Hỡi những người có đức tin, việc nhịn chay đã được sắc lệnh cho các ngươi giống như nó đã được sắc lệnh cho các thế hệ trước các ngươi, mong rằng các ngươi trở thành những người có Taqwa.

» Video: 7 Bài học từ nhịn chay Ramadan

Chương 57: Biết hài lòng, không xin xỏ, và tiết kiệm trong cuộc sống và chi tiêu

 Biết hài lòng, không xin xỏ, và tiết kiệm trong cuộc sống và chi tiêu

Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Và không một sinh vật nào sống trên trái đất mà nguồn lương thực lại không do Allah cung cấp.} (Chương 11 – Hud: 6).

Allah, Đấng Tối Cao phán:

{(Của bố thí là dành) cho người nghèo, những người mà vì chính nghĩa của Allah đã bị hạn chế trong việc đi đây đó trên trái đất (để tìm kế sinh nhai). Họ là những người mà những ai kém hiểu biết thấy tư cách khiêm tốn của họ tưởng rằng họ đầy đủ không cần gì; Ngươi (Muhammad) có thể nhận biết hoàn cảnh của họ qua (những nét đặc biệt) trên gương mặt của họ vì họ không trở trẽn xin xỏ, quấy rầy thiên hạ.}(Chương 2 – Al-Baqarah: 273).

Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Và những ai khi tiêu dùng không phung phí cũng không keo kiệt mà luôn giữ mức trung bình giữa hai thái cực đó.} (Chương 25 – Al-Furqan: 67).

Allah, Đấng Tối Cao phán:

{Và TA tạo hóa loài Jinn và loài người mục đích chỉ để chúng thờ phượng riêng TA. TA không đòi hỏi bổng lộc từ chúng và cũng không đòi hỏi chúng nuôi dưỡng TA.} (Chương 51 – Azh-zhariyat: 56, 57).



Hadith 519: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên Sứ của Allah (saw) nói:

 “Giàu có không phải ở sự nhiều tiền của mà giàu có là ở sự biết hài lòng của bản thân” (Ablukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith

- Hadith kêu gọi người tín đồ nên biết hài lòng và thỏa nguyện với những gì Allah phân chia và ban phát, không tham lam thêm nữa khi không cần.

- Hadith như muốn nhắc nhở người tín đồ Muslim rằng việc giàu tiền của không phải là thứ mang lại hành phúc mà hạnh phúc thực là ở tấm lòng khi nó biết hài lòng, thỏa nguyện và không tham lam.

Hadith 520: Ông Abdullah bin ‘Amru  thuật lại rằng Thiên Sứ của Allah nói:

 “Quả thật, người thành công là người đã vào Islam, được ban cho bổng lộc vừa đủ và Allah làm cho y biết hài lòng với những gì Ngài ban cho.” (Muslim).

* Bài học từ Hadith

- Hadith cho thấy ân phúc của việc biết hài lòng với những gì Allah ban cho, những ai biết hài lòng thì không xin xỏ người khác dù bổng lộc ít ỏi vì họ luôn đã cảm thấy đầy đủ.

Hadith 521: ÔngHakim bin Hizaam thuật lại: Tôi đã xin Thiên Sứ của Allah và Người đã cho tôi, rồi tôi lại xin thì Người lại cho, rồi tôi lại xin thì Người lại cho, sau đó Người nói:

 “Này Hakim, quả thật số tài sản này tươi xanh và ngon ngọt, bởi thế, ai lấy nó không bằng lòng tham thì sẽ được ban phúc lành còn ai lấy nó bằng lòng tham thì sẽ không được ban phúc lành giống như một người ăn nhưng không no; và bàn tay trên tốt hơn bàn tay dưới”.

Tôi nói: Thưa Thiên Sứ của Allah, thề bởi Đấng đã gửi Người đến với điều chân lý rằng tôi sẽ không xin một điều gì nữa từ bất kỳ ai cho đến khi tôi lìa khỏi thế gian này.

