Hỡi những người có đức tin, việc nhịn chay đã được sắc lệnh cho các ngươi giống như nó đã được sắc lệnh cho các thế hệ trước các ngươi, mong rằng các ngươi trở thành những người có Taqwa.

» Video: 7 Bài học từ nhịn chay Ramadan

Các thuật ngữ trong Islam mà người Muslim cần biết

 Thiết nghĩ người Muslim nói chung cần biết và hiểu một số những thuật ngữ trong Islam. 

Vì vậy, tôi biên soạn một số thuật ngữ phổ biến mà người Muslim thường nghe. Tôi trình bày ngắn gọn với lối giải thích súc tích, mong Allah hướng dẫn quí đạo hữu hiểu và ghi nhớ dễ dàng. 

Tawhid 

Tawhid là một danh từ được biến thể từ động từ “وَحَّدَ” – “Wahhada” có nghĩa là làm cho thứ thì đó thành duy nhất, không nhiều hơn. Trái nghĩa với Tawhid là Shirk (chia sẻ, hợp tác). 

Trong Islam, Tawhid là một thuật ngữ chỉ sự độc tôn hóa Allah với tất cả những gì dành riêng cho Ngài về việc tạo hóa vạn vật và chi phối vũ trụ được gọi là Tawhid Rububiyah, về sự thờ phượng được gọi là Tawhid Uluhiyah, và về các tên gọi và các thuộc tính của Ngài được gọi làTawhid Asma’ Wassifat. 

Tawhid là điều trọng đại và thiêng liêng nhất mà Allah đã sắc lệnh cho các bầy tôi của Ngài. Đó là quyền của Ngài đối với tạo vật, là nền tảng kêu gọi của tất cả các vị Nabi cũng như các vị Thiên Sứ, từ vị đầu tiên cho đến vị cuối cùng. 

Tawhid là tin rằng Allah là Đấng duy nhất trong tạo hóa, thống trị, điều hành vàchi phối; rằng chỉ mình Ngài xứng đáng được tôn thờ, không có đối tác chia sẻ. 

Tawhid được chia thành ba dạng: Tawhid Uluhiyah, Tawhid Rububiyah, và Tawhid Asma’ Wassifat. 

Tawhid Rububiyah: Đức tin vào sự tồn tại của Allah Tối Cao, tin vào tính duy nhất của Ngài trong các hành động của Ngài, thừa nhận và xác nhận rằng chỉ một mình Ngài là Chúa, là Thượng Đế và Chủ Nhân của toàn vũ trụ và vạn vật; chỉ môt mình Ngài là Đấng Tạo Hóa và Nuôi dưỡng; chỉ một mình Ngài là Đấng ban sự sống và làm cho chết, ban điều lợi và điều hại; chỉ một mình Ngài đáp lại những lời cầu xin khi khẩn cấp; chỉ một mình Ngài là Đấng mà tất cả vạn vật phải lệ thuộc; và chỉ một mình Ngài là Đấng thâu tóm mọi sự vật, mọi sự việc và mọi hiện tượng diễn ra trong vũ trụ; chỉ một mình Ngài, không có đối tác chia sẻ cùng Ngài. 

Tawhid Uluhiyah: Là độc tôn hóa Allah bằng tất cả hình thức thờ phượng công khai và thầm kín qua lời nói, hành động và đức tin, đồng thời, phủ nhận mọi sự thờ phượng ngoài Ngài. 

Tawhid Asma’Wassifat: Là độc tôn hóa Allah Tối Cao bằng các tên gọi tốt đẹp và các thuộc tính tối thượng của Ngài được đề cập trong Kinh Qur'an và Sunnah, và tin vào tất cả ý nghĩa và giáo luật của chúng. Aqidah của nhóm Sunnah và Jama'ah về Asma’ Wassifat dựa trên hai nền tảng: khẳng định và  phủ định. 

1- Khẳng định: Là khẳng định những gì mà Allah đã khẳng định về chính mình cũng như những gì được Thiên Sứ của Ngài khẳng định về Ngài. 

2- Phủ định: Là phủ nhận những gì Allah và Thiên Sứ của Ngài đã phủ nhận về Ngài từ những yếu kém và khiếm khuyết, chẳng hạn như ngủ, bất lực, dốt v.v, đồng thời khẳng định các thuộc tính trái nghĩa với chúng, loại bỏ chúng khỏi Allah Tối Cao, thí dụ: Phủ định thuộc tính ngủ khỏi Allah Tối Cao, điều đó chứa đựng cả việc khẳng định sự sống hoàn hảo và bất diệt của Ngài. 

Và một trong các tên gọi và thuộc tính của Allah là Al-Ahad và Al-Wahid nghĩa là Đấng Độc Nhất, Đấng Duy Nhất (không gì có thể so sánh với Ngài). 

Shirk

Shirk: Là đồng đẳng Allah Tối Cao với tạo vật của Ngài về các đặc điểm chỉ dành riêng cho Ngài, chẳng hạn như sự thờ phượng, tên gọi và thuộc tính. 

Shirk được chia thành hai dạng: đại Shirk và tiểu Shirk 

Đại Shirk: Là những hành vi, việc làm hoặc lời nói mà giáo luật gọi là Shirk và chúng khiến người thực hiện trở thành Kafir, chẳng hạn như thờ phượng, cầu nguyện ai (vật gì) ngoài Allah, hoặc phủ nhận một thuộc tính nào đó của Allah đã được khẳng định trong Qur’an và Sunnah. 

Tiểu Shirk: Là những hành vi, việc làm, lời nói mà giáo luật gọi là Shirk, nhưng chưa đến mức tôn thờ ai (vật gì) ngoài Allah Tối Cao cùng với Ngài; hoặc mọi lời nói hay hành động mà giáo luật mô tả là Shirk nhưng chưa ra khỏi tôn giáo, chẳng hạn như thề thốt với ai (vật gì) ngoài Allah, Riya', v.v. 

Tiểu Shirk có hai loại: 

1- Shirk được biểu hiện rõ ràng: Là những gì được thể hiện rõ bằng lời nói và hành động, như thề thốt với ai (vật gì) ngoài Allah Tối Cao, hoặc như câu nói: "Masha-Allah wa shi'ta" có nghĩa là "Allah và anh đã muốn như thế", đôi khi câu này có thể dẫn đến đại Shirk tuỳ theo sự định tâm người nói, nếu y định tâm tôn vinh ngoài Allah như thể tôn vinh Allah thì đó là đại Shirk. Còn Shirk trong hành động như đeo vòng, vải, chỉ, sợi với định tâm và tin rằng nó giúp xua đuổi tà ma, xui xẻo, bệnh tật thì đây là đại Shirk. 

2- Shirk ẩn: Là Shirk trong ý định, tâm chí và ý muốn, tiểu biểu cho loại Shirk này là hình thức Riya’.Chẳng hạn như một người cố thể hiện sự nghiêm trang trong lễ nguyện Salah hoặc xướng đọc Qur'an để được mọi người khen ngợi. 

Riya'

Riya': Phô trương với người khác bằng các việc làm tốt đẹp hoặc công khai sự thờ phượng với ý định để mọi người nhìn thấy và ca ngợi. Hoặc nói cách khác, Riya' là không thành tâm trong hành động bởi sự quan sát của một ai đó ngoài Allah. Một số 'Ulama định nghĩa Riya' là hành động với định tâm để tạo vật nhìn thấy không quan tâm đến Đấng Tạo Hóa. 

Riya' là một dạng Shirk ẩn, nó sẽ làm vô giá trị các việc làm ngoan đạo và thiện tốt của một người. Giáo luật Islam đã cảnh báo mạnh mẽ cho điều này, vì vậy, tín đồ Muslim cần đấu tranh với bản ngã trong việc thành tâm hành động vì Allah Tối cao. 

Islam

Islam: Ngoài việc là một danh từ chỉ tôn giáo thờ phượng và tuân lệnh duy nhất một mình Allah thông qua Qur’an và Sunnah của Thiên Sứ Muhammad, nó còn là một thuật ngữ chỉ cấp bậc đầu tiên trong ba cấp bậc của tôn giáo: Islam, Iman, Ihsan. 

Islam với ý nghĩa cấp bậc đầu tiên của tôn giáo: Là tuyên bố câu chứng ngôn đức tin Shahadah, chu đáo duy trì năm lễ nguyện Salah bắt buộc, nhịn chay tháng Ramadan, xuất Zakah và đi Hajj. Người nào hoàn thành năm điều này (hay còn gọi là năm trụ cột của Islam) thì người đó là người Muslim.

Iman: Là đức tin kiên định vào tất cả những gì mà Allah và Thiên Sứ của Ngài cho biết, đòi hỏi hành động của trái tim, sau đó là hành động của thể xác. Các học giả định nghĩa Iman là nói bằng chiếc lưỡi, tin bằng con tim, và thi hành các trụ cột. Ý nghĩa "tin bằng con tim" là niềm tin chân chính, đúng đắn như được yêu cầu từ Kinh Qur'an của Allah và Sunnah của Thiên Sứ của Ngài; ý nghĩa "nói bằng chiếc lưỡi" là tuyên bố Shahadah (chứng ngôn đức tin), bởi theo các văn bản giáo lý (Qur'an và Sunnah) khi nói "lời nói" là bao gồm cả lời nói của con tim nghĩa là đức tin và lời nói bằng chiếc lưỡi tức tuyên bố. Ý nghĩa của hành động là bao gồm hành động của con tim, chiếc lưỡi và cả thể xác. Hành động của con tim có nghĩa là người bề tôi thực hiện các hành động biểu hiện đức tin Iman như mắc cỡ, phó thác, hy vọng, kính sợ, ăn năn, yêu thương, v.v. Hành động của chiếc lưỡi Tasbih (nói Sub haa nol loh), Takbir (nói Ollohu-akbar), xướng đọc Qur'an, bảo người làm điều tốt và ngăn cản người làm điều xấu, v.v. Hành động bằng cả thể xác là người bề tôi hành lễ Salah, nhịn chay, hành hương Hajj, Jihad và những hình thức thờ phượng khác.

Iman có sáu trụ cột: 1- Đức tin nơi Allah. 2- Đức tin nơi các Thiên Thần của Allah. 3- Đức tin nơi các Kinh Sách của Allah. 4- Đức tin nơi các vị Nabi và các vị Thiên Sứ của Ngài của Allah. 5- Đức tin nơi Ngày Sau Cùng (Ngày Tận Thế và những xảy ra sau đó). 6- Đức tin nơi sự Tiền Định tốt xấu.  

