Hỡi những người có đức tin, việc nhịn chay đã được sắc lệnh cho các ngươi giống như nó đã được sắc lệnh cho các thế hệ trước các ngươi, mong rằng các ngươi trở thành những người có Taqwa.

» Video: 7 Bài học từ nhịn chay Ramadan

Một số câu chuyện về phẩm chất đạo đức của Thiên Sứ Muhammad

 Thiên Sứ của Allah là một hình tượng tốt nhất về phẩm chất đạo đức của con người được xác nhận bởi tất cả các nhà biên soạn và ghi chép từ đông sang tây và ngay cả từ những kẻ thù của Người. Phẩm chất đạo đức của Người tốt đến mức xứng đáng được Kinh Qur’an mô tả rằng phẩm chất đạo đức của Người là phẩm chất đạo đức vĩ đại.

Thiên sứ Muhammad là tấm gương tốt đẹp nhất cho cuộc sống của những người Muslim

 
Vợ của Người, bà ‘A-ishah khi được hỏi về phẩm chất đạo đức của Muhammad – Thiên Sứ của Allah thì bà không tìm thấy lời lẽ nào phù hợp để diễn đạt ngoài lời “Phẩm chất đạo đức của Người là Qur’an” tức Người là hình tượng gương mẫu để áp dụng cho những lời dạy và đạo đức của Kinh Qur’an. Và đây là phần mở đầu cho những câu chuyện về phẩm chất đạo đức của Người.

{tocify} $title={Mục lục}

Khiêm tốn

Thiên Sứ của Allah không bằng lòng cho bất cứ ai đứng lên để biểu hiện sự tôn kính với cá nhân Người, chẳng những vậy, Người còn nghiêm cấm các vị Bạn đạo của Người hành động như thế. Quả thật, các vị Bạn đạo của Người mặc dù rất yêu thương và hết mực quí trọng và tôn kính Người nhưng họ chưa từng đứng dậy mỗi khi Người đến, bởi vì tất cả họ đều biết rằng Người rất ghét điều đó. (Ahmad:12345).

A’di bin Hatim trước khi cải đạo sang Islam, ông là một trong giới quyền hành và quí tộc của Ả Rập, ông đã đến gặp Thiên Sứ của Allah vì ông muốn biết rõ thực hư về sự kêu gọi và tuyên truyền của Người, ông kể: “Tôi đã đến gặp Người lúc đó ở cùng với Người là một người phụ nữ và một hay hai đứa trẻ gì đó - đó là người thân trong giá quyến của Người – lúc bấy giờ tôi đã hiểu ra rằng Người đích thực không phải hoàng đế La Mã nào cả” (Ahmad: 19381). Bởi khiêm tốn là đức tính của tất cả các vị Thiên Sứ.

Thiên Sứ của Allah thường ngồi cùng với các vị Bạn đạo của Người giống như Người là một thành viên ngang hàng với họ, Người không hề ngồi theo cách để biểu hiện sự phân biệt giữa Người với mọi người xung quanh, thậm chí có lần, một người lạ bước vào buổi tọa đàm của Người nhưng không thể phân biệt được ai là Người trong nhóm các vị Bạn đạo của Người nên phải hỏi: “Ai trong các người là Muhammad?” (Albukhari: 63).

Một số vị Bạn đạo của Người thuật lại rằng dù bận rộn nhưng Người không hề từ chối đi giúp và giải quyết những vấn đề cần thiết của mọi người ngay cả chỉ là việc nhỏ nhặt. Có lần, một người phụ nữ giúp việc trong Madinah đã kéo tay của Người lôi đi theo ý của cô ta để Người giải quyết các việc cần thiết của cô ta (Albukhari: 5724).

‘Umar bin Al-Khattab, một vị Bạn đạo cao quý, thuật lại rằng có một lần ông vào gặp Thiên Sứ Muhammad thì thấy vết chiếu (được dệt từ lá chà là) in trên mình của Người thì ông khóc. Người nói: “Chuyện gì làm anh khóc vậy?” ‘Umar nói: Thưa Thiên Sứ của Allah, quả thật các vị vua La Mã đang hưởng thụ bao nhiêu lạc thú còn Người là Thiên Sứ của Allah mà phải khổ thế này! Người nói: “Chẳng lẽ anh không hài lòng cho việc họ tận hưởng trên thế gian còn chúng ta sẽ tận hưởng ở Đời Sau ư?” (Albukhari: 4629).

