”, có nghĩa là Đấng cảm thông với những bề tội phạm tội biết ăn năn sám hối, là Đấng nghiêm túc với lòng tốt của mình và với sự cảm thông, Ngài che đậy lỗi lầm và sau đó tha thứ cho họ.

- مَالِكُ الْمُلْكِ – “Malikul-Mulk”, có nghĩa làChủ nhân của Vương Quyền và sự thống trị. Ngài là định đoạt theo ý muốn của Ngài, không có sự ngăn cản nào đối với sự cai trị của Ngài, và không ai không tuân theo mệnh lệnh của Ngài.

- ذُوْ الْجَلَالِ وَالْإِكْرَامِ– “Zdu Aljalali wal-Ikra-m”, có nghĩa là Đấng duy nhất có các thuộc tính Tối Cao, Uy Nghiêm, Hoàn Hảo và Vĩ Đại.

- الجَامِعُ” – “Al-Jami’a”, có nghĩa là Đấngtập hợp tất cả những điều hoàn hảo, về bản chất, mô tả và hành động, Ngài tập hợp những tạo vật giống nhau và khác biệt, đồng thời tập hợp những người đầu tiên cho đến những người cuối cùng lại với nhau.

- الْغَنِيُّ” – “Al-Ghani”, có nghĩa là Đấng Miễn Cần, Ngài không cần bất cứ điều gì, không cần đến mọi thứ ngoài Ngài.

-المُعْطِيُّ” – “Al-Mu’ti”, có nghĩa là Đấng Ban Cho

- النُّوْرُ” – “Annur”, có nghĩa là Ánh Sáng,Ngài là ánh sáng dẫn đường, Ngài hướng dẫn bất cứ ai Ngài muốn.

- الْهَادِيُّ” – “Al-Ha-di”, có nghĩa là Đấng Hướng Dẫn, Ngài chỉ cho tạo vật con đường chân lý bằng lời phán của Ngài, hướng dẫn các tâm hồn hiểu biết về Ngài và các linh hồn vâng phục Ngài.

- البَدِيْعُ” – “Al-Badi’a”, có nghĩa là Đấng mà không ai, vật gì ngoài Ngài có thể so sánh với Ngài. Các thuộc tính của Ngài, những phán quyết của Ngài, những công việc và hành động của Ngài là có một không hai.

Trên đây là những tên gọi tốt đẹp của Allah được đề cập trong Qur’an cũng như trong Sunnah của Thiên Sứe thông qua các Hadith xác thực và được giới học giả Islam đồng thuận.

Ngoài những tên gọi được nêu trên còn những tên gọi khác của Allah mà người Muslim biết đến và cho rằng chúng nằm trong 99 tên gọi của Allah nhưng không được Qur’an hay Sunnah xác thực đề cập, cũng như chưa được sự đồng thuận và thống nhất của giới học giả “Ulama”.Và những tên gọi này gồm:

- الخَافِضُ” – “Al-Kha-fidh”, có nghĩa là Đấng Hạ Thấp. Ngài hạ thấp những kẻ vô đức tin và không vâng lời Ngài bằng việc khiến họ lánh xa Ngài.

- الرَافِعُ” – “Al-Ra-fi’a”, có nghĩa là Đấng Nâng Cao. Allah nâng cao những ai Ngài yêu thương bằng việc khiến họ đến gần với Ngài.

- المُعِزُّ” – “Al-Mu’izz”, có nghĩa là Đấng Ban Cho Vinh Dự. Sự cao quý và vinh dự của ai đó đều do Allah ban cho. Ngài ban vinh dự và sự cao quý cho ai là tùy ý Ngài. Ai mà Ngài ban cho vinh dự và sự cao quý thì không có bất cứ quyền lực nào có thể tước lấy.

- المُذِلُّ” – “Al-Muzdil”, có nghĩa là Đấng Làm Nhục. Ngài hạ nhục những kẻ bất tuân và nghịch lại Ngài.

- البَاعِثُ” – “Al-Ba’ith”, có nghĩa là Đấng phục sinh tạo vật vào Ngày Phục Sinh, Đấng cử phái các Sứ Giả của Ngài đến đám bề tôi của Ngài, và là Đấng gửi sự phù hộ đến cho đám bề tôi của Ngài.

- المُحْصِيُّ” - “Al-Muhsi”, có nghĩa là Đấng tính toán mọi thứ bằng kiến ​​thức của Ngài, Ngài không bỏ sót bất cứ điều gì trong một thời khắc nào.

- المُبْدِئُ” - “Al-Mubdi”, có nghĩa là Đấng đã tạo ra mọi thứ và sáng tạo ra chúng chưa từng có tiền lệ.

- المُعِيْدُ” - “Al-Mu’id”, có nghĩa là Đấng làm cho tạo vật sau sự sống trở lại cái chết trên thế giới này, và sau cái chết trở lại sự sống vào Ngày Phục Sinh.

- المُمِيْتُ” - “Al-Mumi-t”, có nghĩa là Đấng định đoạt cái chết và không ai, vật gì ngoài Ngài có quyền năng này. Ngài định cái chết cho đám bề tôi của Ngài bất cứ khi nào và bằng cách nào Ngài muốn.

- الوَاجِدُ” -  “Al-Wa-jid”, có nghĩa là Đấng không mà bất cứ thứ gì có thể ngăn cản Ngài hoặc làm cho Ngài bất lực mỗi khi Ngài muốn và hành động, Ngài luôn tìm thấy mọi thứ Ngài yêu cầu, và đạt được mọi thứ Ngài muốn.

