Hỡi những người có đức tin, việc nhịn chay đã được sắc lệnh cho các ngươi giống như nó đã được sắc lệnh cho các thế hệ trước các ngươi, mong rằng các ngươi trở thành những người có Taqwa.

» Video: 7 Bài học từ nhịn chay Ramadan

Câu Chuyện Về Maryam Con Gái I’mraan

 Maryam hạ sinh vào mùa đông hay vào mùa hè là vấn đề bất đồng quan điểm trong giới học giả Islam khi nói về câu Kinh số 25 chương 19 – Maryam.

Thật ra họ không bất đồng quan điểm về ngày sinh của Nabi Ysa u mà sự bất đồng của họ là ở sự hiểu về hàm ý của lời phán trong câu Kinh đó khi mà Allah nói về quả chà là chín tươi trên cây chà là vào lúc lâm bồn của bà Maryam.

 Họ bất đồng rằng liệu thời điểm mà bà Maryam hạ sinh là vào mùa hẹ do câu Kinh có nhắc đến quả chà chín tươi hay không phải là vào hè. Một số học giả cho rằng nó mang hàm ý vào mùa hè vì chỉ có quả chà là chín chỉ có trong mùa hè; một số học giả khác thì cho rằng điều đó không nói lên rằng bà Maryam hạ sinh vào mùa hè tức quả chà là chín tươi vào thời điểm đó không phải là thời điểm trong mùa của nó (mùa hè) mà nó mang ý nghĩa rằng Allah I ban ân huệ đặc biệt cho bà Maryam khi cho trái quả chà là chín tươi vào thời điểm trái mùa, điều này giống như Allah I làm cho con trai của bà – Ysa u – nói chuyện lúc còn là một đứa bé sơ sinh.

Câu Chuyện Về Maryam Con Gái I’mraan

Maryam, Maria, hay Mary là tên gọi của người phụ nữ đồng trinh. Đó là người mẹ của Nabi Ysa u (Jesus hay Giê-su theo cách gọi của người Việt).

 Đây là người phụ nữ duy nhất trên thế giới trần tục này sinh con nhưng không có bất kỳ người đàn ông nào từng chạm vào cơ thể của bà.

 Hình ảnh của bà là một phép màu, một điều kỳ diệu mà Allah I muốn dùng nó làm dấu hiệu cho nhân loại về quyền năng vô song của Ngài.

 Dù người phụ nữ này được gọi với nhiều tên gọi khác nhau, có nhóm người gọi bà là Maria, có nhóm người thì gọi bà là Mary, và cũng có nhóm người gọi bà là Đức Mẹ đồng trinh, nhưng Allah, Thượng Đế Tối Cao và Toàn Năng gọi bà là Maryam hay con gái của I’mraan.

Tên của bà, Maryam được đặt tên cho một chương Kinh trong Qur’an, đó là chương số 19 – Maryam. Đây là chương Kinh mà Allah I đã dành riêng nói về bà, ngoài ra, Ngài còn nhắc đến bà trong nhiều câu Kinh trong các chương Kinh khác nữa. Có thể nói bà Maryam được nói đến trong Qur’an còn nhiều hơn cả trong Injil (Kinh Tân Ước). Điều đó nói lên rằng hình ảnh bà Maryam là hình ảnh cao quý, vinh dự, được tôn kính trong Islam. Không những vậy, bà Maryam còn là một trong bốn phụ nữ được Islam mệnh danh là những phụ nữ tốt nhất, đức hạnh nhất trên thế gian này; Thiên sứ Muhammad e nói:

 “Những phụ nữ tốt đẹp và phẩm hạnh nhất trên thế gian có bốn người: Maryam con gái của I’mraan, Asiyah vợ của Pharaon, Khadijah con gái Khuwailid và Fatimah con gái Thiên sứ của Allah”.(Ibnu Mardawih).

Tiểu sử và lai lịch của bà Maryam được nói rõ trong Kinh Qur’an cũng như trong nhiều Hadith của Thiến sứ e.