Người thường tự mình sửa chữa đồ dùng cá nhân của Người, Người thường phụ giúp gia đình, tham gia các công việc nhà. Bà ‘A-ishah, vợ của Người, khi được hỏi về sinh hoạt hàng ngày của Người thì bà nói: “Người luôn tham gia mọi công việc nhà cùng với vợ con của Người” (Albukhari: 644). Và bà cũng nói: “Cũng giống như ai đó trong các người, Người tự khâu vá giày và quần áo của mình” (Ahmad: 24749).              

Người nói: “Sẽ không vào được Thiên Đàng đối với người nào mà trong tim của y có sự tự cao tự đại dù chỉ nhỏ như hạt cải.” (Muslim: 91). 

 

Nhân từ

Người nói: “Những người nhân từ sẽ được Đấng Arrahman (Độ Lượng) thương xót, các ngươi hãy nhân từ và độ lượng đối với những ai trên trái đất rồi các ngươi sẽ được Đấng ở trên trời nhân từ và độ lượng.” (Abu Dawood: 4941). 

Sự nhân từ của Thiên Sứ trong nhiều khía cạnh, tiêu biểu

Sự nhân từ của Người đối với trẻ con

Mặc dù lễ nguyện Salah là trụ cột của Islam, không được phép nói chuyện cũng như không được phép có nhiều cử động ngoài động tác của Salah, tuy nhiên, có một lần Người dâng lễ nguyện Salah và vẫn bồng bế đứa cháu gái của Người, Ama-mah con gái của Zaynap, khi Người Sujud thì Người để nó xuống và khi đứng thì Người bế nó lên. (Albukhari: 494).

Thường trong lễ nguyện Salah, mỗi khi Người nghe tiếng khóc của trẻ con thì Người hoàn tất lễ nguyện Salah trong thời gian sớm hơn, Người nói: “Quả thật, Ta đang trong lễ nguyện Salah, Ta muốn kéo dài nó nhưng Ta nghe tiếng khóc của trẻ con nên Ta đã vội hoàn tất nó sớm hơn, bởi vì Ta không thích gây khó khăn cho mẹ của nó.” (Albukhari: 675). 

Sự nhân từ của Người đối với những người yếu thế

Thiên Sứ của Allah khuyến khích mọi người giúp đỡ và nuôi dưỡng trẻ mồ côi, Người nói: “Ta và người bảo hộ trẻ mồ côi ở nơi Thiên Đàng gần nhau như thế này, Người chìa ngón tay trỏ và ngón giữa và cử động chúng qua lại. (Albukhari: 4998).

Người xem người đi giúp đỡ những phụ nữ góa, những người nghèo khó giống như người xông pha chinh chiến cho con đường chính nghĩa của Allah nơi sa trường và giống như người nhịn chay ban ngày và dâng lễ nguyện ban đêm (Albukhari: 5661).

Người đặt tiêu chí giúp đỡ và chia sẻ khó khăn với người yếu hèn và nghèo khổ là nguyên nhân được Allah ban cho bổng lộc và được Ngài giúp giành thắng lợi trước kẻ thù, Người nói: “Các ngươi hãy giúp đỡ những người hèn yếu, bởi quả thật, các ngươi sẽ giành được thắng lợi và được ban phát thêm bổng lộc bởi những người yếu hèn của các ngươi.” (Abu Dawood: 2594). 

Việc Thiên Sứ Muhammad đã gần gũi với những người yếu thế và nhân từ với họ là một lý do để chiến thắng và sinh kế.

 Sự nhân từ của Người đối với loài vật

Người thúc giục mọi người tử tế với chúng, không bắt chúng gánh nặng quá tải trên lưng chúng, và không làm đau đớn cho chúng; Người kêu gọi giảm thiểu sự đau đớn ngay cả khi giết mổ chúng để ăn, Người nói: “Quả thật, Allah đã ghi điều tốt đẹp trên tất cả mọi thứ, nếu các ngươi giết con vật thì hãy giết nó theo cách tốt nhất, và nếu các ngươi giết thịt con vật thì các ngươi hãy giết thịt nó theo cách tốt nhất, và các ngươi nên mài lưỡi dao cho sắc bén để con vật chết nhẹ nhàng hơn.” (Muslim:1955)

Thiên Sứ Muhammad nói: “Một người phụ nữ vào Hỏa Ngục chỉ vì một con mèo do cô ta đã bắt nhốt nó lại không cho nó ăn và cũng không thả nó đi ăn thức ăn trên mặt đất” (Albukhari: 3140).