Ihsan: Là cấp bậc thứ ba trong ba cấp bậc của Islam, và đây là cấp bậc cao nhất. Người có thể thờ phượng Allah ở cấp bậc này là người tốt nhất trong những người thờ phượng. 

Khi được hỏi về Ihsan, Thiến Sứ của Allah cho biết, đó là một người thờ phượng Allah như thể anh ta nhìn thấy Ngài, còn nếu anh ta không thể nhìn thấy Ngài thì anh ta biết rằng Ngài nhìn thấy anh ta. 

Taqwa

Taqwa: Theo nghĩa đen của từ là rào cản giữa hai thứ, và nó còn mang nghĩa ngăn cản, bảo vệ, và giữ một thứ gì đó khỏi những tai hại. 

Trong giáo lý Islam, Taqwa là một thuật ngữ bao hàm những phẩm chất tốt đẹp, căn bản là giữ mình khỏi sự trừng phạt của Allah Tối Cao bằng cách tuân lệnh Ngài. Đó là một thuộc tính giúp một người thực thi tốt mệnh lệnh của Allah và tránh xa mọi điều cấm của Ngài. Nói theo cách khác,Taqwalà ngăn bản thân khỏi những gì khiến bị trừng phạt, chẳng hạn như làm những điều bị cấm hoặc bỏ bê các nghĩa vụ; và duy trì những gì giúp nâng cấp bản thân ở nơi Allah, chẳng hạn như làm những gì được khuyến khích, những điều tự nguyện, tránh những điều Makruh (bỏ tốt hơn làm) cũng như những điều chưa rõ ràng. Allah ra lệnh bảo những người thời đầu cũng như những người cuối cùng phải Taqwa, và Ngài thiết lập Iman (đức tin) và Taqwa là điều kiện cho sự bảo vệ của Ngài, và Ngài sẽ ban thưởng dựa trên hai thứ đó. 

Ghaib

Theo nghĩa đen của từ, Ghaib có nghĩa là bị che giấu và che khuất, khi nói mặt trời đã ghaib có nghĩa là mặt trời đã lặn khuất. Ghaib còn có nghĩa là ẩn, trái nghĩa của nó là nhìn thấy và hiện diện. 

Trong thuật ngữ giáo lý, Ghaib là tất cả những gì ẩn khuất khỏi con người, chẳng hạn như các Thiên Thần, Thiên Đàng, Hỏa Ngục, và những gì sẽ xảy ra trong tương lai như các dấu hiệu báo trước của giờ tận thế v.v. vì tâm trí không nhận thức được nó như thế nào, và không có cách nào để cảm nhận nó bằng năm giác quan. Với ý nghĩa này, khi dịch sang tiếng Việt, người dịch thường dịch Ghaib là điều vô hình hay những điều vô hình có nghĩa là những điều không nhìn thấy chứ không mang nghĩa là những thứ không có hình thể. 

Ghaib là một trong những đặc điểm của giáo lý đức tin được ban xuống từ trên trời, nội dung của nó là: niềm tin để đón nhận những thông điệp không nhìn thấy, bởi không có cách nhận biết chúng ngoại trừ qua sự mặc khải. 

Ghaib được chia thành hai dạng: 1- Ghaib hoàn toàn, là điều mà Allah đã gìn giữ bằng sự hiểu biết của Ngài và che giấu nó khỏi tất cả tạo vật của Ngài, dù Thiên Thần cận kề, các vị Thiên Sứ, các vị Nabi cũng không biết được, chẳng hạn như giờ tận thế, những gì diễn ra trong tử cung của người mẹ, thời khắc của cái chết, bổng lộc, mưa, và một số tên gọi tốt đẹp của Allah mà chúng ta không biết. 2- Ghaib không hoàn toàn hoặc một phần, là những gì bị che giấu khỏi một số tạo vật và với số khác thì không, như những vấn đề quá khứ, chẳng hạn các sự kiện lịch sử không được biết đến với một số người hoặc những vấn đề của tương lai. Dạng Ghaib này có những cách hợp pháp để nhận biết chúng, như: sự mặc khải cho các vị Nabi, các vị Thiên Sứ, và giấc mơ đối với những người ngoan đạo; còn đối với những vấn đề trong quá khứ như lịch sử, chúng có thể được biết từ các nguồn lịch sử đáng tin cậy và có những cách bất hợp pháp để biết nó, như: bói toán, chiêm tinh và sử dụng Jinn (ma quỉ). 

Fit-rah

Theo nghĩa của từ, Fit-rah là tính cách bẩm sinh hoặc trạng thái được Allah tạo ra từ ban đầu. Gốc của từ này đến từ tiếng "Fitr" có nghĩa là mở và làm nứt ra; và nó còn mang nghĩa là bản năng và tự nhiên. 

Trong Islam, Fit-rah là thuật ngữ để chỉ Islam và Tawhid. 

Allah đã tạo vạn vật vốn trên Islam và Tawhid (qui phục và tôn thờ một mình Allah), vì vậy, mỗi người trong nhân loại đều có một Fit-rah (bản năng tự nhiên) để chấp nhận, thừa nhận và yêu thích tôn giáo Islam. Theo đó, Fit-rah đòi hỏi sự thừa nhận và tình yêu đối với Đấng Tạo Hóa và thành tâm tôn thờ Ngài. Fit-rah sẽ dần dần thể hiện và được hoàn thiện khi nó được an toàn khỏi những tác động bên ngoài. Nhưng nếu Fit-rah không được an toàn, nó sẽ thay đổi theo những gì bị tác động từ Shaytan, dục vọng và sự lầm lạc. Fit-rah được hoàn thiện bởi giáo luật được ban xuống từ nơi Allah Tối Cao, bởi vì Fit-rah biết vấn đề một cảnh tổng thể, còn giáo luật giải thích chi tiết và trình bày cụ thể. Tuy nhiên, Fit-rah không đứng vững qua việc biết được các chi tiết của giáo luật, vì vậy, Allah phái các vị ThiênSứ, các vị Nabi đến để hoàn thiện cho Fit-rah. 

'Aqidah

‘Aqidah được biến thể từ tiếng “عَقْدٌ”- “'Aqd” có nghĩa là trói buộc, giao kèo, trái nghĩa của nó là tháo, hủy bỏ. 

Trong Islam, 'Aqidah là đức tin và sự thừa nhận về một điều gì đó và coi nó như một tôn giáo và học thuyết, khi mà trái tim tin vào nó, bản thân cảm thấy yên bình với nó, phục tùng nó hoàn toàn, không trộn lẫn với bất cứ sự nghi ngờ và do dự nào, cho dù điều đó đúng hay sai, chẳng hạn như niềm tin vào sự tồn tại của Allah Tối Cao, niềm tin vào sự phục sinh sau khi chết, và nó được gọi là 'Aqidah, bởi vì con người trói buộc trái tim mình vào điều đó. 

'Aqidah được chia thành hai loại: 

1- 'Aqidah Sahihah (‘Aqidah đúng): Là giáo lý đức tin của Islam, đó là tin nơi Allah thông qua ba dạng của Tawhid: Rububiyah, Uluhiyah, Asma’ Wassifat; tin nơi các Thiên Thần; các Kinh Sách; các Sứ Giả của Allah; Ngày Cuối Cùng; sự tiền định tốt xấu; tin nơi Ghaib, các nền tảng của tôn giáo, và những gì mà thế hệ Salaf ngoan đạo đã thống nhất. 'Aqidah Sahihah được dựa trên hai nền tảng cơ bản: a- Thành tâm đối với Allah Tối Cao, trái ngược với nó là Shirk với Allah, gồm đại Shirk và tiểu Shirk. b- Noi theo Sứ Giả –  lol lo hu ‘a lai hi wa sal lam – trong lời nói và hành động của Người, trái ngược với điều này là đổi mới và cải biên. 

2- 'Aqidah Batilah (‘Aqidah sai lệch), là niềm tin sai trái của các tôn giáo lệch lạc khác như Do Thái và Cơ đốc, các nhóm phái lầm lạc như Jahmiyah, Mu'tazilah, Sufi, Qadiyaniyah v.v. 

Salaf

Salaf là thuật ngữ để gọi ba thế hệ đầu tiên của Islam, đó là thế hệ Sahabah, thế hệ sau Sahabah được gọi là Tabi’un, và thế hệ sau Tabi’un. Đức tin, cách thức thờ phượng và hành đạo của họ được gọi là đường lối Salaf. 

Sahabah

Sahabah là thuật ngữ để chỉ tất cả những ai gặpThiên Sứ Muhammad, có đức tin nơi Người và chết trong Islam.Sahabi là danh từ số ít của Sahabah. 

Việc đồng hành với Thiên Sứ Muhammad là một vinh dự vô cùng to lớn. Allah Tối Cao đã chọn lựa điều đó cho những người tốt nhất sau các vị Nabi, các vị Thiên Sứ của Ngài. Ngài đã ban vinh dự cho họ bằng cách để họ nhìn thấy Thiên Sứ Muhmmad, nghe được lời nói của Người. 

Danh xưng Sahabi là tên gọi cho bất kỳ ai đã từng gặp Thiên Sứ Muhammad, ngay cả khi không nhìn thấy Người như người mù, không phân biệt thời gian gặp Người dài hay ngắn, cũng không phân biệt là đã truyền lại Hadith hay không truyền lại. 

Giới học giả Islam đã viết thành sách về tên và tiểu sử của Sahabah, họ cũng đã loại trừ những người không phù hợp là Sahabah; và sách tốt nhất cho chủ đề này là “Al-Isabah Fi Tamyiz As-Sahabah” của tác giả Al-Hafizh Ibn Hajar. 

Shari'ah

Theo nghĩa đen của từ, Shari’ah là con đường rõ ràng dẫn đến nguồn nước. 

Trong Islam, Shari'ah là một thuật ngữ để chỉ tất cả những gì mà Allah Tối Cao đã thiết lập về giáo lý đức tin, các luật lệ và những thứ khác, trong đó, có các nền tảng được thống nhất, đó là Kinh Qur'an, Sunnah, Ijma' (sự đồng thuận của các học giả), Qiyas (lý luận cá nhân), và các nền tảng khác như câu nói của Sahabah. Và Shari'ah có các mục đích và giá trị rõ ràng. 