- المَاجِدُ” - “Al-Ma-jid”, có nghĩa là Đấng có sự hoàn hảo vô tận và vinh quang tuyệt đối trong thuộc tính, bản chất và hành động, Ngài đối xử với những người bề tôi hết sức hào phóng và nhân từ.

- الوَالِيُّ” - “Al-Wa-li”, có nghĩa là Đấng chi phối và định đoạt mọi thứ bằng ý chí và trí tuệ của Ngài, mọi thứ đều vận hành và hoạt động theo mệnh lệnh và phán quyết mà Ngài đã qui định cho chúng.

- المُقْسِطُ” - “Al-Muqsit”, có nghĩa là Đấng công bằng trong phán quyết, Ngài lấy công lý cho kẻ bị áp bức từ kẻ áp bức.

- المُغْنِيُّ” -  “Al-Mughni”, có nghĩa là Đấngkhông cần bất cứ thứ gì khác ngoài Ngài.

- المَانِعُ” - “Al-Ma-ni’a”, có nghĩa là Đấngkhông cho bất kỳ ai mà Ngài muốn để kiểm tra hoặc bảo vệ.

- الضَّارُ” - “Adh-Dhar”, có nghĩa là Đấng định sẵn điều hại cho bất cứ ai và như thế nào Ngài muốn. Tất cả đều theo sự khôn ngoan và thông thái của Ngài.

- النَافِعُ” - “Anna-fi’a”, có nghĩa là Đấng định sẵn sự tốt lành cho bất cứ ai và như thế nào Ngài muốn, tất cả theo sự khôn ngoan và thông thái của Ngài.

- البَاقِيُّ” - “Al-Ba-qi”, có nghĩa là Đấng Còn Mãi, sự tồn tại của Ngài là vĩnh cửu, không có sự kết thúc.

- الوَارِثُ” - “Al-Wa-rith”, có nghĩa là Đấngthừa hưởng mọi thứ.

- الرَّشِيْدُ” - “Arrashi-d”, có nghĩa là Đấng làm cho ai đó hạnh phúc mà Ngài muốn bằng sự hướng dẫn của Ngài, và làm cho ai đó đau khổ bằng cách để họ tránh xa Ngài.

- الصَّبُوْرُ” - “Assabur”, có nghĩa là Đấng kiên nhẫn, không vội vàng trừng trị kẻ bất tuân, mà thay vào đó là sự tha thứ và trì hoãn, và Ngài không vội vàng hành động trước thời điểm.

Như vậy, khi Du’a cầu xin Allah, người Muslim hãy biết rằng họ không được yêu cầu chỉ giới hạn trong 99 tên của Allah như đã được phổ biến rộng rãi. Và đây là một sự ngộ nhận mà người mỗi người Muslim cần điều chỉnh lại. Bởi vì qua sự trình bày ở trên, chúng ta đều thấy rõ Allah có nhiều hơn 99 tên gọi mà mọi người Muslim trước giờ đều lầm tưởng, và trong những lời Du’a của Thiên Sứ được thuật lại trong các Hadith xác thực, Người đã gọi Allah bằng những tên gọi ngoài 99 tên gọi đó, chẳng hạn những tên gọi sau đây:

- السُّبُّوْحُ” – “Subbu-h”, có nghĩa là ĐấngVinh Quang, Đấng Vinh Hiển.

- الشَافِيُّ” – “Ash-Sha-fi”, có nghĩa là Đấng Điều Trị mọi bệnh tật.

- مُقَلِّبُ الْقُلُوْبِ – “Muqalibul-Qulu-b”, có nghĩa là Đấng lật trở trái tim.

- أَرْحَمُ الرَّاحِمِيْنَ – “Arhamur-Rahimin”, có nghĩa là Đấng thương xót và nhân từ nhất.

- خَيْرُ الْغَافِرِيْنَ – “Khairul-Ghafirin”, có nghĩa là Đấng tha thứ tốt nhất.

- رَبُّ الْعَالَمِيْنَ – “Rabbul-Alamin”, có nghĩa là Đấng Chủ Tể, Thượng Đế của vũ trụ và vạn vật.

- المَالِكِ يَوْمِ الدِّيْنِ– “Maliki yaw middin”, có nghĩa là Đấng Toàn Quyền của Ngày Thưởng Phạt.

- أَحْسَنُ الْخَالِقِيْنَ – “Ahsanul-Khaliqin”, có nghĩa là Đấng Tạo Hóa tốt nhất.

- جَامِعُ النَّاسِ لِيَوْمِ لَا رَيْبَ فِيْهِ– “Jamiun nas li yawmi la raiba fih”, có nghĩa là Đấng triệu tập nhân loại vào Ngày không có gì phải hoài nghi về việc nó sẽ diễn ra.

Đó là một ít nội dung liên quan đến các tên gọi tốt đẹp của Allah, Thượng Đế của vũ trụ và vạn vật. Cầu xin Allah hướng dẫn và soi sáng những người Muslim đang cố gắng tìm cách đến gần bên Ngài. Cầu xin Allah ban thêm cho họ kiến thức đúng đắn và hữu ích từ Qur’an – Kinh Sách của Ngài và từ Sunnah – Đường Lối hay Truyền Thống của Thiên Sứ Muhammad, bởi vì đó là hai phương tiện tốt nhất giúp một người đến với Ngài một cách an toàn nhất.

 Tác giả biên soạn: Usman Ibrahim

Đăng nhận xét

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Mới hơn Cũ hơn
Hãy chia sẽ bài viết đến mọi người⭒♡⭒
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TRANG WEB