Một vị Bạn đạo nói: Có lần chúng tôi cùng Thiên Sứ trong một chuyến đi xa, trong lúc Người vắng mặt, chúng tôi thấy một tổ chim trong đó có một chú chim con, chúng tôi đã bắt lấy chú chim non đó, khi chim mẹ bay về tổ không nhìn thấy con của nó, nó đã kêu la thảm thiết và đập mạnh đôi cánh của nó. Vừa lúc ấy, Thiên Sứ trở lại và nhìn thấy cảnh tượng đó thì Người nói: “Ai đã làm đau lòng con chim này bởi đứa con của nó, hãy mau trả con của nó lại cho nó!” (Abu Dawood: 2675). 

Vị Thiên Sứ của Islam đã có nhiều lời di huấn về việc quan tâm và yêu quí động vật, không bắt chúng làm quá sức, và Người cảnh báo về sự trừng phạt đối với những ai làm hại đến chúng.

 

 Công bằng

Thiên Sứ của Allah là người công bằng, Người luôn công tư phân minh trong việc thực thi giáo luật của Allah cho dù đối với bà con ruột thịt đi chăng nữa, Người luôn chấp hành đúng theo lệnh của Qur’an: {Hỡi những người có đức tin, các ngươi hãy luôn đứng lên bênh vực cho nền công lý như là những nhân chứng cho Allah dù điều đó có nghịch lại với bản thân của các ngươi hoặc nghịch lại với cha mẹ và bà con ruột thịt của các ngươi.} (Chương 4 – Annisa’, câu 135).

Thiên Sứ của Allah nói khi một số vị Bạn đạo đến cầu xin Người không thực thi hình phạt đối với người phụ nữ đã phạm tội trộm cắp vì cô ta thuộc một bộ tộc cao quý và tiếng tăm: “Ta thề bởi Đấng nắm lấy linh hồn của Muhammad, nếu Fatimah con gái của Muhammad Ta phạm tội trộm cắp thì chắc chắn Ta cũng sẽ cắt tay của nó.” (Albukhari: 4053).

Khi Người nghiêm cấm việc cho vay lấy lãi (Riba), Người đã bắt đầu với người thân thích của Người, Người đã ngăn cấm người bác của Người, Al-Abbas, Người nói: “Riba đầu tiên mà Ta áp dụng luật nghiêm cấm là Riba của chúng ta, Riba của Abbas bin Abdul-Mattalib đã bị xóa bỏ tất cả.” (Muslim: 1218).

Người đặt ra thước đo nền văn minh và tiến bộ của cộng đồng là người yếu thế lấy lại quyền lợi của mình từ những người mạnh thế mà không có sự lo sợ và do dự. Người nói: “Sự thiêng liêng đối với người nô lệ là rằng kẻ yếu thế lấy lại quyền lợi của mình mà không phải e ngại và lo sợ.” (Ibnu Ma-jah: 2426). 

Các nguồn tài liệu đề cập rằng vị Thiên Sứ của Islam đã không tích trữ tài sản trong suốt cuộc đời của Người. 

 

Tốt bụng và rộng lượng

Có một người đàn ông đến xin Người, Người nói: “Ta không còn gì nữa hết, nhưng ngươi cứ mua thứ gì ngươi cần rồi tính cho Ta, khi nào Ta có Ta sẽ thanh toán”. U’mar nói: Thưa Thiên Sứ của Allah, Allah đâu bắt Người phải gánh vác những gì ngoài khả năng đâu. Thiên Sứ  không thích điều đó. Người đàn ông đó nói: “Cứ cho đi và chớ đừng lo sợ Đấng của chiếc Ngai vương cắt giảm”. Thế là Thiên Sứ mỉm cười và niềm vui hiện rõ trên gương mặt của Người. (Theo các Hadith chọn lọc: 88).

Tám mươi ngàn Dirham (đồng bạc) được mang đến cho Người, Người đổ nó lên một chiếc chiếu, rồi Người cúi xuống phân phát, Người đã phát hết đóng tiền đó cho bất cứ ai đến xin Người. (Al-Hakim: 5423).