Mushaf

Mushaf: Là tập hợp Suhuf (các trang) được viết thành một quyển. Suhuf là danh từ số nhiều của Sahifah có nghĩa là miếng da hoặc giấy được dùng để viết. Sau đó. tiếng Mushaf trở nên thịnh hành để gọi quyển Kinh Qur'an. 

Các học giả Islam định nghĩa Mushaf là quyển sách tập hợp trong đó lời phán của Allah Tối Cao được ban xuống cho Thiên Sứ Muhammad của Ngài, dù Kinh Qur'an được viết toàn bộ hoặc được viết một phần miễn sao quyển đó chỉ dành riêng cho Qur'an, chẳng hạn như  Juz' (phần) Tabarak và tương tư như vậy. 

Kinh Qur'an được gọi là Mushaf kể từ thời của Abu Bakar Assiddiq. 

Surah

Surah là tổ hợp các câu Kinh Qur'an có phần đầu và phần cuối được gọi bằng một cái tên riêng biệt. Surah ngắn nhất trong Qur'an gồm ba câu. Kinh Qur'an có cả thảy một trăm mười bốn (114) Surah với độ dài ngắn khác nhau, được xếp thứ tự trong Mushaf theo chữ viết 'Uthmani, Surah đầu tiên là Al-Fatihah và Surah cuối cùng là An-Nas. 

Trong bản dịch nội dung ý nghĩa Kinh Qur’an, người ta thường dịch Surah là chương. 

Ayah Kursi

Ayah Kursi là câu 255 của Surah (chương) 2 - Al-Baqarah trong Kinh Qur'an. 

Ayah Kursi là câu Kinh vĩ đại nhất trong Kinh Qur'an, vì trong đó chứa đựng các tên gọi của Allah và các thuộc tính của Ngài và là minh chứng của Tawhid. Nó được gọi như vậy là do có nhắc đến từ Kursi, có nghĩa là bệ gác chân của Allah, còn 'Arsh vĩ đại hơn Kursi, là tạo vật vĩ đại nhất của Ngài. 

Sunnah

Theo nghĩa đen của từ, Sunnah có nghĩa là con đường. 

Trong Islam, Sunnah được đùng để gọi sự hướng dẫn của Thiên Sứ Muhammad và Sahabah đáng kính của Người về các vấn đề tôn giáo thông qua lời nói, việc làm và niềm tin; hoặc là đường lối rõ ràng của Thiên Sứ Muhammad và Sahabah của Người. 

Tiếng "Sunnah" thường được để nói về Sunnah trong thờ phượng và giáo lý đức tin, mặc dù nhiều người viết sách khi nói đến Sunnah thường muốn nói về giáo lý đức tin, bởi vì nó là nền tảng của tôn giáo, và ai đi ngược lại với nó sẽ gặp nguy hiểm lớn. Do đó,  “Sunnah” được sử dụng để biểu thị đức tin của phái Sunnah và Jama'ah, và cách sử dụng này đã phổ biến trên ngôn ngữ của các Imam lỗi lạc từ xưa đến nay. Khi nói: Đó là người Sunnah nghĩa là người đó thuộc nhóm người đi trên con đường đúng đắn, ngay thẳng, đáng ca ngợi. 

Ngoài ra, Sunnah còn được dùng để gọi những việc hành đạo tự nguyện, chẳng hạn như nói: đây là Sunnah (tự nguyện, khuyến khích làm, không bắt buộc), còn kia là Wajib (bắt buộc, nghĩa vụ phải làm).

Ijma’

Ijma’ là sự đồng thuận và thống nhất của các học giả Islam về một phán quyết cho một vấn đề trong tôn giáo Islam sau khi đã thảo luận. Ijma’ được xem là một thẩm quyền giáo luật sau Qur’an và Sunnah. Có nghĩa là một vấn đề nào đó không được tìm thấy hoặc chưa rõ về phán quyết của nó từ Qur’an và Sunnah, nhưng nó được các học giả Islam tại thời điểm đó nỗ lực nghiên cứu, tranh luận và bàn thảo và cuối cùng họ đồng thuận đi đến một kết luận thống nhất, thì kết luận được thống nhất này là một phán quyết mang thẩm quyền giáo luật đối với mỗi tín đồ Muslim. 

Ijtihad

Ijtihad là sự nỗ lực hết sức của một học giả để tìm kiếm một phán quyết giáo luật dựa trên các bằng chứng giáo lý. 

Ijtihad là một cách tìm kiếm các phán quyết giáo luật thông qua các bằng chứng giáo lý. Đó là sự dốc hết sức mình trong việc nghiên cứu và suy luận để đưa ra một phán quyết từ các giáo luật phụ. 

Các học giả chia Ijtihad thành hai dạng: 

1- Ijtihad được giáo luật thừa nhận, đó là Ijtihad của những người hiểu biết và hội đủ điều kiện, và các điều kiện gồm hai loại: a- chung: phải là người tỉnh táo, trưởng thành, Muslim và trung thực;b- riêng: phải có khả năng xem xét, đanh giá và hiểu biết về các phương pháp Ijtihad cũng như các quy tắc suy luận cùng với các phương tiện cho Ijtihad như sự hiểu biết về Qur'an, Sunnah, ngôn ngữ, Usul Fiqh và những nguồn kiến thức cần thiết khác. 

2-Ijtihad không được giáo luật thừa nhận, đó là Ijtihad không dựa vào các phương pháp và quy tắc của Ijtihad. Tất cả mọi ý kiến ​​được đưa ra theo cách này đều không được công nhận, bởi vì thực chất đó là một ý kiến ​​chỉ dựa theo ham muốn, ý bất chợt và sở thích của cá nhân. 

Sirat Mustaqim

(Con đường ngay chính)

Sirat Mustaqim (Con đường ngay chính) là con đường của Allah Tối Cao. Ngài thiết lập nó cho đám bầy tôi của Ngài qua chiếc lưỡi của vị Thiên Sứ của Ngài, Muhammad. Ngài qui định nó thành con đường dẫn đến Ngài, bằng cách tuân lệnh Thiên Sứ của Ngài, tránh xa những điều Người cấm, và tin vào mọi điều Người cho biết. 

Sirat Mustaqim (Con đường ngay chính) là con đường rõ ràng không có sự quanh co và lệch hướng trong đó. Trong số các thuật ngữ gọi con đường này: tuân theo Allah và Thiên Sứ của Ngài; Sunnah và Jama'ah; con đường thờ phượng Allah v.v. 

Phái Sunnah và Jama'ah

Phái Sunnah và Jama'ah: Là những người nắm chặt Qur'an và Sunnah, bám lấy đường lối Salaf trong việc hiểu và hành đạo, nắm chặt những gì được cộng đồng thống nhất, quan tâm đến đoàn kết tập thể và tránh xa sự chia rẽ. Phạm vi mô tả này xoay quanh việc đi theo Sunnah của Thiên Sứ Muhammad, đồng thuận với những gì được Người mang đến từ niềm tin, sự hướng dẫn và cách thức, và gắn bó với tập thể Muslim đi trên chân lý và không chia rẽ trong tôn giáo. 

Phái Sunnah và Jama'ahlà nhóm được cứu rỗi và giành chiến thắng mà Thiên Sứ Muhammad đã cho biết bởi vì họ đi trên con đường của Người và Sahabah của Người. Họ là những người của Islam đi theo Qur'an và Sunnah và tránh xa các con đường của những người lầm lạc và Bid'ah. 

Phái Sunnah và Jama'ah không giới hạn cho một nhóm người, một dân tộc, hay một quốc gia cụ thể nào hoặc một thời đại cụ thể nào, mà tất cả những ai có được các thuộc tính giống như mô tả thì họ thuộc phái Sunnah và Jama'ah. 

Bid'ah

Bid’ah là sáng chế ra một đường lối mới trong tôn giáo với mục đích đưa các hành vi thái quá vào sự thờ phượng Allah Tối Cao. 

Quả thật, việc sáng chế, đổi mới và cải biên trong tôn giáo về đức tin hay các hình thức thờ phượng đều thuộc những điều nguy hại nhất. Bởi việc sáng chế, đổi mới và cải biên mang ý nghĩa rằng có một con đường dẫn đến sự hài lòng của Allah ngoài con đường của Thiên Sứ Muhammad và Sahabah của Người. 

Các đặc điểm của Bid’ah:

 1. Sáng chế, đổi mới, và cải biên trong tôn giáo. (Còn việc sáng chế, đổi mới và cải biên trong các vấn đề của đời sống thế tục không nằm trong nội dung Bid'ah bị cấm, chẳng như việc sáng chế, đổi mới, cải biên trong các ngành công nghiệp sản xuất.) 

2. Sáng chế, đổi mới và cải biên hoàn toàn không xuất phát từ một văn bản giáo lý hay quy tắc hoặc nền tảng giáo lý nào. 

Bid'ah được chia thành hai dạng: 

1- Bid'ah trong đức tin, chẳng hạn như các nguồn tài liệu của các nhóm phái Jahmiyah, Mu'tazilah, Rafidhah, và các giáo phái lệch lạc khác. 

2- Bid'ah trong  thờ phượng, chẳng hạn như thờ phượng bằng các hình thức không được Allah quy định, gồm nhiều loại : a) Sáng chế, đổi mới và cải biên trong nền tảng của thờ phượng, được gọi là Bid'ah thực sự, chẳng hạn như sáng chế một hình thức thờ phượng mới không có cơ sở trong tôn giáo, thí dụ các lễ mừng sinh nhật. b) Bổ sung vào hình thức gốc, được gọi là Bid'ah bổ sung. Các hình thức bổ sung đó gồm các hình thức thờ phượng vượt quá mức qui định, thí dụ như thêm Rak'ah thứ năm trong lễ nguyện Salah Zhuhr; hoặc thêm vào cung cách thờ phượng không được giáo lý qui định như tụng niệm tập thể một cách đồng loạt có người dẫn đầu; hoặc ấn định thời gian thờ phượng ngoài những gì giáo luật qui định như chọn ngày giữa tháng Sha'ban để nhịn chay và lễ nguyện Salah trong đêm đó, mặc dù việc nhịn chay và lễ nguyện Salah trong đêm là điều được phép trong giáo luật nhưng việc ấn định một thời điểm nào đó để thực hiện cần phải có bằng chứng giáo lý xác thực; hoặc ấn định địa điểm để thờ phượng chẳng hạn như lấy mồ mả làm nơi để Du'a hoặc để thực hiện một hành vi thờ phượng nào đó mà Allah Tối Cao không qui định. 

Theo sở thích của bản thân

Theo sở thích của bản thân là làm trái với sự thật bằng lời nói, hành động hay niềm tin. 

