Hỡi những người có đức tin, việc nhịn chay đã được sắc lệnh cho các ngươi giống như nó đã được sắc lệnh cho các thế hệ trước các ngươi, mong rằng các ngươi trở thành những người có Taqwa.

» Video: 7 Bài học từ nhịn chay Ramadan

Thực phẩm, dược phẩm có chứa chất Gelatin và cồn

Các loại thực phẩm hoặc các loại kẹo và bánh ngọt có sử dụng cồn hoặc rượu để hòa tan một số hương liệu hoặc nguyên tố, chẳng hạn như vani và những loại khác, có halal không?


Gelatin là gì?

Có sự khác biệt giữa cồn từ các sản phẩm dầu mở và cồn từ quá trình lên men trái cây không? Và tỷ lệ không đáng kể của những thành phần haram được pha trộn vào các loại thực phẩm có ảnh hưởng đến tính halal của sản phẩm không?

Các loại thực phẩm cũng như các loại kem có chứa gelatin hoặc chất béo nói chung có halal không vì như đã biết gelatin ngoài gelatin thực vật còn có gelatin được lấy từ xương của các loài động vật trong khi trong Islam qui định có loài halal và có loài haram?

Trên đây là những thắc mắc mà đa số tín đồ Muslim còn nhiều băn khoăn vì chưa hiểu hoặc vì chưa có sự giải đáp rõ ràng.

Nhằm giải tỏa những thắc mắc còn nhiều băn khoăn này cũng như để các tín đồ Muslim hiểu rõ hơn về các vấn đề được đề cập, tôi xin phép trình bày phần giải đáp, cầu xin Allah hướng dẫn và soi sáng!

{tocify} $title={Mục lục}

Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu về giới luật  “Istiha-lah”

Istiha-lah về mặt ngôn ngữ: nó đề cập đến sự thay đổi của một sự vật từ đặc điểm và thuộc tính.

Istiha-lah về thuật ngữ giáo luật là sự biến đổi của một thứ Najis thành một thứ khác, tự nó hoặc bằng cách nào đó.

Nếu rượu tự nó chuyển hóa thành giấm thì giấm được phép sử dụng, giới Fuqaha’ (các học giả chuyên về fiqh) đều đồng thuận về điều này.

Nếu rượu chuyển hoá thành giấm do tác động bên ngoài như do ánh nắng mặt trời hoặc do cách xử lý của con người thì có hai luồng quan điểm: được phép và không được phép. Nhiều học giả ngày nay chọn lấy luồng quan điểm được phép.

Những thứ najis (tức những thứ haram) khác ngoài rượu, nếu chúng được xử lý và biến đổi thành một thứ hoặc một chất không còn mang đặc điểm và tính chất ban đầu, có nghĩa là biến đổi thành một thứ (chất) khác hoàn toàn, thứ hoặc chất được biến đổi đó có halal không?

Giới Fuqaha’ cũng có hai luồng quan điểm về vấn đề này. Trường phái Hanifah, Maliky và Sheikh Islam Ibnu Taimiyah cho rằng những thứ najis sau khi đã được xử lý và biến đổi là halal, còn trường phái Shafi’y và Hambaly có quan điểm ngược lại. 

Và nhiều học giả ngày nay đồng thuận với luồng quan điểm thứ nhất (tức luồng quan điểm của trường phái Hanifah, Maliky).

Xem thêm:


Gelatin có thực sự halal không?

Những qui định căn bản chung cho thực phẩm và dược phẩm

Giới Fuqaha’ đều đồng thuận với nhau rằng nguyên gốc của thức ăn và đồ uống đều halal ngoài trừ có bằng chứng khẳng định haram. Vì vây, không ai được phép cấm một loại thực phẩm hoặc đồ uống nào đó mà không có bằng chứng cấm đoán từ giáo luật.

Giáo luật đã chỉ ra những thực phẩm haram và chúng không nằm ngoài những qui định chung sau:

1. Tất cả các loại thú dữ có răng nanh đều haram trừ loài linh cẩu.

Linh cẩu

2. Tất cả các loại chim có móng vuốt để săn mồi đều haram.

Chim có móng vuốt

3. Tất cả các loài động vật ăn những thứ najis (những thứ dơ bẩn và ô uế được qui định trong Islam) đều haram.

4. Tất cả những loài động vật mà giáo luật cấm giết hại chúng đều haram.

5. Tất cả những loài động vật mà giáo luật bảo giết chúng đều haram.

6. Tất cả những gì gây độc hại lập tức hoặc về sau đều haram.

7. Những gì nằm ngoài 6 qui định trên thì nguyên gốc của chúng đều halal, ngay cả chúng là điều gớm ghiếc và kinh tởm đối với phần đông con người hay một nhóm người nào đó, trừ phi sự gớm ghiếc và kinh tởm được cấm từ giáo luật. Như vậy, không phải bất cứ thứ gì được cho là gớm ghiếc và kinh tởm là haram.