Khi Thiên Sứ của Allah trở lại từ cuộc chinh chiến Hunain, những người dân thôn và những người mới gia nhập Islam ồ ạt đến đòi chia chiến lợi phẩm, họ chen lấn nhau đến nỗi đẩy cả Người té ngã đụng vào một cái cây, và họ giật lấy cái áo của Người. Người đứng lên và nói: “Các người hãy đưa cái áo lại cho Ta, nếu Ta có nhiều ân huệ như những cái cây này chắc chắn Ta sẽ chia hết cho các người, rồi các người sẽ thấy Ta không keo kiệt, không nói dối và cũng không hèn nhát.” (Albukhari: 2979). 
 

Sự kiên nhẫn và chịu đựng của Người

Thiên Sứ của Allah đến Ta-if (một thành phố núi nằm cách Makkah khoảng 90 km) để kêu gọi người dân ở đó vào Islam. Tuy nhiên, không những họ không đáp lại lời kêu gọi của Người mà họ còn nhục mạ, đánh đập, ném đá Người. Và trong lúc Người quay lại Makkah, trên đường về, Allah đã cử một vị Thiên Thần đến hỏi Người rằng có muốn hủy diệt tất cả dân chúng nơi Ta-if không thì Người nói: “Không, Ta hy vọng Allah sẽ hướng dẫn thế hệ con cháu của họ sau này thờ phượng Ngài và không tổ hợp với Ngài một điều gì.” (Albukhari: 3059).

Có lần, một gã dân quê thô lỗ ở sa mạc kéo mạnh cái áo choàng trên mình của Thiên Sứ làm hở cả bờ vai của Người, rồi gã ta nói: Này Muhammad! Hãy đưa cho ta từ nguồn tài sản của Allah đang ở nơi ngươi. Khi ấy, Người chỉ mỉm cười và ra lệnh bảo các vị Bạn đạo của Người lấy tiền từ ngân quỹ Islam đưa cho gã ta. (Albukhari: 2980).

Một trường hợp khác cho thấy sự kiên nhẫn và chịu đựng của Thiên Sứ vĩ đại hơn, đó là Người cư xử với người dân Makkah khi chinh phục được nó. Những người của Makkah đã từng trục xuất Người khỏi quê hương của Người, đã từng đàn áp Người bằng chiếc lưỡi của họ và bằng đao kiếm qua một thời gian dài, thậm chí họ còn ‘đuổi cùng giết tận’ để sát hại Người. Rồi khi Người được Allah giúp giành thắng lợi trong việc chinh phục Makkah, Người đã hoàn toàn giành quyền kiểm soát, Người đã triệu tập tất cả dân Makkah và đứng trước họ nói: “Các người nói xem Ta sẽ làm gì đối với các người?” Họ nói: Điều tốt, bởi anh là người anh em tốt, đứa con của người anh em tốt. Người nói: “Ta sẽ nói giống như những gì mà người anh em Yusuf – tức Nabi Yusuf bin Ya’qub, người đã tha thứ cho các anh em của mình khi họ đã từng làm hại Người và ném Người xuống giếng – đã nói qua lời phán của Allah: {Ngày hôm nay không có gì phải khiển trách các anh cả. Allah sẽ tha thứ tội lỗi cho các anh bởi vì Ngài là Đấng Khoan Dung nhất} (Chương 12 – Yusuf, câu 92). Các người hãy đi, các người là những người tự do” (Albayhaqi: 18275-18276). 


Người không bận tâm nhiều đến cuộc sống trần gian

Thiên Sứ của Allah luôn sống theo lời phán của Thượng Đế Tối Cao, Allah: {Và Ngươi chớ trố mắt nhìn về những thứ mà TA đã ban cấp cho những cặp (bè nhóm) của chúng hưởng thụ, sự lộng lẫy của đời sống trần tục này chỉ là những thứ mà TA dùng để thử thách chúng; ngược lại, thiên lộc của Thượng Đế của Ngươi là tốt đẹp nhất và còn mãi} (Chương 20 – Ta-ha, câu 131).