Theo sở thích của bản thân là nguồn gốc của điều xấu và lệch lạc, và đó là nghiêng bản thân về những gì trái với giáo luật. 

Theo sở thích của bản thân được chia thành hai loại: 

1- Theo sở thích của bản thân về những điều Shubuhat (mang ý tổng quát cho nhiều vấn đề tương đồng), đây là loại nguy hại nhất, và việc theo sở thích của bản thân loại này dẫn con người đến những điều Bid'ah hoặc vô đức tin, và những người làm Bid'ah được gọi là những người đi theo sở thích của bản thân bởi vì họ hành động theo sở thích của họ và quay lưng lại với Qur'an và Sunnah. 

2- Theo sở thích của bản thân về Shahawat (những hưởng thụ và khoái lạc của thế tục), chẳng hạn như vượt qua những điều được phép để đến với những điều không được phép như Riba, Zina. Loại này đẩy con người vào sự hư đốn. Tuy nhiên, việc theo sở thích của bản thân về những điều Shubuhat nguy hại hơn việc theo sở thích của bản thân về Shahawat. Vì vậy, giáo luật của Islam được thiết lập chỉ nhằm mục đích đưa con người khỏi việc theo sở thích của bản thân để đến với việc theo giáo luật. 

Dhalal 

Dhalal là sự lệch khỏi con đường. Khi nói một ai đó đã Dhalal có nghĩa là muốn nói người đó đã chệch hướng, bị lạc đường. Nghĩa gốc của từ này là thất lạc một thứ gì đó; và có lời cho rằng nó còn mang nghĩa là hôn mê, tàng hình và che giấu. 

Trong Islam, Dhalal là một thuật ngữ để chỉ việc không đi thẳng trên con đường chính đạo, dù bằng lời nói, hành động hay đức tin. Dhalal được chia thành hai loại: 1- Dhalal về kiến​​thức và đức tin, chẳng hạn như Dhalal của nnhững kẻ vô đức tin, những kẻ thờ bục tượng và những người bác bỏ các thuộc tính của Allah Tối Cao. 2- Dhalal trong hành động và giáo luật, chẳng hạn như Dhalal của nhóm người tội lỗi. Nguyên nhân tiêu biểu dẫn đến Dhalal là rời bỏ Kinh Qur'an và Sunnah, ưu tiên cho tư duy và Bid’ah, theo đuổi những ý tưởng, ngu dốt và cuồng tín, v.v. 

Cõi Barzakh 

Cõi Barzakh là những gì giữa cái chết và sự sống lại từ cái chết của một người. Tại cõi Barzakh, những người vâng lời Allah, tức những người ngoan đạo sẽ được hưởng lạc, còn những kẻ vô đức tin và một số tội nhân (Muslim) mà Allah muốn trừng phạt sẽ bị trừng phạt. Các linh hồn tại cõi Barzakh có sự khác nhau. Các linh hồn ở trên cao cùng với cư dân trên cao (các Thiên Thần) là những linh hồn của các vị Nabi, và họ cũng có sự cao thấp khác nhau như Thiên Sứ đã nhìn thấy họ trong đêm Al-Isra (thăng thiên). Có những linh hồn là những chú chim màu xanh lá cây tự do bay lượn trong Thiên Đàng, đó là những linh hồn của những người chết Shahid, nhưng không phải toàn bộ mà là một số bởi lẽ có những người chết Shahid bị ngăn vào Thiên Đàng do khoản nợ của họ hoặc những nguyên nhân khác; có những linh hồn bị giữ lại tại cổng của Thiên Đàng và có những linh hồn bị giam tại mộ của họ. 

Cõi Barzakah còn được gọi là cõi mộ. 

Hawdh 

Hawdh là nơi chứa nước. Nó được gọi như thế bởi nước tích tụ và chảy vào đó. 

Trong giáo lý đức tin của Islam, Hawdh là Hồ nước tại nơi triệu tập ở cõi Đời Sau, có nguồn chảy từ sông Al-Kawthar trong Thiên Đàng. Hawdh được chuẩn bị cho Thiên Sứ Muhammad trong Ngày Phục Sinh, nơi mà toàn bộ tín đồ của Người sẽ tập trung tại đó. 

Một trong các vấn đề đức tin vào Ngày Cuối Cùng là tin vào Hawdh, phải tin chắc chắn, không nghi ngờ về sự tồn tại của Hawdh vĩ đại này, cái mà Allah dành riêng cho Nabi của chúng ta như một vinh dự đặc biệt trong Ngày Phán Xét Cuối Cùng, để những ai tin nơi Người và tuân thủ theo bộ luật của Người uống nước của Nó; bởi đây là thời khắc mà con người vô cùng cần nước. Nguồn nước của Hawdh được bắt nguồn từ con sông trong Thiên Đàng có tên là Al-Kawthar. Theo luồng quan điểm được cho là đúng nhất trong hai luồng quan điểm của giới học giả thì sự kiện uống nước từ Hawdh diễn ra trước sự kiện vượt qua cầu Sirat. Đặc điểm của Hawdh được mô tả: nước của Nó có màu trắng hơn sữa, có vị ngọt hơn mật ong, và có mùi thơm hơn xạ hương; (trên mặt nước của Nó) là những chiếc tách, bình (trôi bồng bềnh), số lượng của chúng nhiều tựa như vì sao trên trời; chiều dài và chiều rộng của Nó bằng khoảng cách một tháng đi đường; ai uống nước của Nó sẽ mãi không khát sau đó. Tất cả những người từ bỏ tôn giáo của Allah, thay đổi và cải biên trong đó những gì mà Ngài không hài lòng, hoặc phủ nhận sự tồn tại của Hawdh sẽ không được uống nước của Nó, chẳng hạn như nhóm phái Khawarij, Rafidah, Mu'tazilah và những nhóm phái tương tự thuộc các nhóm phái lầm lạc, Bid'ah. Quan điểm đúng nhất trong hai luồng quan điểm của giới học giả là mỗi vị Nabi được ban cho một cái Hawdh riêng, nhưng Hawdh của Nai Muhammad thì lớn nhất,chứa nước nhiều nhất, bằng chứng từ Hadith do ông Samurah thuật lại: "Quả thật, mỗi vị Nabi đều có Hawdh riêng và rằng họ khoe với nhau Hawdh của ai có chứa nước nhiều hơn, Ta hi vọng là Hawdh của Ta chứa nước nhiều nhất." Đây là Hadith do Tirmizdi ghi trong Sunan số (2443), Attabarani ghi trong Al-Kabir số (7/256), Al-Bukhari ghi trong At-Tarikh số (1/44), Ibnu Abi 'Asim ghi trong Sunnah số (734), tất cả đều ghi bằng đường truyền Hasan từ Samurah. Đây là Hadith mà tất cả đường truyền của nó đều là Hasan hoặc Sahih như trong bộ As-Silsalah Assahihah số (1589). 

Cầu Sirat 

Cầu Sirat là một cây cầu bắt ngang qua Hỏa Ngục. Vào Ngày Phục Sinh, mọi người sẽ phải đi qua cây cầu này để đến với Thiên Đàng. Và mỗi người sẽ đi cây cầu này nhanh chậm, qua được hay không qua được, phụ thuộc vào việc hành đạo và tuân thủ giáo luật của người đó trên thế gian. Theo đó, có người vượt qua cây cầu chỉ trong nháy mắt, có người vượt qua như một tia chớp, có người vượt qua như cơn gió, có người vượt qua như ngựa, có người đi qua như khách cưỡi lạc đà, có người vượt qua như người chạy bộ, có người đi qua như một người đi bộ, có người phải bò qua một cách rất khó khăn, và có người bị rơi xuống Hỏa Ngục, tất cả đều phụ thuộc vào việc hành đạo của họ. Cầu Sirat được mô tả là nhỏ hơn sợi tóc, sắc hơn lưỡi kiếm và nóng hơn than hồng. Một số học giả nói: Đúng hơn là cầu Sirat rất rộng, trơn trượt và ngoằn ngoèo, nó có những chiếc gai hai bên to như con đười ươi. Tuy nhiên, không ai biết rõ sự vĩ đại của cầu Sirat ngoại trừ Allah, nhưng dù sao đi nữa thì nó là cây cầu vô cùng đáng sợ. 

Cầu Sirat là một trong những điều thuộc cõi Đời Sau mà người tín đồ Muslim phải tin tuyệt đối, không được phép hoài nghi. 

Niyah

Niyah: là ý muốn, ý định, lòng quyết tâm. Đây là theo nghĩa đen của từ. 

Trong giáo luật, Niyah là lòng quyết tâm làm điều gì đó để đến gần Allah Tối Cao, hoặc ý định vâng lời và đến gần Allah Tối Cao bằng hành động.  Niyah là bằng con tim. 

Niyah mang hai ý nghĩa: Thứ nhất là phân biệt giữa các hình thức thờ phượng với nhau, chẳng hạn như phân biệt lễ nguyện Salah Zhuhr với lễ nguyện Salah 'Asr. Thứ hai là phân biệt mục đích của hành vi, có phải vì Allah duy nhất không? 

Haram, Halal, Wajib, Sunnah, Makruh 

Haram là cấm; có nghĩa là khi thực hiện sẽ mang tội và khi từ bỏ sẽ được ban thưởng. 

Halal là cho phép, không cấm; có nghĩa là vô thưởng vô phạt, làm hay bỏ tùy ý, và nó còn được gọi là Mubah. 

Wajib là bắt buộc phải thực hiện; có nghĩa là khi thực hiện sẽ được ban thưởng và khi từ bỏ sẽ mang tội. Wajib đồng nghĩa với Fardh. 

Sunnah là khuyến khích; có nghĩa là khi thực hiện sẽ được ban thưởng và khi từ bỏ sẽ không mang tội; hoặc nói nôm na: Sunnah là làm tốt hơn bỏ.Sunnah còn có tên gọi khác: Mustahab, Mandub. 

Makruh theo nghĩa đen của từ là điều không ưa thích, gây khó chịu; còn theo giáo luật là không khuyến khích làm hoặc khuyến khích từ bỏ; có nghĩa là khi thực hiện chưa đến mức mang tội nhưng khi từ bỏ sẽ được ban thưởng; hoặc nói nôm na: Makruh là bỏ tốt hơn làm.Và nó trái ngược với Sunnah.  

Du'a 

Du’a theo nghĩa của từ là mời, gọi và cũng có nghĩa là thỉnh cầu và hỏi xin. 

