Hỡi những người có đức tin, việc nhịn chay đã được sắc lệnh cho các ngươi giống như nó đã được sắc lệnh cho các thế hệ trước các ngươi, mong rằng các ngươi trở thành những người có Taqwa.

» Video: 7 Bài học từ nhịn chay Ramadan

Tóm lược và một số câu hỏi liên quan giáo luật Zakah

Zakah là một hình thức Sadaqah bắt buộc mang tính bổn phận và nghĩa vụ trong Islam. 

Allah phán:

{Các ngươi hãy duy trì lễ nguyện Salah, hãy xuất Zakah và hãy cúi mình cùng với những người cúi mình (thờ phượng Allah).} (Chương 2 – Al-Baqarah, câu 43)


Và Zakah cũng là trụ cột thứ ba trong nền tảng của Islam như Thiên Sứ của Allah nói:

“Islam được dựng trên năm nền tảng trụ cột: Lời tuyên thệ Shahadah, thiết lập Salah, xuất Zakah, hành hương Hajj tại ngôi đền Ka'bah và nhịn chay tháng Ramadan.” (Albukhari, Muslim)

Zakah mang ý nghĩa thanh lọc sự giàu có của mọi người, không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần. Nó thanh lọc trái tim của họ chống lại sự ích kỷ cũng như đảm bảo rằng những người nghèo nhất trong xã hội được bảo vệ khỏi đói khát và cơ cực. Đây là một nghĩa vụ tinh thần mà người Muslim sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với Allah. Zakah đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những người nghèo nhất trong cộng đồng, thông qua việc cung cấp cho họ những viện trợ thiết yếu cũng như giúp họ thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.

Bạn phải làm Zakah nếu, thứ nhất, bạn là một người Muslim trưởng thành có đầu óc minh mẫn, và thứ hai, bạn đã sở hữu một lượng tài sản tối thiểu (được gọi là Nisab) trong một năm.

Nisab phải được duy trì trong một năm để Zakah được yêu cầu và phải được thanh toán ngay khi đến hạn. Do đó, năm Zakah của bạn bắt đầu vào ngày tài sản của bạn lần đầu tiên bằng hoặc vượt Nisab và sẽ được tính vào ngày đó cho mỗi năm tiếp theo.

Tài sản phải xuất Zakah được chia thành 4 loại:

1. Vàng, bạc và các loại tiền: Đối với các loại tài sản thuộc loại này, bạn nên lấy Nisab của vàng làm mặc định là cách dễ dàng nhất trong việc tính Zakah. Và Nisab của vàng là 85 gram, theo các chuẩn quy đổi đơn vị vàng ở Việt Nam, 1 chỉ tương đương với 3,75 gram, vì vậy 85 sẽ tương đương với 2,267 lượng (cây) tức 2 cây 2 chỉ 6 phân 7 ly.Vì vậy, nếu bạn tính tổng giá trị tài sản của bạn từ vàng, bạc, và các loại tiền sau đó quy đổi ra vàng, nếu bằng hoặc nhiều hơn 2,267 lượng thì bạn phải xuất Zakah.

2. Hàng hóa: Mọi thứ được chuẩn bị để buôn bán, hoặc tài sản cho mục đích đầu tư, cổ phiếu kinh doanh trong thương mại,và cổ phiếu được sở hữu trực tiếp hoặc thông qua các quỹ đầu tư. Nisab của loại này cũng là 2,267 lượng (cây) vàng. Có nghĩa là bạn tính tổng giá trị của tất cả rồi quy đổi ra vàng, nếu tổng giá trị có được bằng hoặc hơn Nisab này thì bạn phải xuất Zakah.

* Mức xuất Zakah của hai loại tài sản trên là 2,5% của tổng giá trị toàn bộ tài sản sở hữu được trong một năm.

* Cách tính mức lượng xuất Zakah của hai loại tài sản trên giống nhau. Bạn lấy giá trị tổng tài sản chia cho con số 40 và kết quả có được chính là mức lượng của Zakah. Ví dụ, sau khi tổng toàn bộ tài sản, bạn có 400 triệu, bạn sẽ lấy 400 triệu chia cho 40, kết quả có được là 10 triệu, và 10 triệu này chính là số tiền bạn phải Zakah.

3. Vật nuôi (lạc đà, bò, trâu, dê hoặc cừu) được chăn thả.

Người Muslim phải xuất Zakah đối với những loại vật nuôi này.