Có một ngày nọ, vị Bạn đạo của Người, U’mar bin Al-Khattab (vị thủ lĩnh thứ hai của những người có đức tin) vào gặp Người thì thấy Người đang nằm trên chiếc chiếu không tấm trải hoặc chiếc nệm nào bên trên cả, và vết chiếu vẫn còn in dấu trên mình của Người. U’mar nói: Tôi đưa mắt nhìn xung quanh ngôi nhà của Người, thề bởi Allah, tôi chẳng tìm thấy trong nhà một thứ gì đáng dùng để cho thoái mái cuộc sống cả, tôi quay sang nói với Người: “Người hãy cầu xin Allah để Ngài ban cuộc sống rộng rãi hơn cho cộng đồng của Người. Quả thật, đất nước Ba Tư, La Mã đều được Allah ban cho cuộc sống rộng rãi trên thế gian trong khi họ không thờ phượng Ngài”. Người nói: “Chẳng lẽ anh có sự hoài nghi gì nữa sao, hỡi con trai của Al-Khattab! Những người đó chỉ được Allah ban những gì tốt đẹp trên thế gian này thôi.” (Albukhari: 2336).

Người nói: “Trần gian đối với Ta chẳng là gì cả, Ta sống trên thế gian này chỉ như một kẻ đi đường dừng chân nghỉ mát dưới một bóng cây rồi sau đó ra đi và bỏ lại cái cây đó.” (Tirmizhi 2377).

Người từng trải qua một tháng, hai tháng, ba tháng trong nhà không nhúm lửa nấu ăn mà các bữa ăn chỉ là chà là khô và nước lã (Albukhari: 2428). Có lúc, Người phải nhịn đói nguyên ngày ngay cả vài quả chà là khô cũng không có (Muslim: 2977). Và thực sự Người chưa từng no bụng với bánh mì lúa mì trong ba ngày liên tục cho đến khi Người qua đời mà hầu như bánh mì của Người thường được làm từ lúa mạch (Muslim: 2976).

Niềm vui và sự thoải mái của Người là ở việc giúp ích được cho mọi người, Người thường giúp đỡ những người yếu thế và khó khăn. Một vị Bạn đạo của Người nói: có lần tôi cùng đi bộ với Thiên Sứ trong Madinah, khi nhìn thấy núi Uhud ở phía trước mặt (Uhud là ngọn núi lớn nhất của Madinah) thì Người nói: “Này Abu Zdar!”. Tôi trả lời: Dạ thưa Thiên Sứ của Allah, tôi nghe đây. Người nói: “Nếu Ta có một núi vàng to bằng núi Uhud thì Ta không thích nó ở với Ta quá ba ngày dù chỉ còn lại một Dinar, chắc chắn Ta phải dùng tất cả cho tôn giáo, hỗ trợ các bề tôi của Allah thế này, thế này, Ta sẽ cho bên phải, bên trái và đằng sau .. quả thật, đa số những người giàu tiền của thường là những người ít có những việc làm ngoan đạo và thiện tốt vào Ngày Phán Xét, ngoại trừ những ai đã chi dùng tài sản của họ cũng như địa vị của họ hỗ trợ và giúp đỡ những người khó khăn và yếu thế.” (Albukhari: 6079). 

Thiên Sứ của Islam đã ví cuộc sống của Người trên thế gian giống như một lữ khách dừng chân ngồi nghỉ dưới bóng cây rồi rời đi bỏ lại cái cây đó. 

Uy tín và giữ lời hứa

Thực hiện lời giao ước là một trong những phẩm chất cao quí nhất, nó nâng cao giá trị và nhân cách của một người. Người là người luôn giữ lời hứa và thực hiện theo đúng những gì đã hứa, đó là thói quen trong cách hành xử của Người.

Khi Hercules, vị vua của Thiên Chúa hỏi những người ngoại đạo Quraish về các thuộc tính của Thiên Sứ Muhammad, nói: Y có lừa dối và gian xảo không? Họ nói: Không. Thế là vị vua nói với họ: Cũng giống như thế, các Thiên Sứ không lừa dối và gian xảo. (Albukhari: 7).

Người là người luôn quan tâm nhất trong việc thực hiện lời hứa của Người với Quraish, ngay cả khi họ bội ước.

Người thực hiện lời hứa ngay cả đối với người đã chết và khi không có mặt của họ.

Lòng chân thành của Người đối với vợ thứ nhất của Người, bà Khadijah là cao quý nhất, Người đã giữ vị thế của bà, thừa nhận địa vị của bà và luôn giữ sự tôn trọng đối với bà con và bạn bè của bà ..