Theo thuật ngữ giáo luật, Du’a là sự đến gần Allah bằng việc vâng lời Ngài hoặc cầu xin Ngài với niềm khao khát phần thưởng của Ngài và sợ sự trừng phạt của Ngài. 

Du'a là một hình thức tôn thờ vĩ đại và cao quí, nó là một sự kết nối giữa người bề tôi và Thượng đế của anh ta. 

Du'a có hai dạng: 

1- Du'a Mas-alah: Là khấn vái, cầu xin điều tốt hoặc giải cứu nạn kiếp ở đời này và Đời Sau, chẳng hạn như một người nói “Lạy Allah, xin Ngài tha thứ cho bề tôi hỡi Đấng Tha Thứ!” hoặc “Lạy Allah, xin Ngài ban cho bề tôi khỏi bệnh!”, và những gì tương tự. Dạng Du’a này có thể kết hợp với việc ngửa đôi bàn tay và giơ lên hoặc chỉ ngón tay trỏ lên trong lúc Du'a. 

2- Du'a 'Ibadah: Là việc đến gần Allah bằng tất cả các hình thức thờ phượng công khai và thầm kín từ lời nói, hành động và tâm niệm. Người thực hiện Du’a chỉ được phép hướng đến một mình Allah, tuyệt đối không Du’a đến các vị Thiên Sứ, các vị Nabi, các Thiên Thần, các Wali, và những người đã khuất. Với dạng Du’a, người bề tôi chỉ được phép thực hiện đúng theo sự hướng dẫn và chỉ dạy của Thiên Sứ Muhammad và Sahabah của Người. Bất cứ ai thực hiện Du’a dưới dạng này nhưng không theo đúng với Sunnah của Thiên Sứ Muhammad và Sahabah của Người thì người đó là kẻ Dhalal và Bid’ah. 

Khi Du'a, người bề tôicần phải thành khẩn, tập trung, luôn nghĩ tốt về Allah, không vội vã, không cầu xin những điều có hại, những điều không thể xảy ra, không cầu xin điều tội lỗi hoặc đoạt tuyệt dòng tộc họ hàng. 

Du'a là việc người bề tôi khấn vái, cầu xin Thượng Đế phù hộ, giúp đỡ, che chở, vì vậy, cần phải thể hiện sự khiêm tốn, sự thấp hèn trước Ngài, loại bỏ tất cả quyền lực, vị thế trước Allah. Đó là đặc điểm của sự nô lệ và là biểu hiện của sự hạ mình trước Allah. Và Du'a còn chứa đựng ý nghĩa ca ngợi Allah, lòng quảng đại và độ lượng của Ngài, và chỉ có những kẻ tuyệt vọng hoặc tự cao mới không cầu xin và khấn vái Allah. 

Qiblah 

Qiblah: Là hướng mà một người quay mặt về đó trong suốt lễ nguyện Salah của mình. Qiblah của người Muslim là ngôi đền Ka'bah thiêng liêng trong Masjid Al-Haram tại Makkah thuộc quốc gia Ả Rập Xê-út. Trước khi Thiên Sứ di cư đến Madinah thì Qiblah của người Muslim là Masjid Al-Aqsa thiêng liêng ở Palestine, đây được xem là Qiblah đầu tiên của những người Muslim. 

Qiblah có thể là đền Ka'bah khi nhìn thấy nó ngay trước mặt lúc ở gần hoặc là hướng của nó khi ở xa. 

Shahadah 

Shahadah là chứng ngôn đức tin; đó là Ash ha du al laa i laa ha il lol loh, wa ash ha du anh na Mu ham ma dar ro su lul loh (Tôi chứng nhận rằng không có Thượng Đế đích thực nào khác ngoài Allah, và tôi chứng nhận Muhammad là người bề tôi và Thiên Sứ của Ngài). 

Shahadah là trụ cột thứ nhất trong năm trụ cột của Islam. Nó là cánh cửa để một người bước vào ngôi nhà của Islam. 

Shahadah gồm hai nội dung: 

1- Nội dung thứ nhất là thừa nhận Allah là Đấng Thờ Phượng duy nhất, thành tâm thờ phượng một mình Allah, đồng thời phủ nhận tất cả mọi thứ được thờ phượng ngoài Ngài. 

2- Nội dung thứ hai là thừa nhận Muhammad là Thiên Sứ của Allah và là người bề tôi của Ngài, tuân theo điều Người ra lệnh, tin những gì Người thông tin cho biết, tránh xa những gì Người cấm, không thờ phượng Allah ngoại trừ theo sự hướng dẫn và chỉ dạy của Người; đồng thời phải biết và khẳng định rằng Muhammad là Thiên sứ của Allah được cử phái đến cho toàn thể nhân loại. 

Năm lễ nguyện Salah 

Năm lễ nguyện Salah: Là các lễ nguyện Salah mà Allah bắt buộc đám bầy tôi của Ngài phải thực hiện năm lần một ngày, gồm: Zhuhr, 'Asr, Maghrib, 'Isha' và Fajr. Đây là trụ cột thứ hai của Islam sau Shahadah. Ban đầu Allah qui định năm mươi lễ nguyện Salah trong ngày đêm, nhưng sau đó Ngài giảm nhẹ cho đám bầy tôi của Ngài còn năm lễ nguyện Salah như ngày nay. Mặc dù chỉ là năm lễ nguyện Salah, nhưng khi thực hiện sẽ được ân phước của năm mươi lễ nguyện Salah. 

Siyam 

Theo nghĩa đen của từ, Siyam là kiềm hãm, kiềm chế,kiêng, cử và từ bỏ, nó bao gồm việc kiêng ăn, kiêng uống, và kiêng nói. Siyam còn có một biến thể khác, đó là Sawm.

 Trong giáo luật, Siyam (Sawm) là thuật ngữ chỉ sự nhịn ăn, nhịn uống, nhịn quan hệ tình dục (bao gồm cả hành vi thủ dâm) từ lúc rạng đông cho đến khi mặt trời lặn.Một số người Muslim thường dùng từ “nhịn chay” để phiên dịch cho thuật ngữ này. 

Siyam (Sawm)là một hình thức thờ phượng vĩ đại, trong đó, Siyam nguyên tháng Ramadan là một trong năm trụ cột của Islam. 

Zakah 

Zakah là một hình thức thờ phượng, là một trong năm trụ cột của Islam. Đó là hình thức một người dư dả phải có nghĩa vụ trích một phần tài sản của mình đưa cho người nghèo và khó khăn. 

Việc thực hiện nghĩa vụ Zakah này chỉ áp đặt trên một vài tài sản cụ thể, như loại không cất giấu được, gồm: thú nuôi, quả hạt, đồ đạc kinh doanh; hoặc loại cất giấu được, gồm: vàng, bạc và tiền. Không bắt buộc Zakah đối với bất cứ tài sản nào khác ngoài những thứ đó, như xe cộ và quần áo. 

Việc thực hiện nghĩa vụ này trên hình thức cụ thể theo qui định, phải có Niyah rằng những gì xuất ra là Zakah bắt buộc, và nó chỉ dành cho các nhóm đối tượng nhất định, họ gồm tám nhóm như đã được đề cập cụ thể trong câu 60 chương 9 - At-Tawbah: người nghèo, người thiếu thốn, người thu gom và quản lý tài sản Zakah, người có trái tim thiện cảm (với Islam), nô lệ (bao gồm tù binh), người mắc nợ, dành phục vụ cho con đường chính nghĩa của Allah, và cho người lỡ đường. Trong nghĩa vụ này có điều kiện và qui định rõ ràng. 

Sadaqah

Sadaqah: Là những gì mà một người trao tặng cho người nghèo với hy vọng nhận được phần thưởng nơi Allah, không vì danh tiếng hoặc bất cứ lợi ích nào của thế gian. Việc trao tặng mang ý nghĩa quí mến và yêu thương nhau. Saqadah là tự nguyện còn Zakah là nghĩa vụ bắt buộc. Đôi khi Zakah được gọi là Sadaqah bởi vì người làm Zakah đang thể hiện sự thật lòng trong hành động; và Sadaqah là bằng chứng cho đức tin trung thực. 

Hajj 

Hajj là hình thức thờ phượng Allah bằng cách đi viếng Masjid Al-Haram tại Makkah thông qua các nghi thức nhất định trong một thời điểm nhất định. 

Hajj là trụ cột thứ năm trong năm trụ cột của Islam, tuy nhiên, nó chỉ bắt buộc người tín đồ thực hiện một lần trong đời và đối với ai có điều kiện và phương tiện thực hiện nó. 

'Umrah

'Umrahlà hình thức thờ phượng Allah bằng cách đi viếng Masjid Al-Haram tại Makkah thông qua các nghi thức nhất định không giới hạn thời gian. 'Umrah cũng chỉ bắt buộc một lần trong đời. Và nó còn được gọi là tiểu Hajj. 

Fatwa 

Fatwa là một dạng Ijtihad trong việc làm rõ các phán quyết giáo luật, trong đó cho biết về một phán quyết giáo luật của một vấn đề cụ thể, và trả lời thắc mắc về những vấn đề giáo luật trên một phương diện không ràng buộc phải theo. 

Fatwa có thể được viết thành văn bản, hoặc một gợi ý hoặc một hành động, bao gồm các vấn đề niềm tin, hình thức thờ phượng, giao dịch xã hội, các hình phạt, hôn nhân và các giáo luật khác trong bộ luật Shari'ah. Tuyệt đối không được phép Fatwa ngoại trừ đó là người hiểu biết và thông hiểu kiến thức Islam, bởi đây là thông báo về phán quyết trong tôn giáo của Allah; và đây là một chức vụ nguy hiểm, việc tham gia vào nó một cách không có kiến thức bị coi là hành vi Shirk với Allah trong Kinh Sách của Ngài. 

'Awrah 

‘Awrah: Là những gì mà người ta xấu hổ khi nó lộ ra ngoài, chẳng hạn như phần kín và những thứ tương tự. Khi nói: 'Awrah của anh ta đã lộ ra, nghĩa là phần xấu hổ của anh ta đã lộ ra ngoài. Gốc của từ này đến từ 'Awar có nghĩa là mắt không nên nhìn thấy. 

Trong giáo luật, ‘Awrah là một thuật ngữ được dùng để chỉ tất cả các bộ phận của cơ thể được yêu cầu phải che kín. 

‘Awrah của nam giới là từ rốn đến đầu gối và‘Awrah của nữ giới làtoàn bộ cơ thể trừ gương mặt và hai bàn tay. 