Bà Maryam thuộc dân Isra-il (Israel), bà ra đời vào thời đoạn của vị Nabi Zakriyaa u (Zacharias, tiếng Việt phiên âm là Gia-ca-ri-a), cha của bà là ông I’mraan, một trong các vị tu sĩ Do thái và  ông được biết là người ngoan đạo nhất trong số họ; có lời nói rằng ông I’mraan cũng là vị Nabi (Allah là Đấng rõ hơn hết). Nabi Zakriyaa u và ông I’mraan được xem là hai vị bô lão hàng đầu của Jerusalem thời bấy giờ. Vợ của ông I’mraan tên là Hannah, còn vợ của Nabi Zakriyaa u tên là Elizabeth; bà Hannah và Elizabeth là hai chị em, cả hai được biết đến là hai phụ nữ ngoan đạo, đức hạnh và mang phẩm chất cao quý. Và cả hai chị em bà đều sinh con ở độ tuổi rất muộn.

Vợ chồng ông I’mraan cưới nhau và sống với nhau rất lâu năm nhưng không có con. Họ luôn cầu nguyện xin Allah I ban cho họ một đứa con, và họ luôn mong có một đứa con trai và mong Allah I ban cho đứa con của họ thành người trông coi và quản lý người dân Isra-il. Nhưng mãi đến tuổi xế chiều thì Allah I mới ban cho vợ của ông I’mraan mang thai tuy nhiên chưa kịp nhìn thấy đứa con mà ông mong đợi bao năm thì ông qua đời. Trong lúc mang thai, vợ của ông I’mraan bà Hannah đã thề nguyện hiến đứa con trong bụng của mình cho Allah I để đặc biệt phụng sự Ngài nếu như Ngài ban cho bà một đứa con và bởi vì bà, chồng của bà và cả gia đình của bà có truyền thống là những người ngoan đạo. Allah I phán:

{(Hãy nhớ lại) khi vợ của I’mraan cầu nguyện nói: “Lạy Thượng Đế của bề tôi, quả thật bề tôi xin hiến đứa con trong bụng của bề tôi cho Ngài để đặc biệt phụng sự Ngài, xin Ngài hãy chấp nhận sự hiến dâng này của bề tôi, quả thật Ngài là Đấng Hằng Nghe và Hằng Biết mọi việc”.} (Chương 3 – Ali-I’mraan, câu 35).

Bà Hannah đã luôn hy vọng đứa con trong bụng của mình sẽ là một đứa con trai bởi vì bà muốn nó trở thành một người được Allah I giao cho sứ mạng đặc biệt. Nhưng rồi bà đã hạ sinh một đứa con gái, Allah I phán về lời cầu nguyện của bà với Ngài:

{Bởi thế, khi bà ta hạ sinh, bà ta đã thưa: “Lạy Thượng Đế của bề tôi, bề tôi đã hạ sinh một đứa con gái và Ngài biết rõ về đứa con mà bề tôi đã hạ sinh, và con trai không giống như con gái, và bề tôi đặt tên cho nó là Maryam, và bề tôi khẩn xin Ngài bảo vệ nó và con cái của nó tránh khỏi Shaytan xấu xa và phản nghịch.} (Chương 3 – Ali-I’mraan, câu 36).

Theo Tafseer nói rằng tên Maryam trong ngôn ngữ của họ có nghĩa là nữ thờ phượng, nữ đầy tớ. Vì bà Hannah luôn mong đứa con sẽ là con trai và mong nó trở thành người thờ phượng Allah I và làm đầy tớ cho Ngài và bà nguyện dâng hiến đứa con của mình cho Ngài để nó phụng sự Ngài. Tuy nhiên, đứa con là con gái nhưng bà vẫn muốn nó là người luôn ngoan đạo và phụng sự Ngài nên bà đặt tên là Maryam và bà vững tin rằng rồi đây đứa con gái này của bà sẽ là người mẹ của một vị Nabi mà dân chúng mong đợi. Và thực sự Allah I đã chấp nhận sự dâng hiến của bà và đã đáp lại cho đức tin kiên định của bà ở nơi Ngài; Ngài phán:

{Bởi thế, Thượng Đế của bà đã chấp nhận bà bằng sự một sự chấp nhận tốt đẹp, Ngài đã làm cho (Maryam) trưởng thành xinh đẹp và để cho Zakriyaa chăm sóc và bảo hộ. Mỗi lần Zakriyaa đi vào nội phòng của Nàng, Y luôn thấy bên cạnh nàng nhiều thực phẩm ngon lành. Y hỏi: “Này Maryam, con có thức ăn này từ đâu?”. Nàng đáp: “Dạ, nó từ nơi Allah, quả thật, Allah cung dưỡng vô kể cho bất kỳ ai Ngài muốn.} (Chương 3 – Ali-I’mraan, câu 36).