Bà ‘A-ishah vợ của Thiên Sứ Muhammad nói về lòng chân thành và sự chung thủy của Người đối với người vợ đầu của Người, bà Khadijah, người vợ đã qua đời trong giai đoạn đầu của sứ mạng, và bà ‘A-ishah chưa từng biết đến bà Khadijah. Bà ‘A-ishah nói: Quả thật, Thiên Sứ thường nhắc đến bà (Khadijah) rất nhiều, khi Người làm thịt con cừu thì Người cắt lấy các chi của nó gởi biếu đến những người bạn của bà Khadijah. Có lúc tôi trách hờn nói với Người: Làm như trên thế gian này không có người phụ nữ nào khác ngoài tên Khadijah vậy! Người liền nói: “Nàng ta thế này, ... thế này ...”, Người liệt kê ra hàng đống ưu điểm của bà. (Albukhari: 3607).

Có một lần, một đoàn khách đến từ đức vua Annaja-shi (là vị vua của xứ Alhabashah nay là quốc gia Ethiopia, ông đã từng ra sức bảo vệ cho những người Muslim trong buổi đầu của Islam). Thiên Sứ đã tự thân phục vụ tiếp đãi họ. Các vị Bạn đạo nói với Người: Chúng tôi lo được rồi. Người nói: “Quả thật, họ là những người đã từng đối đãi tốt với các Bạn đạo của Ta, và quả thật Ta thích được đích thân phục vụ tiếp đãi họ.” (Các phần của đức tin Iman: 8704).

Người luôn chân thành với bà con và các Bạn đạo của Người, Người không quên sự chăm sóc và nuôi dưỡng của người bác lúc Người lên tám tuổi, Người không quên người bác đã quan tâm thương yêu và ra sức bảo vệ Người thế nào, cho nên, Người đã luôn cố gắng kiên trì hướng dẫn người bác đó đến phút cuối cùng, và Người đã vẫn luôn cầu xin Allah tha thứ cho ông ta sau khi ông chết cho tới khi Allah ra lệnh cấm Người cầu xin cho ông ta nữa.

Người giữ lời hứa với các Bạn đạo của Người. Hatib Bin Abu Balta’ah đã cùng tham chiến với Người trong trận Badr, ông đã để lộ tin mật của Thiên Sứ trong một tình huống nguy hiểm, đó là ông đã viết thư gửi đến dân Quraish rằng Người sẽ dẫn đoàn quân đến. Tuy nhiên, Thiên Sứ đã xí xóa cho vị Sahabah đó bởi vì y đã luôn cùng với Người trong những ngày đầu của Islam, đặc biệt là trong trận Badr. Người nói với một vị Sahabah đã yêu cầu Người thi hành mức phạt với vị Sahabah đã báo tin mật của Người: “Quả thật, y đã cùng tham chiến trong trận Badr, biết đâu Allah xuất hiện trước những người tham chiến trong trận chiến Badr và phán bảo: các ngươi hãy làm bất cứ những gì các ngươi muốn, quả thật, Ta đã tha thứ cho các ngươi.” (Muslim: 2494). 

Thiên Sứ của Islam đã rất chung thủy với người vợ đầu tiên của mình Khadijah, sau khi bà qua đời, Người vẫn luôn ghi nhớ nghĩa tình của bà trong tim, quan tâm và trân quý đến những người thân và bạn bè của bà. 

Quả thật, Thiên Sứ đã cư xử và biểu hiện một tấm gương đạo đức tốt nhất trong mọi mặt của cuộc sống đúng theo mệnh lệnh của Allah và đường lối của các vị Thiên Sứ cao quý trước Người. 

 


Thành phố Madinah hay Madinah Munauwarah như các tín đồ Muslim thường gọi là thành phố thiêng liêng quan trọng thứ hai sau Mecca (Makkah). 

Đó là nơi Thiên Sứ Muhammad di cư đến và đã xây dựng một Masjid (Thánh đường) của Người và Người được chôn cất tại đó khi qua đời, và hàng năm có hàng triệu tín đồ Muslim trên khắp thế giới đến thăm ngôi Masjid này. 

Đăng nhận xét

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Mới hơn Cũ hơn
Hãy chia sẽ bài viết đến mọi người⭒♡⭒
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TRANG WEB