 8. Những gì có sự tương đồng, không thể phân biệt thì nên từ bỏ. Thiên Sứ của Allah nói:

 “Quả thật, điều halal đã rõ ràng và điều raram cũng đã rõ ràng, tuy nhiên, giữa hai điều đó vẫn còn những thứ Shubhah (chưa rõ, có sự tương đồng, thiếu chắc chắn) mà đa số người không biết (vì thiếu kiến thức hoặc hiểu chưa thông, chứ không phải do giáo luật chưa trình bày rõ). Vì vậy, ai tránh được những thứ Shubhah thì y đã thanh sạch cho tôn giáo và danh dự của mình” (Albukhari, Muslim).

 “Hãy bỏ điều khiến ngươi nghi ngờ đến với điều không làm ngươi nghi ngờ.” (Tirmizdi, Annasa-i và Ahmad ghi lại, Al-Albani xác nhận sahih).

 9. Nguyên gốc của các phương thức điều trị bệnh đều halal trừ phi có bằng chứng cấm từ giáo luật.

 Quả thật, Allah ban xuống bệnh tật và phương thuốc, và mỗi một căn bệnh Ngài tạo cho một phương thuốc. Vì vậy, các ngươi hãy dùng các phương thuốc điều trị, nhưng chớ điều trị bằng những thứ haram.(Abu Dawood).

Và một trong những thứ mà giáo luật cấm dùng làm thuốc là rượu, khi Thiên Sứ của Allah được hỏi có được phép lấy rượu để điều trị bệnh không thì Người nói đó là thuốc độc chứ không phải là thuốc điều trị.


Các loại thực phẩm hoặc các loại kẹo và bánh ngọt có sử dụng cồn hoặc rượu

Bất kỳ thực phẩm chứa chất cồn hoặc rượu chưa được biến đổi trước khi pha trộn thì thực phẩm đó được coi là najis, không được phép sử dụng, tức thực phẩm đó là haram. 

Nhưng nếu cồn hoặc rượu đã được biến đổi trong quá trình sản xuất và chuyển thành một chất khác không gây say rồi mới được trộn vào thực phẩm thì thực phẩm đó được phép dùng tức halal, bởi vì chất được biến đổi lúc bấy giờ đã không còn là cồn hoặc rượu nữa do thuộc tính gây say đã không còn tồn tại.

Những thành phần haram được pha trộn vào các loại thực phẩm với tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể, không ảnh hưởng đến sản phẩm, được coi là không tồn tại?

Tỷ lệ không đáng kể của những thứ haram được pha trộn vào một thứ halal nào đó thì thứ halal đó không bị ảnh hưởng. Các học giả đã tuyên bố rằng một tỷ lệ rất nhỏ từ cồn hoặc rượu không ảnh hưởng đến thực phẩm và nó không được coi là haram do sự hiện diện của tỷ lệ không đáng kể này.

Học giả, Sheikh Ibn Uthaimeen - cầu Allah thương xót ông - nói: “Đừng nghĩ rằng bất kỳ tỷ lệ phần trăm nào từ rượu có trong một thứ gì thì đều làm cho thứ đó trở thành haram. Thật ra, nếu tỷ lệ rượu pha vào thức uống làm người uống say thì thức uống đó sẽ trở thành haram, nhưng nếu tỷ lệ rất nhỏ, thực sự không đáng kể, không ảnh hưởng đến thức uống đóthì thức uống đó halal, ví dụ: tỷ lệ (1%) hoặc (2%) hoặc (3%) không làm cho một thứ gì đó trở thành haram. Có thể một số người nghĩ rằng lời của Thiên Sứ

“Bất cứ thứ gì, phần nhiều của nó gây say thì phần ít của nó cũng haram” có nghĩa là bất cứ thứ gì trộn lẫn với một ít thứ gì đó gây say đều bị cấm, ngay cả khi thứ được trộn chiếm đa phần. Đây là một cách hiểu sai. Ý nghĩa đúng từ lời của Thiên Sứ “Bất cứ thứ gì, phần nhiều của nó gây say thì phần ít của nó cũng haram” là: cái gì gây say khi ở lượng nhiều và không gây say ở lượng ít thì dù ít hay nhiều đều haram. Tại sao? Bởi vì bạn có thể uống một ít và sau đó nó thúc bản thân bạn uống nhiều và say. Riêng đối với những gì được pha với chất say và tỷ lệ phần trăm rất nhỏ, nó không có tác dụng, thì những thứ được pha là halal, nó không nằm trong ý của hadith.”

Điều này giống như một giọt nước tiểu không làm cho nguồn nước trở thành najis khi lượng nước rất nhiều, một con lợn hoặc một con chó đã chết không làm con sông trở thành najis.

Có sự khác biệt giữa cồn từ các sản phẩm dầu mỏ và cồn từ quá trình lên men trái cây không?

Không có sự khác biệt giữa cồn được chiết xuất từ ​​dầu mỏ và cồn được chiết xuất từ ​​trái cây. Dù là chiết xuất từ dạng nào, nếu gây say thì đó là rượu được áp dụng các giới luật về rượu.

Trong các vấn đề vừa được nêu, cần lưu ý một nguyên tắc, đó là nguyên gốc của mọi thứ đều halal cho đến khi có cơ sở khẳng định haram từ Qur’an và Sunnah.