Sau đó, ông Abu Bak gọi ông Hakim đến để chia cho ông ta từ nguồn chiến lợi phẩm thì ông Hakim đã từ chối không nhận. Sau đó, ông Umar gọi ông Hakim đến để chia cho ông ta từ nguồn chiến lợi phẩm thì ông Hakim từ chối không nhận và ông Umar nói: này hỡi những người Muslim, các ngươi hãy làm chứng cho Hakim rằng ta đã đưa cho y phần mà Allah đã chia cho y từ nguồn chiến lợi phẩm nhưng y đã không nhận. Và quả thật, ông Hakim đã không nhận lấy từ ai sau Thiên Sứ cho tới khi lìa khỏi cõi trần.

* Bài học từ Hadith

- Hadith kêu gọi người tín đồ nên cho đi, tránh keo kiệt, đặt biệt đối với trường hợp cho để gắn chặt tình nghĩa yêu thương.

- Hadith bảo người tín đồ chớ tham lam.

- Hadith như muốn nhắc nhở các tín đồ rằng không nên xin xỏ người khác.

- Hadith cho thấy sự phúc đức của các vị Sahabah trong việc nghe theo lời răn dạy và sự hướng của Thiên Sứ.

- Hadith cho thấy người nắm quyền hành phải có trách nhiệm trao những quyền lợi cho đúng chủ nhân của nó.

- Hadith dạy cho chúng ta một bài học rằng việc đưa ra hình ảnh thí dụ là cách giảng giải tốt nhất đến người nghe.

Hadith 522: Ông Abu Burdah thuật lại lời của ông Abu Musa Al-Ash’ari: Có lần, chúng tôi đi chinh chiến cùng với Thiên Sứ của Allah, chúng tôi gồm sáu người, chúng tôi chỉ có một con lạc đà duy nhất, chúng tôi phải thay phiên nhau cưỡi, gót chân tôi bị nứt và các móng chân hư hết. Chúng tôi đã dùng quần áo cũ quấn bàn chân lại. Chúng tôi gọi cuộc chinh chiến đó là Zda-tu Arriqa’ bởi vì chân của chúng tôi đều bị tổn thương. Ông Abu Burdah nói: Ông Abu Musa nói cho chúng tôi biết sự việc đó nhưng sau đó ông lại hối hận, ông nói: tôi không nghĩ mình sẽ kể chuyện này, ông nói như thể ông ghét để cho người ta biết việc làm ngoan đạo của ông. (Albukhari, Muslim).                                              

* Bài học từ Hadith

- Hadith cho thấy các vị Sahabah luôn kiên nhẫn trên những hoàn cảnh và điều kiện gian khó và họ luôn biết hài lòng.

- Hadith như muốn nhắc nhớ rằng một người khi làm điều thiện tốt thì không nên kể lại sợ sẽ rời vào điều Riya’.

Hadith 523: Ông ‘Amru bin Taghlib thuật lại: Thiên Sứ của Allah nhận được một lượng tài sản hoặc một số tù binh (phụ nữ và con cái của kẻ thù). Người đã chia tài sản đó cho một số người và không chia cho một số người. Rồi sau đó, Người nghe được những người không được chia có những lời nói bất mãn về Người. Người tập trung họ lại, tán dương ca tụng Allah xong, Người nói: “Thề bởi Allah, quả thật Ta đã chia phần cho người này và bỏ lại người kia, những người mà Ta không chia cho họ yêu thích đối với Ta hơn những ai mà Ta đã chia cho họ, nhưng thật ra Ta chỉ chia phần cho những người mà Ta thấy tấm lòng của họ buồn lo và thiếu kiên nhẫn và Ta bỏ lại những người mà Allah đã làm cho trái tim của họ đã giàu có (tức có đức tin Iman và biết hài lòng), và người tốt nhất trong số họ là ‘Amru bin Taghlib”.

Ông ‘Amru bin Taghlib nói: Thề bởi Allah, tôi thích lời nói của Thiên Sứ hơn mọi của cải vật chất! (Albukhari).