Lạc đà 1 bướu hoặc 2 bướu
Số lượng Mức xuất Zakah
Từ 5 đến 9 con 1 con cừu cái
Từ 10 đến 14 con 2 con cừu cái
Từ 15 đến 19 con 3 con cừu cái
Từ 20 đến 24 con 4 con cừu cái
Từ 25 đến 35 con 1 con lạc đà cái đang ở năm thứ 2
Từ 36 đến 45 con 1 con lạc đà cái đang ở năm thứ 3
Từ 46 đến 60 con 1 con lạc đà cái đang ở năm thứ 4
Từ 61 đến 75 con 1 con lạc đà cái đang ở năm thứ 5
Từ 76 đến 90 con 2 con lạc đà cái đang ở năm thứ 3
Từ 91 đến 120 con 2 con lạc đà cái đang ở năm thứ 4
Từ 121 đến 129 con 3 con lạc đà cái đang ở năm thứ 3
Sau đó cứ mỗi 30 con thì xuất 1 con bò cái đang ở năm thứ hai, và mỗi 40 con là 1con bò cái đang ở năm thứ ba.

Bò, trâu
Số lượng Mức xuất Zakah
Từ 30 đến 39 con 1 con bò cái đang ở năm thứ hai
Từ 40 đến 59 con 1 con bò cái đang ở năm thứ ba
Từ 60 đến 69 con 2 con bò cái đang ở năm thứ hai
Sau đó cứ mỗi 30 con thì xuất 1 con bò cái đang ở năm thứ hai, và mỗi 40 con là 1 con bò cái đang ở năm thứ ba.

Cừu, dê
Số lượng Mức xuất Zakah
Từ 40 đến 120 con 1 con cừu cái
Từ 121 đến 200 con 2 con cừu cái
Từ 201 đến 300 con 3 con cừu cái
Sau đó, mỗi 100 con cừu thì xuất 1 con cừu cái

Lưu ý: Không được xuất Zakah đối với những con sau đây: dê đực, già yếu, khuyết tật, con tệ nhất trong đàn, gầy yếu, trong cơn đau đẻ, ăn quá nhiều, con tốt nhất.



4. Thứ mọc ra từ đất như các loại gạo, ngũ cốc, các loại đậu và trái cây

- Nisab của loại này là 300 Sa’ tương đương 900 kg sau mỗi mùa thu hoạch, có nghĩa là sau mỗi mùa thu hoạch, nếu sản lượng có được là 900 kg hoặc nhiều hơn thì phải xuất Zakah.

Mức lượng xuất Zakah
Số lượng xuất Điều kiện
1/10 Đối với cây trồng được tưới bởi nước mưa, sông hoặc các phương tiện tự nhiên khác.

Ví dụ: Tổng thu hoạch 1000kg, thì lấy 1000kg/10 = 100kg, vậy phải xuất zakat 100kg.
1/20 Đối với cây trồng được tưới bằng sức người và tốn phí.

Ví dụ: Tổng thu hoạch 1000kg, thì lấy 1000kg/20 = 50kg, vậy phải xuất zakat 50kg.
0,075 Đối với loại cây trồng được tưới bằng cả hai phương tiện.

Ví dụ: Tổng thu hoạch 1000kg, thì lấy 0,075x1000kg = 75kg, vậy phải xuất zakat 75kg.

Các đối tượng nhận Zakah:

Trong Qur’an, Allah cho biết có tám đối tượng được hưởng Zakah, Ngài phán:

{Quả thật, của bố thí (Zakah) chỉ dành cho người nghèo, người thiếu thốn, người thu gom và quản lý, người có trái tim thiện cảm (với Islam), nô lệ (bao gồm tù binh), người mắc nợ, dành phục vụ cho con đường chính nghĩa của Allah, và cho người lỡ đường. Một nghĩa vụ bắt buộc (được áp đặt) từ nơi Allah. Quả thật, Allah là Đấng Toàn Tri, Đấng Sáng Suốt.(Chương 9 – Attawbah, câu 60)

1-Người nghèo: Họ không có bất kỳ của cải nào hoặc họ có rất ít.

2-Người thiếu thốn: Họ có một nửa hoặc hơn một nửa những gì họ cần.Ví dụ: Nếu chúng ta giả định, chẳng hạn 12.000 một năm là những gì họ cần để sống, thì người nghèo là những người có dưới 6.000. Người thiếu thốn là người có 6.000 trở lên, nhưng ít hơn 12.000. Người nghèo và những người thiếu thốn được trao cho những thứ đủ cho họ trong năm từ nguồn Zakah được xuất ra hàng năm.

3-Người thu gom và quản lýtiền Zakah: Nó bao gồm những người thu gom tiền, những người bảo vệ và những người được ủy thác phân phối do người phụ trách người Muslim lựa chọn. Họ không nhất thiết phải là người nghèo; đúng hơn, họ được nhận của Zakah ngay cả khi họ giàu có.