Wudu' 

Trong giáo luật Islam, Wudu'là một thuật ngữ chỉ việc dùng nước tẩy rửa các bộ phận nhất định của cơ thể theo một hình thức đặc trưng với định tâm thờ phượng.Đó là dùng nước sạch để tẩy rửa mặt, hai khuỷu tay, hai bàn chân và lau vuốt đầu theo sự hướng dẫn của Thiên Sứ Muhammad. 

Wudu’ là điều kiện bắt buộc của lễ nguyện Salah và Tawaf (đi vòng quanh) ngôi đền Ka’bah (một trong các nghi thức của Hajj và ‘Umrah). 

Tắm Junub 

Tắm Junub là hình thứctắm bắt buộcsau khi đã quan hệ tình dục hoặc xuất tinh bằng bất cứ hình thức nào, hoặc sau chu kỳ kinh nguyệt và máu hậu sản. Nó còn được gọi là tắm Janabah. 

Tayammum 

Tayammum là hình thức thay thế Wudu’ và tắm Junub trong tình huống không có nước hoặc hiếm nước hoặc không thể sử dụng do một lý do nào đó. 

Cách thức Tayammum là vỗ hai bàn tay lên đất khô và sạch, rồi phủi phần bụi dính, sau đó dùng bàn tay phải lau mặt, rồi dùng bàn tay trái lau mu bàn tay phải và ngược lại. 

Taharah 

Taharah: Là sự thanh tẩy và làm sạch các chất bẩn và ô uế.Đây là nghe đen của từ. 

Trong giáo luật, Taharah là thuật ngữ chỉ việcthanh tẩy những gì cản trở lễ nguyện Salah. 

Taharah có hai dạng: 

1. Taharah Hadath, và nó được chia thành hai loại: đại Taharah và tiểu Taharah. Đại Taharah là tắmJunub (hoặc tắm Janabah) còn tiểu Taharah là Wudu'. 

2. Taharah Khabath, là việc làm sạch những thứ Najis (giáo luật xem là bẩn và ô uế) dính trên người, quần áo hoặc nơi ở, chẳng hạn như nước tiểu, phân, và những thứ tương tự. 

Tuma'ninah trong lễ nguyện Salah 

Tuma'ninah: Là tĩnh lặng, bình tĩnh, từ tốn, và nhẹ nhàng, khi nói: Trái tim có Tuma'ninah có nghĩa là tâm tịnh và không lo lắng. Trái nghĩa với từ này là hỗn loạn và lo lắng. Đây là nghe đen của từ. 

Trong giáo luật, Tuma’ninah là thuật ngữ chỉ việc giữ yên các bộ phận cơ thể và ổn định chúng cho đến khi mỗi cái vào đúng vị trí của chúng trong tất cả các động tác trụ cột của lễ nguyện Salah trong một thời gian nhất định. 

Người thực hiện lễ nguyện Salah được yêu cầu phải có Tuma’ninah tức mỗi động tác trong lễ nguyện Salah phải được thực hiện nghiêm túc và chỉn chu, ngồi phải ổn định kiểu ngồi, đứng phải ổn định kiểu đứng, cúi mình phải ổn định kiểu cúi mình, .. và đó là Tuma’ninah trong lễ nguyện Salah. 

Khushu’ 

Theo nghĩa đen của từ, Khushu’ là sự hạ mình, phục tùng và khiêm tốn và sợ. Còn trong giáo luật, Khushu’ là một thuật ngữ chỉ sự kính cẩn trong lễ nguyện Salah từ thể xác, tâm trí và con tim. 

Một người có Khushu’ trong lễ nguyện Salah là người đó tỏ rõ kính trọng bằng sự lễ độ và nghiêm trang trong lễ nguyện Salah của mình, tâm trí của anh ta không nghĩ đến những gì khác ngoài Allah và trái tim của anh ta chân thành và hoàn toàn hướng về Ngài. 

Ruku'a 

Ruku'alà hình thức cúi gập người sao cho phần lưng và chân tạo thành một góc vuông, chống hai bàn tay lên đầu gối. Đây là một trong các nghi thức trụ cột mà người Muslim thực hiện trong các lễ nguyện Salah. 

Sujud 

Sujud là hình thức quỳ lạy đặt trọng lượng cơ thể trên bảy bộ phận: trán cùng với mũi, hai bàn tay, hai đầu gối và các ngón chân. Đây là một nghi thức trụ cột mà người Muslim thực hiện trong các lễ nguyện Salah của mình. Và nó được xem là một tư thế thờ phượng tốt đẹp, thiêng liêng và vinh dự nhất của người bề tôi đối với Allah, Đấng Tối Cao và Vĩ Đại. 

Trong giáo lý Islam, khoảnh khắc mà người bề tôi có khoảng cách gần Allah nhất chính là lúc anh ta trong tứ thế Sujud, và Thiên Sứ Muhammad khuyên các tín đồ của Người nền nhiều Du’a trong Sujud. 

Rak’ah 

Rak’ah là thuật ngữ chỉ một đơn vị của lễ nguyện Salah. Một Rak’ah được tính từ lúc đứng đọc chương Al-Fatihah cho đến khi Sujud lần thứ hai. 

Masjid 

Theo nghĩa đen, Masjidlàđiểm Sujud trên mặt đất. 

Trong giáo luật, Masjid là một thuật ngữ để gọi nơi được chỉ định vĩnh viễn và thường xuyên cho lễ nguyện Salah, tụng niệm, cầu nguyện, trao đổi kiến thức tôn giáo, nghiên cứu tình trạng của cộng đồng Islam, Azdan (kêu gọi) đến hành lễ Salah. 

Trong tiếng Việt, người ta thường gọi Masjid là thánh đường Hồi giáo hoặc nhà thờ Hồi giáo. Có lẽ cách gọi này được dịch từ tiếng “Mosque” trong Anh ngữ. 

Các Masjid là nơi tốt nhất trên trái đất, chúng có vị trí đặt biệt ở nơi Allah Tối Cao. Có những Masjid được Allah ban hồng phúc và qui định cho chúng thành những nơi thiêng liêng hơn các Masjid khác, chúng gồm ba Masjid: Masjid Al-Haram ở Makkah, Masjid An-Nabawi ở Madinah và Masjid Al-Aqsa ở Palestine. 

Istighfaar 

Istighfaarlà nói ‘As-tagh-fi-rullah’ có nghĩa là ‘bề tôi cầu xin Allah tha thứ!’ hoặc ‘Rab-bigh-fir-li’ có nghĩa là ‘lạy Thượng Đế, xin Ngài tha thứ cho bề tôi!’. 

Istighfaarlà một trong các hình thức thờ phượng của Islam. Một người được yêu cầu Istighfaar trong mọi thời gian, không phân biệt người đó có tội hay không có tội. Thiên Sứ của Allah kêu gọi các tín đồ của Người nên nhiều Istighfaar mỗi ngày và Người cho biết chính Người làm điều đó mỗi ngày từ 70 đến 100 lần. 

Tawbah 

Tawbah là quay về Allah bằng việc từ bỏ tội lỗi, hối hận cho hành động đã phạm, quyết tâm không quay lại với tội lỗi, và cố gắng chuộc lại lỗi lầm bằng những hành động ngoan đạo và thiện tốt. 

Các điều kiện của Tawbah: 

1-Thành tâm vì sắc diện của Allah Tối Cao, không vì mục đích trần gian hoặc vì lời khen của thiên hạ. 

2- Từ bỏ tội lỗi. 

3- Hối hận cho hành động đã làm cùng với lòng quyết tâm không tái phạm trong tương lai. 

4- Tawbah phải được diễn ra trước khi mặt trời mọc ở hướng tây và trước khi linh hồn lên đến cổ họng.5- Đối với tội lỗi liên quan đến quyền lợi của con người thì bắt buộc phải trả lại quyền lợi cho họ. 

Thiên Sứ của Allah nói rằng tất cả con cháu Adam tức con người đều có phạm lỗi, nhưng người tốt nhất trong số những người phạm lỗi là những người Tawbah. 

Tasbih

Tasbih là sự tán dương và ca ngợi Allah mang ý nghĩa tôn cao Ngài, thanh trừ khỏi Ngài mọi khuyết điểm và khẳng định mọi sự hoàn hảo dành cho Ngài. 

Tasbih là một trong các bằng chứng của niềm tin vào Allah Tối Cao và là một trong các nền tảng của Tawhid. Nó biểu hiện giáo lý đức tin Islam tốt đẹp. Tasbih giữ cho trái tim và tư tưởng của người bề tôi tránh nghĩ rằng Allah có khuyết điểm hoặc quy kết điều xấu cho Ngài. Điều này khẳng định các thuộc tính hoàn hảo và tối cao của Ngài. 

Một trong các tên gọi của Allah là As-Sabbuh hoặc As-Subbuh, nghĩa là Đấng mà tất cả những ai ở trên trời và dưới đất đều tôn cao và thanh trừ khỏi Ngài mọi khiếm khuyết và thiếu sót. 

Tasbihcó thể bằng lời qua câu nói "Sub-ha-nallah" và các lợi tụng niệm tương tự khác; có thể bằng thể xác qua các hình thức thờ phượng một mình Allah và chối bỏ tất cả những gì được thờ phượng ngoài Ngài; và cũng có thể bằng con tim với niềm tin kiên định rằng Allah không có khuyết điểm, thiếu sót, và mọi thuộc tính, tên gọi và bản chất của Ngài đều hoàn hảo tuyệt đối. 

Có năm loại Tasbih:  

1- Tasbih của Allah cho chính bản thân thiêng liêng của Ngài. 

2- Tasbih của giới Thiên Thần. 

3- Tasbih của các vị Nabi, các vị Thiên Sứ và những người theo Họ trong con đường phục tùng Allah. 

4- Tasbih của vạn vật. 

5- Tasbih của cư dân nơi Thiên Đàng. 

Zdikr 

Theo nghĩa đen của từ, Zdikr có nghĩa là nhớ, nhắc nhở, kỷ niệm. Trong giáo luật, Zdikrlà một thuật ngữ bao hàm các ý nghĩa: lễ nguyện Salah, đọc Qur’an, tụng niệm, Salawat cho Nabi. Tuy nhiên, nó được dùng để chỉ sự tụng niệm là phổ biến nhất. 

Zdikr mang nghĩa tụng niệm là nói những lời mà giáo lý khuyến khích nói thường xuyên, chẳng hạn như Subhanallah, Alhamdulillah, la-ila-ha-illallah, Allahu-akbar... 