* Bài học từ Hadith

- Hadith muốn khẳng định rằng của cải vật chất không phải là thước đo cho sự yêu quý giữa một đối với một người.

- Hadith kêu gọi người tín đồ biết hài lòng chớ hỏi xin khi không cần thiết.

 

Hadith 524: Ông Hakim bin Hizaam thuật lại rằng Thiên Sứ của Allah nói:

 “Tay trên cao tốt hơn tay bên dưới, hãy bắt đầu Sadaqah với người có nghĩa vụ cấp dưỡng và chăm sóc (vợ, con cái, cha mẹ, ...), phần Sadaqah tốt nhất là phần ngoài nhu cầu cần thiết (của bản thân, gia đình), ai không xin người thì sẽ được Allah bảo vệ, và ai thể hiện mình đã đầy đủ thì Allah sẽ ban sự đầy đủ cho y.” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith

- Người đáng để người tín đồ Sadaqah hàng đầu là những người trong gia đình của y.

- Hadith cho thấy rằng Islam ghét làm Sadaqah với những thứ là nhu cầu tối thiểu của người chủ thể hoặc với toàn bộ những gì mà y sở hữu được để rồi y phải đi xin xỏ thiên hạ.

- Hadith kêu gọi người tín đồ không xin xỏ thiên hạ bởi lẽ ai không xin xỏ thiên hạ và luôn thể hiện mình đầy đủ thì Allah sẽ ban bổng lộc đầy đủ cho y và nâng tầm giá trị của y lên.

Hadith 525: Ông Abu Abdurrahman Mu’a-wiyah bin Abu Sufyan Sakhr bin Harb thuật lại rằng Thiên Sứ của Allah (saw) nói:

 “Các ngươi chớ xin xỏ quá nhiều và chớ đòi dai, thề bởi Allah, ai trong các ngươi xin Ta một thứ gì đó và Ta đã đưa cho y trong lúc tâm trạng Ta không ưa thích (không sẵn lòng) đối với y thì thứ mà Ta đưa cho y sẽ không được ban phúc.” (Muslim).

* Bài học từ Hadith

- Hadith kêu gọi người tín đồ chớ nên nài nỉ, đòi dai trong việc xin xỏ người khác.

- Hadith cho biết rằng việc đưa cho người khác một thứ gì đó trong lúc bản thân mình không sẵn lòng hoặc do e ngại thì món vật cho đó không được Allah ban phúc.

Hadith 526: Ông Abu Abdurrahman Awf bin Malik Al-Ash’ari thuật lại: Có lần chúng tôi đang ở cùng với Thiên Sứ của Allah (saw), chúng tôi gồm 6, 8 hay 7 người gì đó, Người nói: “Chẳng lẽ các ngươi không cam kết trung thành với Thiên Sứ của Allah sao?”. Vì chúng tôi đã nói lời cam kết trung thành với Người trước đó rồi nên chúng tôi nói: Thưa Thiên Sứ của Allah, quả thật chúng tôi đã cam kết với Người rồi mà. Nhưng Người lại nói: “Chẳng lẽ các ngươi không cam kết trung thành với Thiên Sứ của Allah sao?”. Thế là chúng tôi duổi tay ra và nói: Thưa Thiên Sứ của Allah, chúng tôi quả thật đã cam kết trung thành với Người rồi, thế chúng tôi phải cam kết với Người điều gì nữa? Người (saw) nói:

 “Các ngươi hãy cam kết thờ phượng Allah, không tổ hợp với Ngài bất cứ điều gì, các ngươi hãy cam kết giữ gìn và duy trì năm lễ nguyện Salah, và các ngươi hãy cam kết tuân lệnh Allah”

Rồi Người nhỏ tiếng:

 “Và các ngươi hãy cam kết chớ xin xỏ thiên hạ bất cứ điều gì.”

Và tôi đã để ý và thấy những người có mặt trong lần đó không hề xin nhờ một ai thậm chí họ làm rơi cây roi thì họ cũng không nhờ xin người khác nhặt thay họ.