Theo bách khoa toàn thư về Fiqh: Đối với những người đã theo dõi các cuốn sách khác nhau về Fiqh, điều này trở nên rõ ràng trong thực phẩm và những gì khác rằng nguyên gốc của thực phẩm là halal, nó không trở thành haram trừ phi có bằng chứng cụ thể cho việc cấm.

Và trong Al-Fiqh Al-Islami Wa Adillatuhu: Các học giả đã đồng thuận rằng nguyên gốc của đồ uống và thực phẩm là halal, bởi vì Allah đã phán:

{Ngài là Đấng đã tạo tất cả mọi thứ trên trái đất cho các ngươi.}(Chương 2 -  Albaqarah, câu 29).


Các loại thực phẩm cũng như các loại kem có chứa gelatin hoặc chất béo nói chung

Gelatin chế phẩm được tạo ra từ collagen chiết xuất phía dưới da, xương động vật hoặc từ thực vật.

Nguồn gốc của Gelatin


Nếu gelatin được lấy từ các loài động vật halal (được phép ăn) sau khi đã giết mổ chúng theo đúng cách thức của Islam thì không có gì phải bàn cãi về tính halal của nó. 

Nếu biết nguồn gốc của gelatin là từ xương của động vật chết hoặc từ các loài động vật bị cấm ăn; chẳng hạn như lợn (heo), nếu nó đã được xử lý cho đến khi chuyển hóa thành một chất khác hoàn toàn trước khi thêm vào thực phẩm hoặc kem, theo luồng quan điểm đúng nhất trong các luồng quan điểm của các học giả thì nó không najis và được phép sử dụng. 

Nhưng nếu không qua xử lý và chưa chuyển hóa thành chất khác thì nó vẫn giữ nguyên gốc là najis, cấm sử dụng.

Trường hợp không rõ trạng thái hoặc nguồn gốc thì nó được cho halal vì nguồn gốc không rõ và không thể xác minh, và bởi vì hầu hết các nguyên liệu sản xuất này đã được xử lý biến đổi thành một chất khác. Một người chỉ cần đọc các thành phần của những thực phẩm này để biết liệu trong số các hợp chất của chúng có bị cấm hay không.

Bởi vì nguyên gốc là xác thực, không có lý do gì để nghi ngờ, và không cần thiết phải đào sâu và tìm bới xa hơn, điều đó chỉ dẫn đến sự khó khăn, trong khi Allah đã phán:

{Ngài đã không gây khó khăn cho các ngươi trong tôn giáo.}(Chương 22 – Al-Hajj, câu 78).

Thông thường các nhà sản xuất đều ghi chi tiết các thành phần của từng loại hàng hóa trên bao bì một cách rõ ràng, nhưng đôi khi có một cụm từ không rõ ràng, đáng ngờ, chẳng hạn như trong mục thành phần ghi “mỡ động vật” mà không nêu rõ loại động vật, nó là một con bê hay một con lợn. Trong trường hợp này, người dùng cần thận trọng do có sự nghi ngờ, vì khả năng động vật được nói là con lợn không phải là nhỏ, và điều này đủ làm cơ sở bắt buộc để tránh sản phẩm đó.

Nếu các thành phần không được ghi trên sản phẩm, không có sự chắc chắn hoặc không có cơ sở nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ của các chất có trong sản phẩm là haram, thì việc sử dụng chúng không bị cấm, nhưng nên tránh chúng như một cách đề phòng và thể hiện sự ngoan đạo.Thiên Sứ của Allah đã nói:

 “Hãy bỏ điều khiến ngươi nghi ngờ đến với điều không làm ngươi nghi ngờ.” (Tirmizdi, Annasa-i và Ahmad ghi lại, Al-Albani xác nhận sahih).


Gelatin có rất nhiều trong thực phẩm hằng ngày


Và quy tắc cần nhớ là: Những gì mà việc từ bỏ nó mới hoàn thiện được việc từ bỏ thứ haram thì việc từ bỏ nó là bắt buộc.

Học giả Assuyuti đưa ra một quy tắc khi có sự đồng vị giữa hai thứ: Nếu halal và haram được tập hợp lại thì haram sẽ chiếm ưu thế. 

Ông đưa ra hình ảnh thí dụ: Nếu một con vật được cắt tiết có sự tương đồng với con vật chết, hoặc sữa bò với sữa lừa, hoặc nước với nước tiểu, thì không được phép ăn, uống bất cứ thứ gì từ chúng.

Khi nghi ngờ về tính haram của một thực phẩm nào đó, câu hỏi về nguồn gốc của thực phẩm là chính đáng và nó càng được yêu cầu mỗi khi sự nghi ngờ càng gia tăng, bởi đó là cách giữ sạch cho tôn giáo của một người.

Cầu xin Allah hướng dẫn và soi sáng bởi Ngài là Đấng Chí Minh, Ngài là Đấng biết rõ hơn hết!!!   

Đăng nhận xét

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Mới hơn Cũ hơn
⭒Hãy chia sẽ bài viết đến mọi người⭒♡⭒
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TRANG WEB