4-Người có trái tim thiện cảm (với Islam): Những người mà người ta hy vọng họ sẽ chấp nhận Islam hoặc ngăn chặn cái xấu của họ.

5-Nô lệ (bao gồm tù binh), có nghĩa giải phóng họ khỏi ách nô lệ, có thể đưa cho một người nô lệ để y tự mua mình từ người chủ, hoặc giải phóng một người nô lệMuslim, hoặc giải thoát một tù nhân Muslim. Và một điều lưu ý là chủ nô không được phép giải thoát một người nô lệ với ý định trao Zakah.

6- Những người mắc nợ:

a. Các khoản nợ phát sinh để mang lại sự hòa giải giữa mọi người.

b. Nợ của chính bản thân.

Việc một người giàu miễn nợ cho một người nghèo (người mà anh ta đã cho vay tiền) với ý định xuất Zakah của anh ta là không hợp lệ.

7- Cho con đường chính nghĩa của Allah: Nó bao gồm những người chiến đấu trong quân đội cũng như bất cứ thứ gì họ cần từ vũ khí và các nhu cầu khác.

8- Người lỡ đường: Họ được cấp một số tiền để giúp đưa họ trở về xứ sở và đất nước của họ.

Chỉ được phép trao Zakah cho một trong tám nhóm đối tượng trên. Không được phép đưa Zakah cho những người giàu có, cũng như cho một người mạnh mẽ có thể kiếm được tiền. Tương tự, nó không được phép đối với gia đình của Muhammad; họ là Banu Hashim và những người hầu của họ. Nó cũng không được phép trao cho những người mà người ta có nghĩa vụ chu cấp vào thời điểm trao Zakah, cho những người không theo Islam. Sadaqah (của thiện nguyện)được phép đưa cho những người này và những người khác ngoài họ; tuy nhiên, tốt hơn là nên đưa cho nó bất cứ nơi nào có nhu cầu và cần hơn.

Một số câu hỏi liên quan

Một câu hỏi thường được đặt ra là liệu phụ nữ có cần xuất Zakah cho đồ trang sức bằng vàng và bạc của họ hay không?

Về điều này có hai luồng quan điểm:

Một số học giả nói rằng phải xuất Zakah cho tất cả vàng và bạc bao gồm cả đồ trang sức. Tuy nhiên, không phải xuất Zakah cho các kim loại quý khác như bạch kim hay đá quý như kim cương. Hơn nữa, một số học giả nói rằng các kim loại hỗn hợp chỉ chịu trách nhiệm về Zakah nếu một nửa hoặc nhiều kim loại là vàng hoặc bạc.

Các học giả khác nói rằng nếu phụ nữ chỉ sử dụng đồ trang sức đó để trang trí cá nhân và nó không được sử dụng như một tài sản tích trữ, thì không phải xuất Zakah.

Nếu bạn mua đồ trang sức với mục đích tích lũy của cải hoặc bán nó sau này, hoặc nếu bạn có thứ thường được coi là xa xỉ, thì đồ trang sức đó không còn là vật trang trí đơn thuần nữa và bạn cần phải xuất Zakah cho nó.

Qua hai luồng quan điểm trên, Sheikh Bin Baz, Sheikh Ibnu Uthaimeen và nhiều học học giả đương đại đã chọn luồng quan điểm phải Zakah đối với đồ trang sức là vàng và bạc. Bởi vì các bằng chứng giáo lý cho thấy nghĩa vụ của Zakah đối với vàng và bạc là nói chung, không có ngoại lệ nào. Một bằng chứng mạnh mẽ nhất đó là Hadith rằng một người phụ nữ đã đến gặp Thiên Sứ của Allah, và con gái của bà ấy có hai chiếc vòng tay dày bằng vàng, và Người đã nói với bà ấy: Bà không xuất Zakah cho cái này ư? Bà ta nói không. Thiên Sứ của Allah nói: Chẳng lẽ bà muốn Allah biến hai vòng tay đó thành hai vòng lửa vào ngày Phán Xét ư?! Thế là bà ấy đã cởi chúng ra và ném chúng cho Thiên Sứ của Allah, và nói: Chúng dành cho Allah và Thiên Sứ của Ngài. Đây là một bằng chứng giáo lý rõ ràng về việc bắt buộc phải xuất Zakah đối với đồ trang sức.

Một câu hỏi thường gặp khác là liệu Zakah có bắt buộc cho những món đồ có giá trị như các loại tài sản ngoài vàng và bạc chẳng hạn ô tô, đất đai, nhà ở. 