Zdikr mang nghĩa tụng niệm là hình thức thờ phượng không giới hạn không gian và thời gian như Allah đã phán: 

{Họ là những người (thường xuyên) tụng niệm Allah lúc đứng, lúc ngồi và ngay cả lúc nằm nghiêng một bên.} (Chương 3 – Ali ‘Imran, câu 191)  

Salawat cho Nabi Muhammad 

Allah, Đấng Tối Cáo phán: 

{Quả thật, Allah và các Thiên Thần của Ngài đều Salawat cho Nabi (Muhammad). Hỡi những người có đức tin, các ngươi hãy Salawat cho Y thật nhiều.} (Chương 33 – Al-Ahzab, câu 56) 

Salawat của Allah cho Nabi Muhammad có nghĩa là Ngài sẽ ban phúc lành và sự thương xót của Ngài cho Người. Bằng chứng cho điều này là lời phán của Allah: 

{Đó là những người sẽ được phúc lành và sự thương xót từ Thượng Đế của họ và đó là những người được hướng dẫn đúng đường.} (Chương 2 – Al-Baqarah, câu 157) 

Salawat của các Thiên Thần cho Nabi Muhammad có nghĩa là các Thiên Thần cầu xin Allah ban phúc lành và thương xót Người. 

Salawat của những người có đức tin cho Nabi Muhammad có nghĩa là họ cầu xin Allah ban phúc lành và bằng an cho Người. Người Muslim nên thường xuyên Salawat cho Thiên Sứ Muhammad bởi đâylà một dạng của Zdikr mang lại ân phước to lớn. Thiên Sứ của Allah đã cho biết, Người nói: 

“Ai Salawat cho ta một lần, Allah Salawat cho người đó mười lần.” (Muslim). 

Hình thức người Muslim Salawat cho Nabi là nói ‘Sallallahu alayhi wasallam’ hoặc nói ‘Allahumma salli ala Muhammad’ hoặc nói thêm nữa giống phần Salawat cho Nabi trong lễ nguyện Salah lúc Tashahhud. 

Hijrah 

Hijrah là di cư từ vùng đất vô đức tin và tín ngưỡng đa thần đến vùng đất Islam để bảo tồn tôn giáo. 

Vùng đất vô đức tin và tín ngưỡng đa thần là nơi mà các nghi lễ của tín ngưỡng đa thần hoặc các nghi lễ của những người vô đức tin được thực hành còn các nghi lễ của Islam hầu như không được thực hành. Vùng đất Islam là vùng đất mà các biểu hiệu, các nghi lễ của Islam được thực hiện rộng rãi và có nhà nước quản lý và điều hành phần lớn theo giáo luật Islam. 

Hijrah là một hành động cao cả và vĩ đại, vì nó là một trong những vấn đề thể hiện sự yêu và ghét liên quan đến việc bảo tồn và giữ gìn tôn giáo cũng như việc tách khỏi những những người theo tín ngưỡng đa thần. 

Hijrah được chia thành hai dạng: 1- Hijrah bằng thể xác từ một nơi đến một nơi như rời bỏ vùng đất vô đức tin đến với vùng đất Islam, rời bỏ vùng đất Bid'ah đến với vùng đất Sunnah, rời bỏ vùng đất mà những điều Haram lan tràn và phổ biến đến với vùng đất khác, v.v. 2- Hijrah bằng con tim hướng về Allah và Thiên Sứ của Ngài, đó là thay đổi tình yêu của con tim đối với những gì ngoài Allah để đến với tình yêu dành cho Allah; từ bỏ việc thờ phượng ngoài Allah để đến với sự thờ phượng Ngài, từ bỏ việc sợ, hy vọng, phó thác cho ai (vật gì) ngoài Ngài để đến với việc chỉ sợ một mình Ngài, hi vọng nơi Ngài và phó thác cho Ngài, v.v. 

Các Thiên Sứ thuộc nhóm Ulu Al-Azm 

Ulu Al-Azm là nhóm Thiên Sứ gồm: Nuh (Nô-ê), Ibrahim (Abraham), Musa (Môi-sê), Ysa (Giê-su) và Muhammad. 

Năm vị Thiên Sứ này được gọi là Ulu Al-Azm là bởi vì Họ đã kiên nhẫn chịu đựng trước mọi gây hại từ phía người dân của mình, kiên nhẫn chịu đựng mọi gian khó, cực nhọcnhiều hơn các vị khác. 

Ý nghĩa của Al-Azm mà Allah dùng để tuyên dương và đề cao Họ, đó là sự vững chắc, kiên nhẫn và sức mạnh. Ý nghĩa của kiên nhẫn là kiên nhẫn trong việc gánh vác sứ mệnh, chịu đựng sự khó khắn của nó, kiên nhẫn chịu đựng trước mọi gây hại nhằm vào Họ cùng với tinh thần vững chắc, nhiệt huyết và mạnh mẽ trên con đường truyền đạt thông điệp của Allah. 

Những điểm nổi bật thể hiện rõ nhất Ulu Al-Azm: 

1. Điểm nổi bật nhất của Thiên Sứ Nuh: Ngườilà vị Thiên Sứ đầu tiên được Allah cử phái, là người cha thứ hai của loài người, tất cả các vị Thiên Sứ đến sau Người đều thuộc dòng dõi con cháu của Người. 

2. Điểm nổi bật nhất của Thiên Sứ Ibrahim: Ngườilà Khaleel của Allah, Người được Allah ân điển ban cho rất nhiều điều như việc Ngài đã chọn trong con cháu của Người kế nhiệm sứ mạng Nabi và thừa hưởng Kinh Sách, Ngài để trái tim nhân loại yêu thương Người, và họ luôn ca ngợi Người trên chiếc lưỡi của họ. 

3. Điểm nổi bật nhất của Thiên Sứ Musa: Người được nói chuyện trực tiếp với Allah, là vị Thiên Sứ vĩ đại nhất trong dân Israel, bộ luật của Người và Tawrah (Kinh Cựu Ước) là nguồn tham chiếu cho toàn bộ Nabi và học giả của dân Israel, và tín đồ đi theo Người rất đông chỉ ít hơn cộng đồng của Thiên Sứ Muhammad. 

4. Điểm nổi bật nhất của Thiên SứYsa:Người được Allah ban cho nhiều phép mầu khẳng định sứ mạng của Người rằng Người là Thiên Sứ đích thực của Allah, Ngài ban cho Người khả năng chữa khỏi các chứng bệnh và khả năng hồi sinh người đã chết theo sự cho phép của Allah, Người nói chuyện với mọi người lúc còn nằm nôi và Người được hỗ trợ bởi Thiên thần Jibril. 

5. Điểm nổi bất nhất của Thiên SứMuhammad:Người nổi trội nhất và tốt nhất trong toàn bộ các vị Thiên Sứ, là vị Nabi cuối cùng, là người dẫn đầu về sự ngoan đạo, là lãnh đạo của con cháu Adam (loài người), là chủ nhân của vị trí đáng ca ngợi trước tất cả vạn vật trong Ngày Tận Thế (Maqam Mahmoud), là người được quyền cầu xin ân xá trước Allah.  Kinh Sách của Người là tốt nhất, giáo luật của Người là nổi trội nhất trong các tôn giáo của Allah và Allahlàm cho cộng đồng của Người là cộng đồng tốt nhất trong việc hướng dẫn loài người. 

Khulafa’ Rashidin 

Khulafa’ Rashidin là bốn vị Khalif đầu tiên của Islam, lần lượt thay thế nhau trông coi vụ việc của những người Muslim sau khi Thiên sứ của Allah, Muhammad qua đời. Họ gồm: Abu Bakar Assiddiq, 'Umar bin Al-Khattab, 'Uthman bin 'Affan và 'Ali bin Abi Talib. 

Đây là bốn vị mà Thiên Sứ của Allah di huấn phải noi gương họ, vâng lời họ và nghe theo sự hướng dẫn và chỉ dạy của họ. Phái Sunnah và Jama'ah công nhận hồng phúc và sự tốt đẹp của họ vượt trội lẫn nhau dựa theo thứ tự làm Khalif của họ. 

Ulama’ 

Ulama’ là danh từ số nhiều của A-lim có nghĩa là người hiểu biết và có kiến thức. Tuy nhiên, khi nói về các vấn đề tôn giáo, A-lim được đề cập đến là muốn ám chỉ người am hiểu và thông thái về kiến thức Islam. Vì vậy, Ulama’ khi được đề cập thì nó thường muốn ám chỉ các học giả Islam.   

Wali 

Wali là biến thể của từ "Wilayah" có nghĩa là gần gũi và thân thiết. Nghĩa gốc của Wilayah là yêu thương và gần gũi. Wali của Allah là người được Allah yêu thương và che chở thông qua những gì Ngài hài lòng. Số nhiều của Wali là Awliya'. 

Theo giáo luật, Wali là thuật ngữ chỉ bất cứ ai có được hai thứ: Iman và Taqwa, đó là dốc lòng phấn đấu để được gần gũi Allah Tối Cao bằng các nghĩa vụ bắt buộc và những điều tự nguyện thông qua kiến thức được dạy từ nơi Allah. Theo đó, ai thuần khiết trong Iman và chuẩn mực trong hành động thì người đó là Wali của Allah Tối Cao, và tuỳ theo Iman và Taqwa mà mỗi người đạt được vị trí Wali ở nơi Allah. Tương tự, Wali là người được Allah giám sát vụ việc của họ bằng cách phù hộ họ bởi việc ngoan đạo của họ, bởi Allah luôn yêu thương và bảo về những người ngoan đạo, những người có đức tin. 

Awliya' (hay các Wali) của Allah được chia thành hai nhóm:1- Sabiqun Muqarrabun. 2- Ashab Yamin Muqtasidun. Nhóm Sabiqun Muqarrabun là những người đến gần Allah bằng các việc hành đạo tự nguyện sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ bắt buộc, họ duy trì tốt các điều bắt buộc và làm thêm các điều khuyến khích, từ bỏ những điều Haram và cả những điều Makruh. Nhóm Ashab Yamin là những người chỉ cố gắng hoàn thành tốt các nghĩa vụ bắt buộc, tránh xa những điều cấm, không ép mình làm những điều khuyến khích cũng như không cố tìm kiếm ân phước thông qua những điều vô thưởng vô phạt. 