Khi chào đời, bà Maryam đã mồ côi cha, nên Allah I đã để cho Nabi Zakriyaa u nuôi dưỡng và chăm sóc bà.

Nói về vấn đề nhận nuôi dưỡng và chăm sóc cho bà Maryam thì Allah I cũng phán kể lại cho chúng ta biết tình huống mà Nabi Zakriyaa u nhận quyền nuôi dưỡng và chăm sóc cho bà Maryam, Ngài phán:

{Đó là phần tin thuộc cõi vô hình mà TA đã mặc khải cho Ngươi (Muhammad), và Ngươi không có mặt với họ khi họ ném các cây viết của họ (xuống sông) để chọn ai là người của họ sẽ đứng ra nuôi dưỡng và chăm sóc Maryam và Ngươi cũng không có mặt với họ khi họ tranh luận với nhau về (vấn đề này).} (Chương 3 – Ali-I’mraan, câu 44).

Như đã nói, gia quyến của I’mraan là gia đình có truyền thống ngoan đạo và đức hạnh mà mọi người đều biết. Khi Maryam chào đời không có cha thì những người có chức sắc trong ngôi đền ai cũng muốn mình là người đứng ra nuôi dưỡng và chăm sóc Maryam để lấy tiếng tăm, riêng Nabi Zakriyaa u thì thật lòng muốn nuôi dưỡng và chăm sóc Maryam bởi vì đó là đứa cháu vợ của Người, là đứa con của một người đức hạnh và ngoạn đạo, đó là I’mraan. Vì ai cũng tranh giành quyền nuôi dưỡng và chăm sóc Maryam nên cuối cùng họ phải dùng cách bốc thăm để quyết định ai may mắn nhận được niềm vinh dự đó. Cách bốc thăm của họ là mỗi người trong họ sẽ ném cây viết của mình xuống con sông đang chảy, nếu cây viết nào không trôi theo dòng chảy mà vững đứng yên một chỗ thì người chủ nhân của cây viết đó sẽ là người được quyền nuôi dưỡng và chăm sóc Maryam. Allah đã cho cây viết của Nabi Zakriyaa u không trôi thôi theo dòng chảy và Người đã được quyền nuôi dưỡng và chăm sóc cho Maryam.

Nabi Zakriyaa u rất yêu thương Maryam, Người đã tận tình và hết lòng chăm sóc và dạy dỗ Maryam, Nabi Zakriyaa u đã dạy dỗ Maryam trở thành một trong những người am hiểu giáo lý tôn giáo nhất trong thời của bà.

Vào đương thời của bà Maryam, việc cho một người phụ nữ làm hầu dịch quét dọn cho đền thờ là không được phép nhưng với cương vị của Nabi Zakriyaa u trong ngôi đền thì Người đã xây cho bà Maryam một cái phòng riêng tại một góc trong ngôi đền để bà sống, sinh hoạt và tu hành trong ngôi đền.

Khi lên chín tuổi, bà Maryam bắt đầu nhịn chay và cầu nguyện, bà nhịn chay ban ngày và cầu nguyện ban đêm, sự ngoan đạo và đức tin Iman của bà đều được mọi người biết đến trong thời của bà. Và bởi vì bà Maryam là người ngoan đạo, đầy đức tin nên Allah u đã rất thương yêu bà, Ngài đã ban cho bà nhiều bổng lộc một cách không thể ngờ tới, Ngài đã phán về điều này ở câu 37 chương Ali-I’mraan như chúng ta đã nghe:

{Mỗi lần Zakriyaa đi vào phòng tu của Nàng, Y luôn thấy bên cạnh nàng nhiều thực phẩm ngon lành. Y hỏi: “Này Maryam, con có thức ăn này từ đâu?”. Nàng đáp: “Dạ, nó đến từ nơi Allah, quả thật, Allah cung dưỡng vô kể cho bất kỳ ai Ngài muốn”.} (Chương 3 – Ali-I’mraan, câu 36).