* Bài học từ Hadith

- Hadith khuyên khích làm mới lại giao ước với Allah để chứng nhận đức tin Iman và sự thành tâm trong thờ phượng Ngài cũng như trong việc giữ chặt lấy giáo lý của Ngài.

- Hadith kêu gọi người tín đồ giữ vinh dự cho bản thân, nêu cao tinh thần ‘tự lực cánh sinh” tránh việc thường xuyên xin xỏ và nhờ vả người khác để rồi bản thân trở thành một con người chai lười, chỉ biết dựa dẫm và ỉ lại.

- Hadith như muốn nhấn mạnh việc xin xỏ người khác là thể hiện sự thấp hèn của bản thân.

Hadith 527: Ông Ibnu Umar thuật lại rằng Thiên Sứ của Allah (saw) nói:

 “Ai đó trong các ngươi vẫn cứ xin xỏ thiên hạ mãi cho tới khi y trở về trình diện Allah và gương mặt của y không còn miếng thịt nào.” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith

- Hadith không những phê phán và lên án cho hành vi cứ luôn xin xỏ thiên hạ mà nó còn cảnh bảo về một sự trừng phạt ở cõi Đời Sau đối với việc cứ luôn xin xỏ thiên hạ.

Hadith 528: Ông Ibnu Umar thuật lại rằng Thiên Sứ của Allah (saw) đứng trên Mimbar thuyết giảng về vấn đề Sadaqah và tránh xin xỏ thiên hạ, Người nói:

 “Bàn tay trên tốt hơn bàn tay dưới; bàn tay trên là bàn tay của ngươi cho còn bàn tay dưới là ban tay của người xin” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith: (Xem Hadith 524)

Hadith 529: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên Sứ của Allah (saw) nói:

 “Ai xin tiền bạc của thiên hạ để tích góp nhiều tiền của (cho bản thân) thì thật ra y đang xin than hồng (nơi Hỏa Ngục), bởi thế, muốn xin ít hay nhiều thì tùy ý” (Muslim).

* Bài học từ Hadith

- Hadith cấm xin thiên hạ khi không thực sự cần, và tích góp của cải và tiền bạc theo cách ăn xin thì người đó sẽ bị trừng phạt nơi Hỏa Ngục.

Hadith 530: Ông Samurah bin Jundab thuật lại rằng Thiên Sứ của Allah (saw) nói:

 “Quả thật, ăn xin là cái cào một người sẽ dùng nó cào xước gương mặt của mình trừ phi y chỉ đòi xin quyền quản lý hoặc chỉ xin trong hoàn cảnh cùng đường.” (Tirmizdi).

* Bài học từ Hadith

- Hadith cho thấy được phép đòi xin chức quyền và được phép xin thiên hạ khi có nhu cầu và cấm xin trong các trường hợp khác.

Hadith 531: Ông Ibnu Mas’ud thuật lại rằng Thiên Sứ của Allah (saw) nói:

 “Ai gặp phải sự nghèo khổ, y tìm kiếm sự trợ giúp nơi thiên hạ để mong được thoát nghèo khổ thì vẫn không thoát được sự nghèo khổ, còn ai tìm kiếm sự trợ giúp nơi Allah thì Ngài sẽ nhanh ban bổng lộc cho y sớm hay muộn.” (Abu Dawood, Tirmizdi và ông nói: Hadith tốt).

* Bài học từ Hadith

- Hadith kêu gọi người bề tôi cầu xin Allah và tìm sự cứu rỗi nơi Người trong những hoàn cảnh khó khăn và Ngài là Đấng Toàn Năng trong việc đáp lại lời khẩn xin của người bề tôi.

Hadith 532: Ông Thawban thuật lại rằng Thiên Sứ của Allah (saw) nói:

 “Ai đảm bảo với Ta rằng y không xin xỏ thiên hạ bất cứ một thứ gì thì Ta đảm bảo cho y Thiên Đàng.” (Abu Dawood với đường dẫn xác thực).