Cấp bậc Wali sẽ khác nhau tùy theo Iman và Taqwa của mỗi người, theo đó, mỗi người có đức tin đều là Wali của Allah, được Ngài yêu thương và được gần gũi Ngài. Tuy nhiên, phần phước đó có sự khác nhau tuỳ theo hành vi ngoan đạo của thể xác và con tim. Người bất công với chính mình - người có đức tin làm tội lỗi – chỉ được phần phước Wali tương ứng với đức tin và việc hành thiện của y. 

Các Wali của Allah không phải là những người Ma'sum (được bảo vệ khỏi sai lầm trong tôn giáo), không phải là những người biết điều Ghaib, cũng không có quyền năng trong việc chi phối vạn vật và bổng lộc; họ không kêu gọi mọi người tôn vinh họ hoặc giao nộp cho họ tiền bạc hay quà cáp. Bất cứ ai có hành vi trục lợi như thế thì không phải là Wali của Allah, đúng hơn, y là tên lừa gạt, là đồng bọn của Shaytan. 

Một trong những điều lệch lạc thường gặp liên quan đến vấn đề Wali:

 1- Cường điệu hoá về các Wali của Allah trong số các vịNabi, các vị Thiên Sứ và những người ngoan đạo, chẳng hạn như gán ghép một thuộc tính nào đó của Allah cho các vị Nabi, tôn vinh những người ngoan đạo một cách thái quá, xây mộ cho họ và tuyên bố họ là những người Ma'sum (không sai lầm trong tôn giáo), v.v. 

2- Quan niệm của nhiều người cho rằng một người  không trở thành Wali cho đến khi nào người đó có thể mang đến một điều gì đó phi thường. 

3- Lợi dụng danh xưng Wali để tự do làm điều Haram và chối bỏ các nghĩa vụ, và quan niệm rằng những người Wali đã đạt đến cấp độ miễn trừ trách nhiệm. Đây là quan niệm lệch lạc, bởi dù là Wali thì cũng không được phép vi phạm điều Haram và từ bỏ các nghĩa vụ. 

4 - Một số người quan niệm rằng Wali chỉ giới hạn ở một số người nhất định. Sự thật Wali là tên gọi dành chung cho toàn thể những ai có đức tin, có lòng Taqwa, chứ không dành riêng cho bất cứ ai, dù ở đâu và thời đại nào. 

5- Một số người sử dụng thuật ngữ Ashabullah (bạn đồng hành của Allah) hoặc Na-sullah (dân chúng của Allah) để chỉ các Wali, song không có bằng chứng giáo lý nào cho tính đúng đắn của các tên gọi này. Giáo phái Sufi có nhiều quan niệm khác nhau về Wali, có nhóm tôn cao Wali hơn cả Nabi, có nhóm nâng Wali ngang tầm với Allah về mọi mặt, Wali là đấng tạo hoá, ban phát, cứu sống, giết chết, chi phối vũ trụ. Họ phân loại Wali thành nhiều dạng: cứu thế, đáp lại thỉnh cầu, hoán chuyển, thông thái. Họ cho rằng hằng đêm, tất cả Wali đều tập trung tại hang Hira để xem xét sự tiền định. Mặc dù một số khác trong giáo phái Sufi không có những quan niệm như thế này nhưng họ vẫn coi các Wali như những người trung gian giữa họ và Thượng Đế, cho dù các Wali của họ còn sống hay đã chết. Phái Sunnah không xem bất kỳ ai là Ma'sum (được bảo vệ khỏi sai lầm trong tôn giáo) ngoại trừ các vị Nabi, các vị Thiên Sứ, trong khi giáo phái Sufi coi Ma'sum là điều kiện cho người Wali, và một số người trong số họ phủ nhận hoàn toàn tên gọi Wali đối với những người làm điều sai trái hoặc phạm tội. 

Nói tóm lại, những người có Iman và Taqwa, luôn tuân lệnh Allah trong mọi vụ việc của mình, tuân thủ các mệnh lệnh của Ngài và tránh các điều cấm của Ngài; sợ sự trừng phạt của Allah và cơn thịnh nộ của Ngài, và mong sự hài lòng và Thiên Đàng của Ngài, là những Wali của Allah.   

Kufr 

Kufr trái nghĩa với Iman, có nghĩa là vô đức tin, phản đối, phủ nhận và vô ơn. 

Trong giáo luật, Kufr là một thuật ngữ chỉ sự làm trái với Islam bằng lời nói, hành động, niềm tin, nghi ngờ hoặc chối bỏ khiến một người rời khỏi Islam tức trở thành kẻ ngoại đạo không còn là tín đồ Muslim. 

Kufr này được chia thành hai dạng: 

Thứ nhất: Đại Kufr, là tất cả lời nói, hành động, niềm tin khiến một người rời khỏi Islam. Đại Kurf được chia thành các loại: 1- Kufr bằng sự chống đối và phủ nhận, có thể bằng con tim, lời nói hoặc hành vi của thể xác, như che giấu sự thật, không làm theo kiến thức đã biết, chẳng hạn như Kufr của người Do Thái với Muhammad. 2- Kufr do sự cao ngạo, là từ bỏ sự thật bằng cách không làm theo, được thể hiện bằng lời nói, hành động và niềm tin, chẳng hạn như Kufr của Iblis. 3- Kufr bởi sự giả tạo đức tin,là trong lòng không có đức tin nhưng bên ngoài thể hiện bằng những hành động của đức tin. 4- Kufr do sự hoài nghi và ngờ vực,là sự lưỡng lự trong việc đi theo sự thật hoặc lưỡng lữ trong việc khẳng định sự thật bởi lẽ cái được yêu cầu là phải tin chắc chắn vào những gì Thiên Sứ Muhammad mang đến là chân lý, không được phép nghi ngờ. 

Thứ hai: Tiểu Kufr,là những tội lỗi, những việc làm sai trái mà giáo luật gọi là Kufr, tuy nhiên, nó không khiến một người rời khỏi Islam và cũng không đưa người đó tới ngưỡng của đại Kufr. Các hành vi được xem là tiểu Kufr như vô ơn, giết đồng đạo Muslim, thề thốt với ai (vật) khác ngoài Allah, Niyahah (khóc than, gào thét, xé quần áo để thể hiện sự thương tiếc) đối với người chết. 

Người ngoại đạo và những người vi phạm điều Kufr được gọi là Kafir, số nhiều của Kafir là Kuffar. 

Sihr 

Sihr là thuật ngữ chỉ phép thuật, nút thắt, niệm chú mà thầy bùa sử dụng để gây hại đến cơ thể, tâm trí và tinh thần của một người thông qua sự hỗ trợ của Shaytan. 

Sihr thường được dùng để gây ra bệnh tật, chết chóc và chia cắt vợ chồng. Tác động của Sihr là thật nhưng không nằm ngoài sự cho phép của Allah. 

Sihr là Haram, thuộc hành vi Shirk và Kufr. 

Sihr có nhiều dạng: bùa ghét, bùa yêu, gây ảo giác, lường gạt, v.v. 

Sự thật của Sihr là dùng các tên Jinn Shaytan và nhờ sự hỗ trợ của chúng để gây hại hoặc với mục đích nào đó. Vàđương nhiên những kẻ dùng Sihr không thể đạt được khả năng Sihr của mình cho đến khi họ thờ phượng chúng với các loại hình thức thờ phượng. 

Mala-ikah 

Mala-ikah là danh từ số nhiều của Malak có nghĩa là Thiên Thần. Vì vậy, Mala-ikah có nghĩa là các Thiên Thần. 

Mala-ikah hay các Thiên Thần là những tạo vật vĩ đại của Allah. Họ được tạo ra từ ánh sáng, họ có trí tuệ, họ không có giới tính và không có dục vọng. Họ được Allah ban cho những năng lực siêu thường và họ có những chiếccánh; có vị hai cánh, ba cánh, bốn cánh và nhiều hơn, vị có cánh nhiều nhất là Jibril, ngài có đến 600 chiếc cánh. Họ được tạo ra là để phụctùng mệnh lệnh của Allah và họ không hề làm trái lệnh Ngài.Mỗi vị trong Mala-ikah được giao các công việc nhất định,chẳng hạn như Jibril được giao nhiệm vụ mang thông điệp của Allah truyền xuống cho các vị Nabi, các vị Thiên Sứ, Israfil được giao cho công việc cầm chiếc sừng và chờ lệnh thổi còi cho giờ tận thế và phục sinh, Mika-il được giao cho nhiệm vụ trông coi mưa và cây cối, ... 

Jinn 

Jinn là một loài tạo vật có trí tuệ, ý chí tự do, chịu trách nhiệm thực hành, hoàn toàn khác với bản chất của con người, ẩn khuất khỏi các giác quan của con người. Hình dạng thật của Jinn không được nhìn thấy và không được biết. Jinn có sức mạnh đặc biệt, có năng lực biến hoá thành nhiều hình dạng như biến thành hình dạng con người và động vật... Jinn ăn uống, sinh hoạt, cưới hỏi, sinh sản và nguồn gốc tạo hoá của chúng là từ lửa; và tổ tiên của Jinn là Jan. 

Jinn có nhiều loại, có loại là Shaytan, là những tên Jinn vô đức tin, có loại là Maradah, 'Ifrit, và có loại là Qarin (đồng hành cùng) con người. 

Shaytan  

Shaytan là tên gọi cho những tên Jinn bị trục xuất khỏi lòng thương xót của Allah. Thủ lĩnh của chúng là Iblis. 

Shaytan cũng được gọi cho con người khi ai đó có những hành động giống như nó. 

Cầu xin Allah che chở chúng ta tránh khỏi những điều xấu của Shaytan cũng như những hành động của nó. 

Đến đây, chúng ta đã kết thúc phần tìm hiểu các thuật ngữ trong Islam. Và dĩ nhiên, đây là chỉ là một số thuật ngữ tiêu biểu, vẫn còn những thuật ngữ khác nữa. Cầu xin Allah ban nhiều hữu ích cho quí đạo hữu thông qua những kiến thức tiếp thu được. Cầu xin Ngài củng cố bước chân của chúng ta trên con đường đến với lòng thương xót và sự hài lòng của Ngài. Cầu xin Ngài tha thứ tội lỗi cho chúng ta và thu nhận chúng ta vào Thiên Đàng của Ngài.

Các thuật ngữ trong Islam mà người Muslim cần biết

Đăng nhận xét

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Mới hơn Cũ hơn
Hãy chia sẽ bài viết đến mọi người⭒♡⭒
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TRANG WEB