Nabi Zakriyaa u thường mang thức ăn đến cho Maryam, nhưng Người thấy trong phòng của Maryam, lúc nào trên bàn cũng có thức ăn, mặc dù là mùa đông nhưng vẫn có thức ăn của mùa hè và mặc dù là mùa hè những vẫn có thức ăn của mùa đông, và đó không phải là thức ăn của Người mang đến. Điều đó làm cho Người cảm thấy kỳ lạ và rất đỗi ngạc nhiên nên có lần Người đã hỏi: Này Maryam, con có thức ăn này từ đâu?. Maryam trả lời: “Dạ, nó đến từ nơi Allah, quả thật, Allah cung dưỡng vô kể cho bất kỳ ai Ngài muốn”.

Đây cũng là một phép màu của Allah I cho nhân loại thấy về quyền năng vô biên của Ngài.

Vì bà Maryam là người phụ nữ vô cùng ngoan đạo và tràn đấy đức tin, bà thường dâng lễ nguyện Salah rất khuya trong đêm nên vào một đêm nọ, Allah I cử các Thiên Thần xuống nói chuyện với bà và báo tin vui cho bà:

{Hỡi Maryam! Quả thật, Allah đã chọn nàng, Ngài đã tẩy sạch nàng và chọn nàng (là người tốt đẹp và đức hạnh) hơn các phụ nữ khác trong thiên hạ. Hỡi Maryam! Hãy dốc lòng thờ phụng Thượng Đế của nàng, hãy phủ phục và cúi đầu thần phục cùng với những người cúi đầu thần phục Ngài.}(Chương 3 – Ali-I’mraan, câu 42, 43).

Đây là lời báo tin mừng thứ nhất dành cho bà, sau đó, các Thiên Thần lại mang đến một tin mừng khác:

{Hỡi Maryam! Quả thật, Allah báo cho nàng tin mừng về một Lời phán từ Ngài (rằng Ngài sẽ ban cho Nàng một đứa con): Tên của Y là Masih Ysa (Jesus hay Giê-su) con trai của Maryam, Y sẽ được vinh danh ở đời này và Đời Sau và sẽ thuộc thành phần những người ở kế cận Allah. Y sẽ nói chuyện với dân chúng lúc còn ấu thơ và lúc trưởng thành và sẽ là một người ngoan đạo.}(Chương 3 – Ali-I’mraan, câu 45).

Allah, Đấng Tối Cao cử phái Thiên Thần xuống báo tin vui cho bà Maryam rằng Ngài sẽ ban cho bà một đứa con trai, Ngài đặt tên là Masih Ysa, và Ngài cho biết rằng đứa con này của bà sau này sẽ trở thành một vị Nabi được vinh danh ở đời này và ở Đời Sau và được cận kề bên Ngài, và đặc biệt đứa con này sẽ nói chuyện với dân chúng khi hãy còn là một đứa trẻ sơ sinh.

Câu chuyện bà Maryam mang thai được Allah Iphán kể trong chương Kinh mang tên bà từ câu 16 đến câu 33.

{Và hãy nhớ lại trong Kinh Sách (Qur’an) về Maryam khi nàng rời gia đình đi lánh mặt tại một nơi về phía đông.} (Chương 19 – Maryam, câu 16).

Bà Maryam tạm lánh gia đình để đi giải quyết nhu cầu “vệ sinh” riêng tư của bản thân tại một nơi về phía đông cách xa ngôi đền Maqdis. Trên đường đi bà bổng gặp một người đàn ông với vẻ đẹp toàn diện xuất hiện trước mặt mình nhưng người đàn ông lạ đó thực chất không phải là người phàm mà là Đại Thiên Thần Jibril u được lệnh hạ phạm dưới hình hài con người, AllahI phán:

{TA đã cử thiên thần Jibril của TA đến gặp nàng. Y hiện ra trước mặt nàng như một người đàn ông toàn diện.}(Chương 19 – Maryam, câu 17).