Câu trả lời là không. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định bán những mặt hàng này thì chúng sẽ trở thành hàng hóa kinh doanh và bạn phải xuất Zakah đối với chúng.

Một câu hỏi liên quan đến việc đưa Zakah cho người nhận. Có được phép đưa Zakah cho cha mẹ hoặc con cái không?

Các học giả nhất trí rằng người xuất Zakah không được phép đưa Zakah của mình cho người mà mình có nghĩa vụ phải chu cấp cho họ.

Trên cơ sở đó, người xuất Zakah không được phép đưa Zakah cho cha mẹvà con cái bởi vì họ là những người mà bạn phải có nghĩa vụ chu cấp, ngoại trừ trường hợp con cái đã tự lập và sống riêng.

Có một câu hỏi đã hỏi Sheikh Bin Baz rằng có được phép đưa Zakah cho con trai và anh trai được thừa kế từ mẹ hoặc em gái không có chồng không? 

Sheikh bin Baz trả lời: Không có gì sai khi đưa Zakah cho anh trai, chị gái nghèo và những người thân nghèo còn lại như chú, bác, anh chị em họ, v.v. Về phần con trai thì không, về phần con cái thì không; bởi vì chúng là con cái của người đàn ông nên anh ta không đưa Zakah cho chúng mà  phải chu cấp cho chúng. Và Sheikh cũng cho biết rằng không được phép đưa Zakah cho ba mẹ, ông bà bởi vì con cái của họ có nghĩa vụ phải chu cấp cho họ. (Đó là trích dẫn một phần từ câu trả lời của Sheikh Bin Baz).

Dựa trên cơ sở “không được phép đưa Zakah của mình cho người mà mình có nghĩa vụ phải chu cấp cho họ” có nghĩa là người mẹ được phép đưa Zakah cho con cái của mình nếu cô ta không có nghĩa vụ phải chu cấp cho con cái, còn nếu giáo luật yêu cầu cô ta phải chu cấp cho con cái thì cô ta không được phép đưa Zakah cho con cái của cô ta.

Người mẹ không có nghĩa vụ phải chu cấp cho con cái trừ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

1- Không có cha. Nếu người cha được tìm thấy, thì việc chu cấp chỉ bắt buộc đối với anh ta.Ibn Qudamah nói trong Al-Mughni:“Người mẹ có nghĩa vụ phải chi tiêu cho con trai mình nếu nó không có cha.Abu Haneefah và al-Shafi'i đã nói điều này.” (Kết thúc trích dẫn).

2- Người mẹ giàu có và có nhiều tiền hơn mức cần thiết.

3- Rằng đứa trẻ nghèo và cần tiền.

Nếu ba điều kiện này được đáp ứng, người mẹ phải chu cấp và chi tiêu cho con cái của mình và không được phép đưa Zakah cho con cái.

Như vậy, nếu người cha có mặt, người mẹ được phép đưa Zakah của mình cho con cái.

Tuy nhiên, về vấn đề này,Ibn Taymiyah nói trong Al-Ikhtiyarat Al-Fiqhiyyah (trang 104): “Được phép đưa Zakah cho cha mẹ, và ông bà, và cho con cái và cháu, nếu họ nghèo và cha mẹ không có khả năng chu cấp và chi tiêu cho họ. Trường phái tư tưởng của Ahmad.” Kết thúc trích dẫn.Và ông nói trong Majmu’a Al-Fataawa (25/92): “Nếu anh ta – tức là người con trai – đang cần cấp dưỡng, và cha anh ta không có gì để chi cho anh ta, thì sẽ xảy ra tranh chấp về điều đó và có vẻ như anh ta được phép lấy Zakah của cha mình.Tương tự như vậy, người mẹ được phép đưa Zakah của mình cho con trai nếu anh ta mắc nợ để trả nợ.”

Đây là tóm lược ngắn gọn về giáo luật Zakah cũng như một số câu hỏi liên quan. Và Allah là Đấng biết hơn hết.

Cầu xin Allah hướng dẫn và ban cho chúng ta thêm kiến thức để chúng ta có thể thực hiện và chấp hành trong việc vâng lời và thờ phượng Ngài một cách tốt nhất. Cầu xin Allah xí xóa và chấp nhận tất cả mọi việc làm tìm kiếm sự hài lòng của Ngài. Cầu xin Ngài thương xót và tha thứ tội lỗi cho tất cả.

Đăng nhận xét

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Mới hơn Cũ hơn
Hãy chia sẽ bài viết đến mọi người⭒♡⭒
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TRANG WEB