* Bài học từ Hadith

- Hadith kêu gọi người tín đồ không xin xỏ thiên hạ mà nên khấn xin một mình Allah.

- Phúc đức của ông Thawban, trong lời dẫn do Ibnu Ma-jah ghi lại rằng ông Thawban làm rơi chiếc roi lúc ông đang cưỡi trên con vật cưỡi nhưng ông không nhờ xin ai nhặt hộ ông mà ông tự xuống nhặt.

Hadith 533: Ông Abu Bishr Qabisah bin Al-Mukhariq thuật lại: Tôi mắc một khoản nợ, tôi tìm đến Thiên Sứ của Allah xin Người hỗ trợ giải quyết khoản nợ này của tôi. Người bảo tôi: “Hãy đợi cho đến khi Ta nhận được của bố thí thì Ta sẽ đưa nó cho ngươi”, rồi Người nói thêm: “Này Qabisah, quả thật việc đi xin là không được phép trừ một trong trường hợp: một người bị mắc nợ (không có khả năng trả), y được phép đi xin thiên hạ cho tới khi có được số tiền đủ để thanh toan nợ thì y dừng lại; một người gặp phải thiên tai bị thiệt hại hết tài sản, y được phép đi xin thiên hạ cho tới khi đủ để xoay xở cuộc sống thì y phải dừng lại; và một người đối mặt với sự nghèo khổ (đứng trước cái đói) và được ba người trong cộng đồng của y đứng ra xác nhận: ‘quả thật người này đang đối mặt với nghèo đói’, y được phép đi xin thiên hạ cho tới khi y có thể trang trải nhu cầu tối thiểu của mình thì phải dừng lại. Ngoài ba trường hợp này thì không ai được phép đi xin thiên hạ. Này Qabisah, món vật không hợp pháp thì người chủ thể ăn nó sẽ không hợp pháp.” (Muslim).

* Bài học từ Hadith

- Hadith trình bày rõ các trường hợp được phép đi xin thiên hạ.

- Được phép dùng tiền Zakah đưa cho những đối tượng trong ba trường hợp được nêu trong Hadith bởi vì trường hợp thứ nhất là đối tượng mắc nợ còn hai trường hợp còn lại là đối tượng nghèo.

- Hadith khẳng định rằng người đi xin không được phép xin quá nhu cầu cần thiết của hoàn cảnh.

Hadith 534: Ông Abu Huroiroh thuật lại rằng Thiên Sứ của Allah (saw) nói:

 “Người nghèo khó không phải là người đi ăn xin khắp thiên hạ để người này cho một hai miếng ăn và người kia cho một hai quả chà là mà người nghèo khó là người (lao động) nhưng không đủ cho nhu cầu cuộc sống tối thiểu của mình, y không biểu hiện mình khó khăn để được người ta bố thí và y cũng không đi xin thiên hạ.” (Albukhari, Muslim).

* Bài học từ Hadith

- Hadith ca ngợi những người nghèo khó những không xin xỏ thiên hạ mà luôn cố gắng tự lực cánh sinh, và họ là những người được ưu tiên nhận của Sadaqah hơn ai hết. Và điều này được Allah khẳng định trong Qur’an:

{(Của Sadaqah) là để cho người nghèo, những người mà vì chính nghĩa của Allah đã bị hạn chế trong việc đi đây đó trên trái đất (để tìm kế sinh nhai). Họ là những người mà những ai kém hiểu biết thấy tư cách khiêm tốn của họ tưởng rằng họ đầy đủ không cần gì; Ngươi (Muhammad) có thể nhận biết hoàn cảnh của họ qua (những nét đặc biệt) trên gương mặt của họ vì họ không trở trẽn xin xỏ và quấy rầy thiên hạ. Và bất cứ vật tốt nào mà các ngươi tiêu ra làm từ thiện thì quả thật Allah đều biết rõ.}(Chương 2 – Al-Baqarah, câu 273). 

Đăng nhận xét

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Mới hơn Cũ hơn
⭒Hãy chia sẽ bài viết đến mọi người⭒♡⭒
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TRANG WEB