Vì bà Maryam là một phụ nữ ngoan đạo, đoan trang, tiết hạnh và thanh khiết nên bà đã hoảng hốt lo sợ khi gặp người khác giới đứng ngay phía trước mình, ba sợ hãi lên tiếng:

{Tôi cầu xin Đấng rất mực Độ lượng bảo vệ tránh xa ông. Xin đừng đến gần tôi nếu ông là người sợ Allah.}(Chương 19 – Maryam, câu 18).

 

Đại Thiên Thần Jibril u nói:

{Quả thật, Ta chỉ là một sứ giả của Thượng Đế của nàng, Ta được lệnh đến báo cho nàng biết rằng Ngài sẽ ban cho nàng một đứa con trai trong sạch.} (Chương 19 – Maryam, câu 18).

Bà Maryam quá ngỡ ngàng trước lời nói đó và không khỏi bàng hoàng, bà nói:

{Làm sao tôi có thể có được một đứa con trai khi chưa có một người đàn ông nào chạm đến tôi; vả lại, tôi không phải là một người phụ nữ hư đốn.}(Chương 19 – Maryam, câu 20).

Đại Thiên Thần Jibril nói:

{Sự việc sẽ đúng như thế! Thượng Đế của Nàng đã phán: “Điều đó rất dễ dàng đối với TA; và quả thật TA sẽ làm cho nó (đứa con mà Allah sẽ ban cho Maryam) thành một Dấu-lạ cho nhân gian và một hồng ân từ TA. Và đó là điều mà Ngài đã định”.} (Chương 19 – Maryam, câu 21).

Đại Thiên Thần Jibril u nói với Maryam rằng sự việc sẽ diễn ra đúng như lời mà ngài đã báo tin cho bà tức bà sẽ có một đứa con trai. Allah I đã phán như thế và Ngài nói rằng điều đó rất đơn giản đối với Ngài bởi vì Ngài là Đấng Toàn Năng và mọi sự việc luôn hình thành và xảy ra theo ý muốn của Ngài.

{Khi nào Ngài quyết định điều gì, Ngài chỉ cần phán “Hãy thành!” thì lập tức nó sẽ thành đúng như thế.}(Chương 19 – Maryam, câu 35).

Thế là bà Maryam đã thụ thai sau khi lời phán của Allah Iđược thổi vào bụng của bà. Khi bụng của bà bắt đầu lớn dần thì bà đã đi lánh mặt ở một nơi xa cho đến khi hạ sanh thì bà mới quay về.

Nói về thời gian bà Maryam chuyển dạ và hạ sinh:

Khi bà Maryam chuyển dạ, trong bối cảnh một thân một mình đối mặt  với cơn đau đớn quằn quại của chứng lâm bồn, bà đã kiệt sức vì không có thức ăn, thức uống cũng như không có sự chăm sóc của người thân. Bà không những phải chịu nỗi đau của thể xác và sự đơn độc mà còn phải chịu nỗi lo âu không biết sau khi hạ sinh bà sẽ phải đối mặt với gia đình và dân làng của bà như thế nào, bà sẽ nói sao với họ về đứa con này. Nhưng rồi cơn đau đã đưa bà đến bên một dòng sông, bà đã tựa mình dưới môt gốc cây chà là gần đó, mỗi khi cơn đau quặn lên cùng với việc nghĩ đến chuyện không biết phải đối mặt với gia đình và dân làng thế nào thì bà buông tiếng sầu than:

{Ôi ước gì mình chết khuất cho xong trước sự việc này và quên đi tất cả mọi thứ}.

Trước sự tuyệt vọng và đau buồn của bà, Allah I đã cho đứa con cất tiếng nói từ trong bụng bà, Subha-nallah, Allah phán về điều này:

{Nhưng có tiếng gọi nàng từ bên dưới bảo: “Mẹ chớ buồn phiền. Quả thật, Thượng Đế của mẹ đã tạo một dòng nước chảy bên dưới mẹ. Mẹ hãy lắc thân cây chà là về phía mẹ rồi trái chín tươi sẽ rụng xuống nơi mẹ. Mẹ hãy ăn và uống và hãy vui lên.}(Chương 19 – Maryam, câu 24 – 26).

Subha-nallah, trong sự việc này cho thấy quyền năng vô biên của Allah I, Ngài đã làm cho Nabi Ysa u cất tiếng nói từ trong bụng mẹ để trấn an và hướng dẫn mẹ của mình trong tình cảnh nguy cấp. Rồi việc lắc thân cây chà là cũng thế, đó là một dấu hiệu quyền năng của Allah I; như chúng ta đã biết, cây chà là thường chỉ có trái chín vào mùa hè nhưng lúc đó bà Maryam đang ở trong mùa đông, chính do quyền năng của Allah I đã làm cho cây chà là có quả chín ngay lúc đó và làm cho nó rụng xuống.([1])

Và trong sự việc này còn mang cả một nguồn kiến thức khoa học cho nhân loại. Khi chúng ta tự hỏi tại sao Allah I lại bảo bà Maryam ăn quả chà là vào lúc bà đang chuẩn bị lâm bồn thì câu trả lời dĩ nhiên đó là sự thông thái, sự am hiểu uyên thâm của Allah I về tất cả mọi sự việc. Ngày nay, cơ sở khoa học đã thừa nhận rằng chà là là một lựa chọn thực phẩm tuyệt vời cho người phụ nữ mang bầu và cho những ai mới sinh em bé. Quả chà là có hàm lượng đường cao nhất trong các loại quả, cao tới 60-65%. Các bác sĩ khuyên phụ nữ mang bầu nên ăn thức ăn chứa đường trong trái cây vào ngày sinh em bé; mục đích là làm tăng năng lượng và tăng sức sống mới cho cơ thể yếu ớt của người mẹ và cùng lúc kích thích hốc-môn tiết sữa làm tăng hàm lượng sữa mẹ cho trẻ mới sinh. Hơn nữa, sự mất máu trong khi sinh làm lượng đường trong cơ thể giảm, cho nên, quả chà là rất quan trọng trong việc bổ sung lượng đường cho cơ thể để tránh bị tụt huyết áp, và nguồn năng lượng cao trong quả chà là làm tăng cường sức khoẻ cho người bị ốm yếu hay suy kiệt.

Trở lại câu chuyện vẫn còn dang dỡ .. sau khi bà Maryam hạ sinh, bà đã mang đứa con trở về nhà của mình. Khi về đến nhà, trước hình ảnh của một người con gái đơn thân chưa chồng, mới vắng mặt không lâu giờ lại quay về với một đứa bé mới sinh ẳm trên tay, điều đó đã làm cả dân làng quá đỗi ngạc nhiên, ai nấy cũng sửng sốt không tin vào mắt mình. Dân làng bắt đầu bàn tán xôn xao và hầu hết họ đều quả quyết đứa bé đó chắc chắn là kết quả của việc làm Zina tội lỗi. Có người ra vẻ đáng tiếc lắc đầu nói: làm sao mà đứa con trong một gia đình có truyền thống ngoan đạo và đức hạnh thế kia lại làm chuyện tày trời và nhục nhã thế này. Có người buông lời gièm pha:

{Này hỡi Maryam! Quả thật nàng đã mang về một điều hết sức quái đản chưa từng thấy đây!}(Chương 19 – Maryam, câu 27).

Có người thì bảo một cách mỉa mai:

{Này em gái của Harun! Cha của nàng đâu phải là một người xấu xa và mẹ của nàng cũng đâu phải là người phụ nữ lăng loàn, hư đốn?!} (Chương 19 – Maryam, câu 28).

Trước những câu hỏi phê phán, chỉ trích và sự phản ứng gay gắt của dân làng, bà Maryam lặng thinh, không nói gì .. và bà cũng chẳng biết nói gì và nói như thế nào trước tình cảnh đó .. hơn nữa bà được Allah I phán bảo:

{Nhưng nếu có thấy một người phàm nào thì hãy bảo: quả thật tôi đã nguyện nhịn chay với Đấng Rất mực Độ Lượng, nên ngày hôm nay tôi nhất định không nói chuyện với ai.} (Chương 19 – Maryam, câu 26).

Cho nên trước những câu hỏi và sự phản ứng kịch liệt dồn dập của dân làng, bà chỉ biết đưa tay chỉ vào đứa bé trong sự im lặng. Mọi người thốt lên: Ôi Thượng Đế ơi, nàng ta muốn chúng ta nói chuyện với đứa bé sao, ôi nàng ta đang giễu cợt với chúng ta à .. rồi họ nói với bà:

{Làm sao bọn ta có thể nói chuyện được với một đứa bé nằm trong nôi như thế chứ?} (Chương 19 – Maryam, câu 29).

Vừa lúc ấy, Allah  lại cho Nabi Ysa u cất lên tiếng nói và nói chuyện trực tiếp với mọi người khi Người vẫn còn là một đứa trẻ sơ sinh đang nằm nôi, Allah phán:

{Đứa bé (Giê-su) lên tiếng: “Ta là một người bề tôi của Allah. Ngài ban cho Ta Kinh sách và chỉ định Ta làm một vị Nabi. Và Ngài ban phúc cho Ta bất cứ nơi nào Ta có mặt và truyền lệnh cho Ta phải dâng lễ nguyện Salah và đóng Zakah suốt thời gian Ta còn sống, Ngài ra lệnh cho Ta phải hiếu thảo vợi mẹ TA và không được hách dịch vô phúc. Và sự bằng an được ban cho Ta vào ngày Ta chào đời, vào ngày Ta lìa đời và vào ngày Ta được phục sinh trở lại.} (Chương 19 – Maryam, câu 30 - 33).

Đó là câu chuyện của bà Maryam được Allah I phán kể trong Qur’an, Kinh sách của Ngài như là một sự nhắc nhở nhân loại về phép màu và quyên năng của Ngài.

Quả thật, qua sự việc bà Maryam sinh ra một đứa con mà không có một người đàn ông phàm tục nào từng chạm vào bà đã làm lệch lạc bao nhóm người, có nhóm người đã không tin và cho rằng bà Maryam đã làm chuyện đồi bại nên mới có một đứa con hoang và đứa con hoang đó chính là Ysa (Jesus); một nhóm khác thì tin rằng bà Maryam là đức mẹ đồng trinh nhưng họ lại thái quá trong đức tin, họ cho rằng Thượng Đế, Maryam, và Ysa con của Maryam thực chất là ba trong một tức đều là chúa, họ quan niệm rằng chúa ba ngôi: Đức Chúa cha, chúa con và đức mẹ, họ tin rằng Thiên Chúa là duy nhất, hiện hữu trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh.

Nhưng Allah I đã phán kể lại câu chuyện để xác nhận một sự thật không như họ đã nói và tin tưởng, và Ngài còn khẳng định với lời phán:

{Đó là Ysa con trai của Maryam, một lời nói thật mà chúng (những kẻ không tin) vẫn còn hoài nghi. Việc cho rằng Allah tự nhận cho mình một đứa con trai thật không hợp lý với quyền năng siêu việt của Ngài. Thật quang vinh và trong sạch thay Ngài! Khi nào Ngài quyết định điều gì, Ngài chỉ cần phán “Hãy thành!” thì lập tức nó sẽ thành đúng theo ý của Ngài. Và (Ysa: Jesus hay Giê-su) nói: “Quả thật, Allah là Thượng Đế của Ta và là Thượng Đế của các người. Bởi thế, các người hãy thờ phượng Ngài. Đấy mới là chính đạo”.} (Chương 19 – Maryam, câu 34 – 36).

Cầu xin Allah  hướng dẫn và soi sáng cho tất cả chúng ta luôn đi đúng trên con đường ngay chính của Ngài!!

Câu chuyện về Mariyam

Đăng nhận xét

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Mới hơn Cũ hơn
⭒Hãy chia sẽ bài viết đến mọi người⭒♡⭒
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TRANG WEB